Giáo sư Mỹ-Giáo sư Việt

Một góc nhìn về cách đề bạt Giáo sư, Phó Giáo sư...

GIÁO SƯ MỸ- GIÁO SƯ VIỆT

--------------------------------------------------------

Dr. Nguyễn Chí Long

 

1. Về danh và thực của Giáo sư.

Hiện nay dư luận ồn ào về việc phong chức danh Giáo sư (GS), Phó Giáo sư (PGS) năm 2017 vừa qua ở Việt Nam của Hội Đồng Chức Danh Giáo Sư Nhà Nước (HĐCDGSNN). Câu hỏi đặt ra là tại sao? Có rất nhiều bài báo với các ý kiến khác nhau đề cập đến câu hỏi này; để bổ sung thêm, tôi muốn trình bày với bằng hữu và các bạn sinh viên, học sinh về sự hiểu biết và suy nghĩ của tôi (có thể còn hạn hẹp và mong các bạn có thêm ý kiến) về một ít thông tin liên quan đến GS Mỹ-GS Việt, đặc biệt là  quá trình đi tìm một vị trí Giáo sư trong vài chuyên ngành ở trường Đại học Thương Mại Mỹ.

 

Ở Việt Nam, GS hay PGS được xem như một chức danh được  nhà nước (mà đại diện là Hội Đồng Chức Danh Giáo Sư- Nhà Nước (HĐCDGS-NN) xét duyệt “hồ sơ xin-chức-danh GS hay PGS” của ứng viên và công nhận hồ sơ này, sau khi đã được thông qua hai cấp trước đó là HĐCDGS cơ sở và HĐCDGS ngành/liên ngành.

 

 

   

Harvard Business School - 30 giải Nobel Kinh tế (trong tổng số 157 giải Nobel của Đại học Harvard)

 

 

Trong khi đó, GS ở Mỹ (tôi gọi chung GS cho ba tên khác nhau: Assistant Professor, Associate Professor và Professor (Full Professor), vì không có từ Việt với ý nghĩa tương đương để sử dụng) không phải là một chức danh mà là một vị trí làm việc (hay một chức vụ), tương đương với trách nhiệm và mức thu nhập nhất định.

Khi muốn lấy học vị tiến sĩ, nghiên cứu sinh (NCS) thường chỉ tập trung giải quyết đề tài nghiên cứu trong một phạm vi chuyên ngành, thông thường khá hẹp, đôi khi được nghĩ ra và được giao bởi giáo sư hướng dẫn, hoặc bản thân nghiên cứu sinh nghĩ ra và được thống nhất với GS hướng dẫn, hoặc phát xuất từ vấn đề cần giải quyết theo đòi hỏi của nền công nghiệp hay một tổ chức khoa học nào đó.

Yêu cầu và mong đợi cho chức vụ Giáo sư từ một đại học, viện nghiên cứu ở Mỹ là rất cao: Đề tài làm luận án Tiến sĩ của ứng viên cho vị trí GS, dù ở mức khởi đầu Assistant Professor (còn được gọi là “tenure-track professor”), ở một trường Đai học Mỹ phải  độc đáo, có tính đột phá, chinh phục được toàn bộ hội đồng khoa học của khoa. Khi hội đồng khảo sát và tuyển chọn của khoa và trường thống nhất quyết định trao cho ứng viên nổi trội nhất vị trí GS, kèm theo mức lương và các ưu đãi hấp dẫn khác; có nghĩa là họ kỳ vọng vị giáo sư trẻ này sẽ là một lãnh đạo hàn lâm tương lai với tầm nhìn khoa học tốt, có kế hoạch hàn lâm ngắn hạn và dài hạn rõ ràng, độc đáo và khả khi, làm tăng uy tín khoa học của trường.

Thực tế mức độ cạnh tranh trong tuyển dụng và đề bạt (offer) cho một chức vụ (hay vị trí - position, chứ không phải chức danh) GS ở các trường Đại học Mỹ càng ngày càng khốc liệt hơn, vì số tiến sĩ tăng nhiều theo thời gian, trong khi số vị trí dành cho GS thì không thay đổi. Tuỳ theo trường và chuyên ngành, có khi có vài trăm tiến sĩ cạnh tranh nhau để giành một vị trí GS (như ngành công nghệ thông tin).

