TÌNH YÊU

Tình yêu là gi?

TÌNH YÊU

TS. Nguyễn Chí Long- ĐHSP. TP. HCM.

 

Những ngày Tết Nguyên Đán, trong thời điểm diệu kỳ của đất trời, có lẽ ai cũng ngây ngất trước hương thơm, sắc màu rực rỡ của hoa xuân; vui mừng trước khuôn mặt rạng ngời của những người thân, bè bạn hay cả những người mà ta chưa từng quen biết. Đây là thời điểm đầy cảm xúc, và thích hợp nhất để có thể đề cập đến đề tài muôn thưở của con người: Tình yêu !

Cuộc sống thiếu tình yêu không phải là sống mà chỉ là sự tồn tại. Không thể sống thiếu tình yêu vì con người sinh ra có một tâm hồn để mà yêu.” (M. Gorki). Nhưng có khi, thời điểm diệu kỳ của mỗi người, hương thơm ngào ngạt, vẻ đẹp rạng ngời của cuộc sống, xuân của tâm hồn chính là từ lúc “yêu nhau” như trong bài thơ “Nguyên Đán” của Nhà thơ Xuân Diệu: “Xuân của đất trời nay mới đến. Trong tôi xuân đến đã lâu rồi; Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi. Trong vườn thơm ngát của hồn tôi.”

Dù tình yêu luôn là đề tài quan trọng, thời sự và thú vị; nhưng đã có một định nghĩa nào về tình yêu được mọi người thấu hiểu, chấp nhận như ánh sáng soi đường trên bước đi của cuộc đời?
Đã từng có một thời, rất nhiều bạn trẻ rung cảm với nổi đau, yêu mà chẳng được yêu của nhà thơ tình Xuân Diệu:”Yêu là chết ở trong lòng một ít. Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu. Cho rất nhiều mà nhận chẳng bao nhiêu. Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết. Phút gần gũi cũng như giờ chia biệt. Tưởng trăng tàn, hoa tạ với hồn tiêu. Yêu là chết ở trong lòng một ít… ”. Cảm giác buồn đau, trăng tàn hoa úa, tâm hồn tan nát khi không 
được yêu là có thật, nhưng tại sao yêu lại là chết ở trong lòng?, còn nếu giả sữ, chết để mà tái sinh, thì tại sao chỉ chết ở trong lòng một ít? Thật không tương xứng với sự kỳ vĩ của tình yêu…

• Tình yêu, có lẽ là một quá trình tranh đấu giữa khổ đau và hạnh phúc, giữa phản bội và thủy chung, giữa đòi hỏi và hiến dâng, giữa đam mê và vô cảm, giữa sự dũng cảm và nổi ươn hèn, giữa sự trắng trong và mưu đồ vẫn đục.


• Tình yêu, có lẽ mãi mãi là một điều kỳ bí, có thể chợt đến trong một khoảnh khắc của cuộc đời, nhưng sự rung cảm, niềm tin yêu về hạnh phúc, rạo rực mộng mơ sẽ còn ngự trị trong ta suốt cuộc đời.


• Tình yêu là nguồn cảm hứng vô tận về thơ–ca–nhạc–họa, là ánh sáng soi đường cho loài người đi đến chân-thiện–mỹ.

  
• Tình yêu, có lẽ theo nghĩa thông thường nhất, là sự kết hợp giữa hai bản năng (bởi sự lôi cuốn của tình dục, để duy trì nòi giống, phát triển cộng đồng), và giữa hai tâm hồn, hai trí tuệ (để đạt được sự cảm thông, làm giảm đau buồn, tăng niềm vui và hạnh phúc, làm mạnh mẽ hơn sức sống và sự sáng tạo, làm tăng niềm tin và hy vọng vào cuộc đời, hứng khởi thực hiên những ước mơ, mở rộng sự khoan dung và tình thương mến…).


