TRƯỜNG HỌC-DANH DỰ DÂN TỘC

Trường Tiểu Học CHLB Đức và nổi đau không bao giờ phai...

TRƯỜNG HỌC VÀ DANH DỰ DÂN TỘC

----------------------------------------------

Dr. Nguyễn Chí Long

 

Hoài Quốc, con trai đầu của chúng tôi sang CHLB Đức lúc sáu tuổi. Chỉ ít ngày sau khi Quốc đến thành phố Konstanz, chúng tôi nhận được giấy báo của chính quyền thành phố rằng, trong niên học mới, Quốc sẽ đến học lớp một tại trường Tiểu học (Grundschule) Sonnenhalde, thuộc Thành phố Konstanz. Luật của Đức bắt buộc mọi đứa trẻ đến tuổi phải đến trường học tập dưới sự tài trợ của chính phủ. Cha mẹ có thể bị bắt và bị truy tố nếu không cho con đến trường.

Nhưng cuộc sống, có lẻ bất cứ ở đâu, cũng có những cú sốc bất ngờ xảy ra, gây vết thương tâm hồn lớn mà chúng ta khó dự đoán…

HOÀI QUỐC - Ngày Khai Giảng tại CHLB Đức

 

   Thành phố Konstanz, nơi gia đình chúng tôi đến Đức đầu tiên là một thành phố du lịch, nằm bên bờ hồ Bodensee. Hồ Bodensee nằm trên dòng sông Rhine, dưới chân dãy núi Alps, giữa ba quốc gia Đức, Thuỵ sĩ và Áo, được xem là vùng “không biên giới” giữa ba nước này và cũng là khu du lịch nổi tiếng của Châu Âu. Những thành phố nằm ven hồ như Konstanz, Lindau, Meersburg, Reichenau…có kiến trúc độc đáo, yên bình, ẩn mình trong môi trường tự nhiên phong phú.  Nơi đây có nhiều Bảo Tàng, Pháo đài La Mã, Lâu Đài thời Trung Cổ, nhà Thờ với kiến trúc Baroque của Ý đầu thế kỷ 17, kết hợp đầy sáng tạo giữa các kiến trúc sư, nhà điêu khắc và hoạ sĩ, tạo nên không gian, vừa phô trương sức mạnh của uy quyền, vừa mang tính thẩm mỹ sâu sắc của nghệ thuật, pha trộn sự huyền ảo của hình ảnh, âm thanh, ánh sáng … Gần Konstanz có đảo Mainau, diện tích khoản 45 ha, là “đảo hoa”, một công viên tự nhiên độc đáo với đủ sắc màu của cây xanh và hoa. Hằng năm, có hơn 1 triệu lượt du khách từ khắp nơi trên thế giới đến tham quan hòn đảo này. Điều độc đáo, biểu tượng của một nền văn minh ở đây là đảo Mainau thuộc quyền sở hữu của tư nhân, thuộc gia đình Bernadotte – một thành viên trong hoàng gia Thụy Điển, biến đảo này thành một khu vườn đẹp như thiên đường.
Nhân tiện đây tôi cũng muốn viết thêm ít dòng về “biểu tượng của một nền văn minh là sở hữu tư nhân”: Mọi bùng nổ có tính sáng tạo, đánh dấu cột mốc của các nền văn minh đều có liên hệ trực tiếp đến sự tự do và quyền sở hữu cá nhân. Điều này cho thấy nước ta hiện nay, chỉ vì phục vụ lợi ích nhóm mà đi ngược với các nền văn minh khi luật đất đai tước bỏ quyền sở hữu tư nhân.