Tuỳ theo từng trường và từng ngành, thời gian ký hợp đồng giữa trường và ứng viên Tiến sĩ, hoặc Hậu Tiến sĩ (Postdoc) cho chức vụ GS khởi đầu (assistant professor hay tenure-track professor)  thường là sáu năm (như UIC…) hay mười năm (như Harvard, Chicago…). Đến thời điểm giữa kỳ của hợp đồng (sau ba năm hay năm năm), thông thường Hội đồng xét duyệt GS của khoa và trường xét duyệt theo một số tiêu chí như: kết quả nghiên cứu khoa học (research output - số lượng và chất lượng của các công trình khoa học được công bố trên các tập san, tờ báo quốc tế hàng đầu của ngành, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngành, có sự thu hút các nguồn tài trợ nghiên cứu từ nhiều tổ chức khác nhau),  lãnh đạo (leadership – lãnh đạo một nhóm nghiên cứu hay là người vạch ra một hướng nghiên cứu mới của ngành), giảng dạy và đào tạo (teaching and mentorship – số lượng và chất lượng môn học, lớp học giảng dạy, số thạc sĩ, tiến sĩ hướng dẫn và trợ giúp nghiên cứu…), phục vụ (services – phục vụ cho chuyên ngành, cho cộng đồng, thể hiện trong vai trò đóng góp phản biện, bình duyệt, biên tập các bài báo…cho các tập san, tờ báo khoa học; góp công sức, tiền của cho các Hiệp hội khoa học; bài viết và ý kiến tham gia  xây dựng cho xã hội, cho nhà nước trên các tạp chí khoa học phổ thông hay phương tiện thông tin đại chúng) của Assistant Professor để công nhận là Associate Professor. Tuy nhiên, ở thời điểm giữa kỳ của hợp đồng này, có những trường hợp riêng tuỳ trường và tuỳ  theo nhu cầu của ngành, hoặc tuỳ kết quả dựa theo các tiêu chí vừa nêu trên, Assistant Professor có thể được “tenure” để trở thành Professor lâu dài (Full Professor) (không bị trường sa thải cho đến lúc về hưu), hoặc giữ Assistant Professor làm việc cho đến hết thời hạn hợp đồng mà không cần công nhận vị trí Associate Professor. Khi  hết hạn hợp đồng mà Assistant Professor không được “tenure” để trở thành “a senior, tenured professor” (hay “Full Professor” hay “Professor”) thì sẽ bị trường sa thải; trong tình trạng này, Assistant Professor có thời gian một năm để rời trường, tìm một vị trí Assistant Professor, hoặc, thậm chí một vị trí “Full Professor” ở trường khác, thường là thứ hạng thấp hơn, hoặc tìm một việc làm ở một tổ chức thích hợp nào đó.

Từ chức vụ GS khởi đầu (assistant professor) đến chức vụ GS lâu dài (full professor hay professor)(nghĩa là đã được “tenured”) cũng là một chặn đường mới cam go, nhưng có lẻ ít cam go hơn và rất ít tính cạnh tranh, như chặn đường từ Tiến sĩ hay Hậu Tiến sĩ đến GS khởi đầu. Trường đại học Mỹ đề bạt chức vụ GS lâu dài dựa theo ngạch (thiên về giảng dạy hay nghiên cứu) và một số tiêu chí cụ thể như đã nêu ở trên; nhưng sẽ rất khác nhau tuỳ thuộc vào các chuyên ngành.