• Tình yêu, có lẽ là một thế giới kỳ diệu mới, hình thành từ hai trái tim và tâm hồn đồng cảm, trong thế giới ấy không có chổ cho sự hẹp hòi, ích kỷ, tính toán, hối tiếc, ân hận ...Trong thế giới ấy đầy ắp yêu thương và sự hiến dâng, mênh mông cảm xúc, chất chứa vô tận cung bậc của sự biểu cảm, sức sáng tạo về tình người, tình đời, về thân phận của con người trong vũ trụ, về kiếp nhân sinh.


• Tình yêu, sự khởi đầu rất cụ thể từ hai người, có thể khác giới hay cùng giới (mà thời nay một số người chấp nhận), vì nhu cầu tự nhiên của tạo hóa, giải tỏa nỗi cô đơn, tuân theo sức hút kỳ bí để tạo năng lượng mới, sức sống mới cho cuộc đời. Dù ở dạng nào, cấp độ nào, thì tình yêu vẫn là sản phẩm đẹp đẽ nhất, trong sáng nhất, sinh động nhất, đa dạng nhất và quan trọng nhất cùng phát triển theo xã hội loài người.


• Tình yêu, gần gũi và thiết yếu với mọi người, như khí trời mà mọi người cần để thở, nhưng có điều kỳ lạ là không ai có thể cảm và hiểu hết sự phức tạp và chiều sâu của nó. Có lẽ tình yêu là vô hạn, còn cảm xúc, trí tuệ của con người tại một thời điểm cụ thể là hữu hạn; và cũng chính vì tính bao la, phức tạp và nhiều sắc độ của tình yêu nên chưa có định nghĩa tình yêu nào làm chúng ta thỏa mãn. Làm sao có thể đo được cảm xúc của trái tim, độ phát sáng của trí tuệ, biên độ biểu cảm của tâm hồn, chiều sâu của các nền văn hóa, giá trị phi vật thể của từng cộng đồng dân tộc? mà tình yêu đôi lứa, theo tôi, là chất liệu chính làm nên những yếu tố trên và cũng chính các yếu tố trên cộng sinh để tạo ra tình yêu đôi lứa đích thực, tình yêu đôi lứa hoàn hảo, mà ta hãy cùng qui ước và gọi tắc tình yêu đôi lứa hoàn hảo ấy là TÌNH YÊU (viết hoa).

• TÌNH YÊU, theo cảm nghĩ của tôi, bao hàm cả tình yêu con người, tình yêu bạn, tình yêu cha mẹ, tình yêu con. Bởi lẽ, TÌNH YÊU không chỉ là cái khoảnh khắc kỳ diệu gắn bó giữa hai tâm hồn đồng cảm (mà ta thường gọi là tiếng sét ái tình), mà nó mãi mãi hiện hữu trong nhịp đập trái tim, trong từng hơi thở của cuộc sống. Dẫu tình yêu nãy sinh trong một khoảnh khắc nào đó, nhưng mầm mống của tình yêu lại được ươm trong suốt chiều dài lịch sữ của một gia đình, dòng tộc, thậm
chí của cả một dân tộc hay loài người, vậy có TÌNH YÊU  nào không ẩn chứa tình yêu người, tình yêu cha mẹ? TÌNH YÊU sẽ không có ý nghĩa trọn vẹn nếu không hàm chứa tình yêu mãnh liệt và trách nhiệm nặng nề về sự trưởng thành và phát triển của các con. Do đó TÌNH YÊU  không chỉ theo ta cho đến cuối cuộc đời, mà còn lấp lánh vẻ đẹp trong tâm hồn và trí tuệ của thế hệ sau, còn ngân vang nhạc điệu tuyệt vời dài lâu trong cộng đồng, xã hội.

Tôi rất thất vọng khi đến thời này mà vẫn còn nghe từ phim truyện, truyền hình, để thể hiện tình yêu có người còn nói “em (anh) là của anh (em)”,  đó là quan niệm ở thời nô lệ, thời phong kiến về tình yêu, hàm chứa sự sở hữu, đối kháng với sự kính trọng và hiến dâng.