 

 

Chicago Booth - 31 giải Nobel kinh tế

(trong tổng số 96 giải Nobel của Đại học Chicago)

 

Theo trang web: indeed.com, lương bình quân của GS ở Mỹ năm vừa qua khoản 80.000 USD. Tuy nhiên ở các trường Đại học danh tiếng, tuỳ theo chuyên ngành,  lương GS có thể gấp nhiều lần lương GS trung bình. Đặc biệt có GS ở trường Đại học với mức thu nhập trên triệu USD/năm (như GS David N. Silvers, GS ngành Y ở Đại học Columbia: 4,33 triệu USD/năm; GS Zev Rosenwaks, GS ngành Y ở Đại học Cornell: 3,3 triệu USD/năm; GS Takahashi, GS tài chính ở Đại học Yale: 2,6 triệu USD/năm; GS William E. Fruhan ở trường Harvard Business School: 1,19 triệu USD/năm…).

Còn ở Việt Nam, theo phóng viên Hiếu Hiền, báo Dân Trí ngày 14/10/2009 thì “Lương Giáo sư Việt Nam thấp nhất thế giới“, chưa đến 3.000 USD/năm, nhưng theo tính toán “hào phóng” của tôi, thu nhập trung bình của GS, PGS Việt có thể gấp đôi, tức là khoản 6.000 USD/năm; như thế vẫn cực kỳ thấp so với tất cả các GS trên thế giới. Điều này cho thấy nghịch lý ngoài sức tưởng tượng về độ chênh lệch “giá trị thực” giữa GS Mỹ và GS Việt;  tính “hữu danh, vô thực” của GS, PGS Việt. Mà không chỉ đối với GS, PGS - các Tiến sĩ, Thạc sĩ, và tất cả các Thầy Cô giáo, chuyên viên, viên chức đang phục vụ trong hệ thống giáo dục công lập Việt Nam hiện nay có thu nhập trung bình cực kỳ thấp, không đủ sống; nói gì đến chức danh cao quí hay nghề nghiệp thanh cao.

Trong thế giới phẳng của giá cả hàng hoá và đời sống hiện nay, nhìn mức lương của GS, PGS Việt thấy thật “tủi hổ!”, thật “đáng thương!” và ta cũng dự đoán được tương lai của nền Giáo dục, Khoa học kỷ thuật…Việt sẽ đi về đâu.

2. Con đường từ Tiến Sĩ đến Giáo sư

Khi được tuyển chọn làm nghiên cứu sinh (NCS) để đạt học vị Tiến sĩ (Ph. D) ở Mỹ, NCS phải trải qua ba giai đoạn. Giai đoạn một: thường là hai hoặc ba năm để hoàn tất chương trình cơ bản bắt buộc của ngành, và  sau đó phải đạt kết quả kỳ thi đầu vào, bao gồm hàng loạt bài thi tích luỹ thể hiện độ rộng và chiều sâu cuả kiến thức và bài trả lời phỏng vấn. Giai đoạn hai: có bốn năm tiếp theo để hoàn thành bản luận án Tiến sĩ. Giai đoạn ba: Bảo vệ thành công luận án trước Hội đồng khoa học.

Trong thực tế, NCS chịu nhiều áp lực trong nghiên cứu, ít có thời gian giao lưu, vui chơi, giải trí…, một số phải bỏ cuộc vì không đủ năng lực và không đủ niềm say mê, hoặc chuyển hướng nghiên cứu vì GS hướng dẫn hết nguồn tài trợ.

Ở Mỹ, theo thống kê của Chronicle, có khoảng 57% NCS hoàn thành chương trình Tiến sĩ trong vòng 10 năm, 30% NCS tự ý bỏ cuộc hoặc bị đuổi.

Đối với các NCS muốn tìm một vị trí GS (a tenure-track professor position) ở các trường Đại học Mỹ thì còn gian truân hơn, đến thời điểm trước sáu tháng (tính đến ngày làm lễ tốt nghiệp Tiến sĩ) là phải hoàn thành luận án và lập hồ sơ để gửi đến các trường Đại học tìm việc. 

Để được nhận làm GS của một trường Đại Học Mỹ, ứng viên phải vượt qua ba nấc thang sau: Nấc thang một là phải hoàn chỉnh hồ sơ gữi đến các trường. Hồ sơ này bao gồm luận án tiến sĩ, lý lịch khoa học, ba (hoặc nhiều hơn) thư giới thiệu của các GS. Dĩ nhiên mỗi trường, tuỳ thuộc danh tiếng hoặc thứ hạng, sẽ nhận rất nhiều hồ sơ của các Tiến sĩ (và có ngành cả Hậu Tiến sĩ), làm ứng viên cho vị trí GS. Các ứng viên không chỉ cạnh tranh với số Tiến sĩ tốt nghiệp cùng năm, mà còn cạnh tranh với nhiều Tiến sĩ đã tốt nghiệp từ nhiều khoá trước.

Hội Đồng Tìm GS (HĐTGS) của Trường sẽ chọn một số (thường tờ 15% đến 20%) các hồ sơ nổi trội để phỏng vấn. Khi ứng viên được trường chọn phỏng vấn (vượt qua được nấc thang một), thì trong kỳ “Hội nghị việc làm” (Job Market Conference) hàng năm, thường là cuối tháng 12, đến đầu tháng 1, ứng viên và trường cần tuyển GS sẽ gặp nhau tại Hội nghị này.  Ứng viên trình bày tóm tắt luận án Tiến sĩ trước HĐTGS của trường khoản 15 phút và được phỏng vấn đợt 1. Sau Hội nghị việc làm, trường sẽ chọn một số (thường là 50%) trong các ứng viên phỏng vấn đợt 1 (cũng có trường hợp là HĐTGS của trường không đến Hội nghị việc làm, thì họ thống nhất thời điểm trình bày luận án và phỏng vấn với ứng viên qua Skype), để phỏng vấn đợt hai, tiếng Anh gọi là “fly-out”. Ứng viên được nhận thông báo của trường để “fly-out”, nghĩa là đã qua được nấc thang hai, sẽ đến trường theo thời điểm phù hợp do hai bên dàn xếp.

Quá trình “fly-out” của các ứng viên tại mỗi trường cũng khác nhau. Có trường dành riêng một vài ngày cho mỗi ứng viên; có trường lại mời tất cả các ứng viên được “fly-out” đến trường cùng lúc và dành vài ba ngày để tổ chức Seminar, phỏng vấn, cùng ăn uống chung với các GS và nhân viên trong khoa. Trong quá trình “fly-out”, các ứng viên tiếp xúc riêng với từng cá nhân của tất cả các đồng nghiệp trong khoa, đi ăn chung tại nhà hàng với khoa; trình bày dạng Seminar luận án Tiến sĩ (thông thường 90 phút), trả lời tất cả các câu hỏi của các GS trong Hội đồng, của Sinh viên (nếu trường dành riêng thời gian “fly-out” cho từng ứng viên khác nhau, như Harvard, Chicago) và thậm chí của các ứng viên, đối thủ cạnh tranh khác tham dự, nếu có (nếu trường dành thời gian chung cho tất cả các ứng viên cùng đến trường tham dự “fly-out”, như Đại học Yale…). Trường thanh toán toàn bộ chi phí như vé máy bay, khách sạn, ăn uống ở nhà hàng…cho các ứng viên được mời “fly-out”. Đây là nấc thang ba, nấc cuối cùng quan trọng nhất.

Vượt qua nấc thang một, các Tiến sĩ thuộc các trường Đại học kinh doanh hàng đầu nước Mỹ như Harvard, Stanford, MIT,  Chicago, Pennsylvania, Columbia, Cornell,  Yale, Michigan… thường ít khó khăn hơn so với các trường có thứ hạng thấp.

Nhưng ở nấc thang hai, tại Hội Nghị Việc Làm, cuộc cạnh tranh tìm một vị trí GS trở nên gay gắt hơn nhiều, các ứng viên không những phải cạnh tranh với các ứng viên xuất sắc ở các Đại học khác mà còn phải cạnh tranh với chính các ứng viên xuất sắc cùng trường, cùng năm hoặc ở các năm trước, để có thể được chọn “fly-out”. Ví dụ một chuyên ngành của trường kinh doanh Đại Học Yale đầu năm nay, 2018, chọn “fly-out” 10 ứng viên (ƯV), trong đó có 2 (trong 4) ƯV thuộc Đại học Stanford, 1 (trong 2) ƯV của MIT, 1 (trong 3) ƯV của Đại học Chicago, 2 (trong 3) ƯV của Đại học Pennsylvania,  2 (trong 3 ) ƯV của Đại học North Calorina, 1 ƯV của Đại học  Columbia, 1 ƯV của Đại học Indiana.