Thời còn là sinh viên Đại học Tổng Hợp TP. HCM,  nghe nhà thơ Xuân Diệu nói chuyện về “tự do và tình yêu”, bài thơ tình nổi tiếng của nhà thơ Hungary, S. Petofi, tuổi trẻ chúng tôi bị cuốn hút một cách kỳ lạ: “Tự do và tình yêu. Vì các ngươi ta sống. Vì tình yêu lồng lộng, Tôi xin hiến đời tôi. Vì tự do muôn đời. Tôi hiến dâng tình ái…”. Đúng là chúng ta không thể sống đúng nghĩa nếu không có tự do và tình yêu. Bây giờ hồi tưởng lại những xúc cảm ngày ấy, tôi cảm thấy có gì không ổn ở đây: TÌNH YÊU phải bao hàm tự do, tự do là điều kiện cần để có tình yêu, không có tư do thì làm gì có TÌNH YÊU để mà hiến dâng? Những ngày tết vừa qua chúng ta được biết, và kinh ngạc về 320 bức thư tình của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gữi cho người tình Dao Ánh trong vòng ba năm, bức thư tình đầu tiên có đoạn:”Ở đây có cái tự do của con người, mỗi ngày chỉ thấy mình và trời đất…”. Đúng, trong tự do, tình yêu mới tuyệt vời trong sáng và đẹp đẽ lạ thường, và phải chăng, chính cái khoảnh khắc khởi đầu kỳ diệu của tình yêu ấy đã làm bát ngát sự rung cảm của Trịnh Công Sơn, về tình người, tình đời, về sự lo lắng của ông trước nổi đau đồng loại trong chiến tranh, dằn vặt triền miên trước vẻ đẹp trong tâm hồn con người mất dần trong cỏi nhân gian, và cũng chính tình yêu ấy đã làm bùng nổ trí tuệ và sự sáng tạo tuyệt vời của ông về thơ-nhạc-họa, những ca khúc huyền thoại tình yêu của ông sẽ còn vang mãi trên cuộc đời này. Mối tình của Trịnh Công Sơn – Dao Ánh thì rất cụ thể, tính hiện thực của mối tình này có thể chưa làm thỏa lòng mong muốn của chúng ta về TÌNH YÊU, nhưng mới chỉ ở một cấp độ nào đó của TÌNH YÊU, nó đủ làm nên muôn điều kỳ diệu, đủ làm cho chúng ta choáng ngợp, đủ chứng minh sự tuyệt vời và kỳ vĩ của TÌNH YÊU.

 


Có lẽ, mỗi chúng ta trải qua cuộc tình, có thể với một niềm đam mê mãnh liệt, lãng mạn và đẹp đẽ nhất, nhưng chỉ đạt đến một tầng nấc hữu hạn trong vô hạn tầng nấc của TÌNH YÊU. Do đó TÌNH YÊU phải là khát vọng của  tuổi trẻ, phải là mục đích của các nền văn hóa, phải là lẽ sống sống của loài người.

Trong những ngôi nhà khác nhau, có thể có các bàn thờ khác nhau, thờ tổ tiên (theo truyền thống), hay thờ giáo chủ (theo đức tin)…, ước gì, trong mỗi trái tim con người trên khắp thế gian chỉ có có một bàn thờ duy nhất, đó là bàn thờ TÌNH YÊU, để dẫn dắt tâm hồn tìm đến vẻ đẹp cao thượng của yêu thương, hướng trí tuệ con người hạnh thông chân lý, làm thân xác tràn trề sức sống mới, mang niềm vui, hạnh phúc đến cho nhân loại, cho cuộc đời; hướng thế giới đến hòa bình, bác ái, văn minh.

                                                              TP. HCM. Mồng 1-5 tết Tân Mảo- 2011.
                                                                                     N.C.L

 

 

 


 

Dr. Nguyễn Chí Long
E-mail:  nguyen.c.long@gmail.com

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

FANPAGE

THỐNG KÊ LƯỢT XEM

Tổng truy cập: 188,961

Đang online: 1

Scroll