Cạnh tranh trong quá trình “fly-out” còn khốc liệt hơn. Khi một ứng viên trình bày luận án của mình trong Seminar, ngoài việc trả lời các câu hỏi của các thành viên trong HĐTGS, vốn đã rất căn thẳng, còn phải tranh luận với tất cả các ứng viên khác; các ứng viên này thường tìm hiểu (chính bản thân của mình tìm hiểu hay nhờ sự trợ giúp của GS hướng dẫn) các yếu điểm trong luận án tiến sĩ của đối thủ từ trước để truy hỏi, vừa làm nổi bậc cá nhân mình, vừa hạ thấp giá trị của đối thủ trước HĐTGS.

Tuy có các tiêu chí phổ quát mà các HĐTGS dựa vào đó để offer (đề bạt và tuyển dụng) một vị trí GS choTiến sĩ như: Lý lịch khoa học “dày” cở nào (“dày” theo nghĩa: trường danh tiếng nào đã từng học; thứ hạng tốt nghiệp ; số và loại giải thưởng, bằng khen;  có bao nhiêu bài báo đã đăng hoặc nhận đăng trên các tạp chí uy tín  ISI/Scopus,…), luận án Tiến sĩ có đặc sắc, có tính đột phá hay không; có năng lực truyền đạt kiến thức rõ ràng, cuốn hút hay không; có thể trở thành lãnh đạo một hướng nghiên cứu mới trong tương lai không, có thể hoà nhập một cách thân thiện với tất cả các thành viên trong khoa hay không… Nhưng thực tế, mổi năm, mỗi HĐTGS lại có các quyết định  rất riêng, mà khó ai có thể dự đoán được, ngay cả đối với các ứng viên và các GS hướng dẫn. Do đó, trước khi các trường thông báo tên của ứng viên được offer, các ứng viên được “fly-out” và thầy cô hướng dẫn rất lo lắng, hồi hộp, như ngồi trên lữa.

Để thấy rõ điều này, chúng ta xem lại một góc thực tế của Thị Trường Việc Làm 2017: Năm vừa qua, trong một chuyên ngành của trường thương mại Stanford, chỉ có duy nhất Tiến sĩ A. làm ứng viên cho vị trí Assistant Professor ở các trường Đại học khác như Harvard, Chicago, Pennsylvania, MIT, Columbia, Yale,…Ứng viên A. này, có cha mẹ đều là GS Đại học Mỹ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí chọn GS vừa nêu trên, thậm chí còn là “ngôi sao” của Stanford năm 2017 mà các thầy cô hướng dẫn đều tin tưởng là có thể tìm được một “offer” của các trường hàng đầu Mỹ. Tiến sĩ A. vượt qua nấc thang một và hai dễ dàng, được nhiều trường (trong đó có một số trường hàng đầu) của Mỹ mời “fly-out”, nhưng rất tiếc là sau đó không nhận được “offer” nào của trường Đại học Mỹ, chỉ có “offer” ở Đại học Anh, với vị trí GS ở trường London School of Business, trường Đại học thương mại nổi tiếng của Anh và Thế giới, nhưng mức lương chỉ bằng một nửa ở Mỹ.

Năm nay, chuyên ngành này của Stanford có bốn ứng viên cho vị trí GS, ứng viên nào cũng xuất sắc. Có ứng viên, chẳng hạng ứng viên K., lý lịch có “bề dày” đáng nể (6 bài báo, 70 trích dẫn với các chỉ số khoa học: H-index: 4 (nghĩa là có 4 bài báo, mà mổi bài được trích dẫn tối thiểu 4 lần), i10-index: 3 (nghĩa là có 3 bài báo mà mỗi bài được trích dẫn ít nhất 10 lần);  nhận 9 giải thưởng và bằng danh dự khác nhau, có kinh nghiệm phụ giảng cho SV các lớp MBA với điểm đánh giá trung bình 4.8/5.0); Luận án Tiến sĩ cũng đặc sắc, được tờ báo chuyên ngành uy tín ISI/Scopus nhận đăng, nhưng lại không vượt qua được nấc thang hai đối với  các trường hàng đầu như Harvard, Chicago, Pennsylvania, Columbia, Yale…, nghĩa là không được mời “fly-out”. (MIT năm nay không tuyển GS chuyên ngành này).

Năm nay, ở chuyên ngành đang đề cập, trường đầu tiên thông báo danh sách các ứng viên được “offer”, kèm theo văn bản ghi mức lương, số tiền hổ trợ ban đầu, quỉ hổ trợ nghiên cứu hàng năm mà GS có quyền sử dụng hết sức  hấp dẫn, là Stanford, sau đó lần lượt là Harvard, Pennsylvania, Chicago…Các trường có danh tiếng hoặc thứ hạng thấp hơn, tự đánh giá sức thu hút của trường mình mà chọn lựa các ứng viên còn lại (không được các trường hàng đầu chọn) để “offer”. Trong trường hợp có ứng viên, chẳng hạng, được cả trường Harvard và Chicago cùng “offer”, thì bây giờ chính hai trường này cạnh tranh nhau để thu hút ứng viên chọn trường mình, bằng cách mời ứng viên này đến trường lần nữa, giới thiệu thế mạnh và các ưu điểm của trường, đàm phán thêm một số điều kiện (như mức lương, điều kiện làm việc cùng các ưu đãi khác),…

3. Ý kiến của người viết

- Xoá tư tưởng phong kiến, bảo thủ.

Trước tiên, tôi ủng hộ ý kiến của một số GS và các nhà Trí thức đã từng làm việc ở các nước phát triển là nhà nước và nhân dân cần thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá: Xem GS như là một “vị trí làm việc” trong môi trường nghiên cứu và giáo dục; cũng giống như một bác sĩ, kỷ sư, kiến trúc sư làm việc trong bệnh viện hay trên công trường…,  thay cho một “chức danh” chỉ có “cái danh” trong xã hội mà không thực chất. Làm rõ vai trò, trách nhiệm, quyền lợi của GS, PGS; đừng để truyền thông thổi phồng “danh dự” quá mức (thực ra, ở Việt Nam là “danh dự” hão như vừa nêu trên), lôi cuốn những kẻ háo danh lao vào khi đã có đầy đủ chức sắc, tiền bạc; và phải trả quyền bổ nhiệm, đề bạt GS, PGS cho các trường Đại học, các Viện nghiên cứu.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, trong tình hình quản lý giáo dục đại học hiện nay, nếu trả lại quyền bổ nhiệm, đề bạt GS, PGS cho trường thì hiệu quả chắc chắn cũng sẽ không khá hơn. Vì trường đại học đúng nghĩa phải được xây dựng trên tinh thần khai phóng, tự do; và nghiên cứu, học thuật được tổ chức thành một thể chế khoa học  độc lập, không bị chi phối bởi sự lãnh đạo của một tổ chức chính trị, nhà nước hay tôn giáo nào, phải là nơi hội tụ của tinh hoa văn hoá; mỗi trường có một sứ mệnh riêng, bản săc văn hoá riêng…nhưng là không gian mênh mông cho các hoạt động tri thức. Trường học không phải là công xưởng sản xuất công cụ để phục vụ cho sự cai trị như chế độ phong kiến, chỉ dành cho người có quyền, có tiền, có chức; học để thi đổ rồi làm quan, mà là một “lãnh địa” thiêng liêng, đặc thù; nơi ươm mầm và phát triển tài năng của mọi công dân, cho cả quốc gia dân tộc trong mọi lĩnh vực, nơi cung cấp những vị chỉ huy, những chiến sĩ tiên phong, càng ngày càng xuất sắc hơn,  không chỉ trong bộ máy quản lý nhà nước, mà trong mọi mặt, từ văn hoá, giáo dục đến khoa học kỷ thuật…, nhằm đưa đất nước, con người đến chân trời văn minh, ấm no, hạnh phúc mới,  chứ các trường đại học Việt Nam hiện nay thì lại “được sự lãnh đạo”, mà bi hài hơn là “được lãnh đạo” bởi tổ chức và tầm nhìn phong kiến, phiến diện, bảo thủ; không muốn hội nhập vào thế giới văn minh và sợ phát triển; chỉ biết chú trọng vào phương pháp giáo dục định hướng, áp đặt, bắt buộc thầy cô giáo, học sinh, sinh viên đi theo một con đường, nhìn về một hướng, nghĩ một chiều, làm một cách, nói một giọng; dẫn đến, bộ phận lãnh đạo của trường cũng được chỉ đạo cơ cấu, sắp xếp thuộc tổ chức, hệ tư tưởng và tầm nhìn của cấp trên, không phải là thành phần tinh hoa của trường được bầu theo hình thức dân chủ, bình đẳng và khoa học; và cũng không có khả năng thu hút phần tinh hoa bên ngoài trường.  Qui mô đại học nhỏ lẻ, manh múm; không phải là  trung tâm văn hoá, khoa học manh tính chất tinh hoa, hàn lâm và tính đại chúng. Hệ quả là trường nào cũng “như nhau”, không có nét văn hoá riêng, nghèo nàn về kinh tế với lề thói “xin-cho” ám ảnh, tư duy rập khuôn, chỉ chấp hành lệnh trên để được ban phát chứ không dám khai phá, sáng tạo. Tình thế này thì ta trông mong gì về đẳng cấp của một Hội Đồng Tìm Giáo Sư ở trường đại học Việt Nam hiện nay?

Do đó trước khi nhà nước trả lại quyền đề bạt và tuyển dụng vị trí GS, PGS cho các trường thì phải “giải phóng” quyền lãnh đạo đối với đại học; giao quyền tự chủ thực chất cho các trường đại học; và quốc hội, chính phủ chỉ phải tập trung phần lớn tiền tài, của cải đầu tư cho ngành giáo dục.

- Xoá ý thức nô lệ, mặc cảm, tự ti.

Ý thức nô lệ biểu hiện trong lối sống lối sống vọng ngoại, lối sống bầy đàn, sống dựa vào người khác; không có suy nghĩ riêng, không có bản sắc riêng, không đánh giá chính xác  được giá trị  thực. Mọi lĩnh vực, từ văn hoá, giáo dục đến khoa học kỷ thuật; từ tổ chức đến điều hành; từ bầu bán cho đến ban phát danh hiệu, từ tổ chức trường lớp cho đến biên soạn sách giáo khoa…đều copy một cách cơ học, thiếu trí tuệ, không chọn lọc cái tinh tuý, từ các nước khác; chỉ muốn dựa dẫm vào nước khác; mà không thấy được rằng tinh tuý và nội lực dân tộc mới là tài sản to lớn và quí giá của một quốc gia. Chỉ khi nào nội lực dân tộc mạnh quốc gia mới hùng cường. Đánh giá chất lượng của đội ngủ GS, PGS theo các tiêu chí các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí ISI/Scopus như các nước phát triển là điều kiện cần, điều này cho thấy các GS, PGS thực sự có năng lực, nhưng không phải là điều kiện đủ, và phải nhìn thấy mặt trái của nó, đừng lôi kéo giới trí thức đi tiên phong, vạch lối con đường, mà hiện tại và tương lai lâu dài, người dân Việt không bao giờ đặt chân lên đó. Khi chú tâm quá mức đến tiêu chí này, coi chừng đó là hậu quả của ý thức nô lệ nước lớn và tâm lý mặc cảm, tự ti nước nhỏ, chạy theo danh hão. Bởi vì vấn đề đặt ra là, những bài báo hay công trình nghiên cứu đó có lợi ích như thế nào? Có lợi ích cho ai? Có đóng góp được gì cho sự phát triển của nội lực Việt hay không? Trường hợp nếu không có những bài báo đó thì có làm mất đi sự ảnh hưởng hay ánh sáng soi đường cho phát triển, tiến bộ của văn hoá, giáo dục, khoa học kỷ thuật của nước Việt, của thế giới này không?. Và cũng bởi vì, chính những nhu cầu bức thiết, cụ thể trong việc cải thiện đời sống dân Việt, trong việc xây dựng nền móng vững chắc và lâu dài cho văn hoá, giáo dục và khoa học kỷ thuật của quốc gia Việt phát triển, mới đặt ra những đề tài khoa học cấp thiết, có giá trị và hữu ích đối với quốc gia Việt của chúng ta. 

Tình trạng chạy theo “danh hão” của một số đông người Việt hiện nay, hay việc thành lập các Hội Đồng Chức Danh cũng phát xuất từ ý thức nô lệ. Không những chỉ có danh hiệu GS, PGS mà HĐCDGSNN phong tặng, ban phát vừa qua làm nổi sóng ý kiến phê phán, mà những đợt ban phát các chức danh khác có cái đuôi “nhân dân” hay “ưu tú” như Nhà Giáo Nhân Dân, Nghệ Sĩ Ưu Tú…hay trao các giải thưởng Nhà nước cũng gây nên làn sóng phê bình, phản đối; bởi vì, theo ý kiến của một số trí thức đã từng theo học và nghiên cứu tại các nước “Xã Hội Chủ Nghĩa” trước đây, thì các danh hiệu này là bản sao của Liên Xô và một số nước Đông Âu (trong các nền kinh tế kế hoạch hoá, thời hành chính bao cấp, phân phối theo tem phiếu), theo cơ chế “xin-cho”, ban phát từ hội đồng hoặc ban giám khảo, được cấp trên chỉ định; còn phẩm giá thực sự của một con người được chứng tỏ qua thành quả lao động, qua các sản phẩm giá trị đóng góp cho xã hội, mang cá tính riêng, làm nên tên riêng, chẳng hạng, Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, có chức danh “nhân dân”, “ưu tú” đi kèm nào mà Nhà nước ban phát cho đâu, nhưng là một Nghệ sĩ lớn, có ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân về giá trị của tình yêu, sự đoàn kết…, và được nhân dân yêu mến.

- Hãy tin tưởng và giao quyền cho lớp trẻ.

Qua một góc nhìn về quá trình tuyển chọn và đề bạt vị trí GS của Mỹ, chúng ta thấy rằng các trường Đại học Mỹ luôn cạnh tranh nhau thu hút những nhà khoa học trẻ tài năng về làm GS của trường bằng chính sách lương, hổ trợ tiền cho nghiên cứu, điều kiện làm việc và rất tin tưởng vào tài năng của thế hệ trẻ, thế hệ sung sức; giao quyền và tạo điều kiện tốt nhất  để thế hệ khoa học trẻ nghiên cứu, tạo nên các đột phá mới.  Ngược lại ở Việt Nam, Nhà nước muốn bao cấp việc ban phát chức danh GS, PGS; chú ý đến thế hệ già, thâm niên (như qui định Nhà giáo phải có trên 10 năm công tác liên tục ở cơ sở giáo dục đại học, số Thạc sĩ, Tiến sĩ đã hướng dẫn…) và lại dựng tường rào ngăn cản các nhà khoa học trẻ.

Việt Nam có phải là đất nước có nền giáo dục và khoa học kỷ thuật vượt trội so với Mỹ hay không, mà một GS được tuyển chọn và đề bạt của một trường danh tiếng ở Mỹ sẽ không đáp ứng được tiêu chuẫn để trở thành GS ở Việt Nam, nếu chiếu theo Mục 3, Điều 8 trong quyết định số 174/2008/QĐ-TTg “Qui Định – Tiêu chuẫn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư”, được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ký  ngày 31/12/2008: là phải “có bằng tiến sĩ từ đủ 36 tháng trở lên…”?

 

                                                                                   TP. Hồ Chí Minh 09/03/2018

NCL.

 

 

 

Dr. Nguyễn Chí Long
E-mail:  nguyen.c.long@gmail.com

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

FANPAGE

THỐNG KÊ LƯỢT XEM

Tổng truy cập: 188,946

Đang online: 4

Scroll