 

   Những ngày đầu tiên Quốc đến Konstanz, vẻ ngạc nhiên thích thú và tính hiếu động ham khám phá của Quốc về các khu vui chơi dành cho thiếu nhi, khu vườn hoa Mainau với các hình thú lớn như chim công, nai, thỏ…bằng hoa đầy săc màu; sự hiện đại và phong cảnh tuyệt vời nơi đây làm chúng tôi thật hạnh phúc, cảm thấy may mắn cho con trai được đào tạo trong môi trường giáo dục Đức, nơi dẫn đầu thế giới về khoa học và công nghệ, nơi mà nhà cải cách giáo dục lừng danh thế giới Wilhelm Humboldt đã dựa trên tinh thần khai sáng của Triết gia Immanuel Kant, tư tưởng “tự do” của Friedrich Schleiermacher và bởi tính nhân văn của các đại văn hào Goethe, Schiller…xây dựng mô hình các trường học, mà nổi tiếng nhất là Đại học Humboldt ở Berlin. Theo mô hình này, trường học là một trung tâm khoa học, văn hóa và đào tạo nhân tài, với tự do học thuật được xem là đặc điểm quan trọng nhất. Đại học là nơi mà mọi thành viên được tự do theo đuổi đề tài nghiên cứu, giảng dạy, ngành học để đi tìm sự thật (chân lí) mà không chịu sự chi phối của chính quyền và tôn giáo.

   Hiến pháp của nền dân chủ Tây Đức tuyên bố rằng: “Nghệ thuật và khoa học, nghiên cứu và giảng dạy phải được tự do”. Để đảm bảo việc tập trung và lạm dụng quyền lực không thể xảy ra, Tây Đức đã tổ chức đất nước theo chế độ liên bang, trong đó quyền hạn và trách nhiệm về văn hóa, khoa học và giáo dục không tập quyền ở Liên Bang mà nằm ở các tiểu bang (tương đương với các tỉnh của chúng ta).
   Ngược lại, Cộng hòa Dân chủ Đức (DDR) tổ chức nền giáo dục một cách tập trung hóa và kiểm soát chặt chẽ bởi một đảng, đi ngược với tinh thần khai phóng nên khoa học, kỷ thuật, và kéo theo nền kinh tế, lạc hậu xa so với Tây Đức.



               QUỐC, MẸ và EM GÁI - ngày Khai trường ở Konstanz, CHLB Đức

 

   Ngày khai giảng của Quốc, chúng tôi lại bồi hồi, xúc động nhớ đến bài “Tôi Đi Học” của nhà văn Thanh Tịnh và hồi ký về ngày đầu đi học của nhà văn Pháp Anatole France trong “Le Livre de Mon Ami” nên ý thức được rằng đây là ngày hết sức quan trọng trong cuộc đời của con. Đặc biệt hơn là ở CHLB Đức so với nhiều nước, kể cả Việt nam, ngày khai giảng của học sinh lớp một là một ngày hội lớn, đánh dấu ngày thiêng liêng nhất trong đời một đứa trẻ; được mọi tổ chức chính quyền và người dân tổ chức trân trọng, mang nhiều ý nghĩa, phong phú về nội dung, hình thức biểu hiện. Theo truyền thống Đức, bắt nguồn từ thế kỷ 19 ở tiểu bang Sachsen và Thueringen, các em học sinh lớp một sẽ nhận được quà chứa trong một túi hình nón trong ngày khai trường của cha, mẹ và những người thân trong gia đình. Túi quà hình nón, nhiều màu sắc này, tiếng Đức gọi là “Túi đường” (Zuckertuete) hay “Túi-trường- học” (Schultuete), thường chứa bánh kẹo, đồ dung học tập, mà cha mẹ giữ bí mật để tạo sự ngạc nhiên thích thú cho con khám phá trong ngày khai giảng. Lần đầu tiên trong đời chúng tôi có cảm xúc đặc biệt khi chăm chút làm “Túi đường” đẹp cho Quốc ngày khai trường.

    Tuy chúng tôi vui mừng vì con trai đến học ở một đất nước phát triển hàng đầu châu Âu, nhưng cũng không khỏi lo lắng và chú ý chăm sóc việc học của con, vì Quốc phải học ở một trường mà thầy cô giáo và bạn học đều là những người xa lạ, Quốc lại chưa biết một tiếng Đức nào. Tuy nhiên, nhờ tính hiếu động và thích khám phá nên Quốc hòa nhập rất nhanh. Nhìn vẻ hớn hở của Quốc mỗi sáng cắp sách đến trường và nghe Quốc kể chuyện líu lo về cô giáo và các bạn trong lớp trên đường về nhà, vợ chồng tôi an tâm và cảm thấy con mình thật sự may mắn khi được hưởng nền giáo dục hiện đại của Đức.

    Nhưng không thể ngờ, sau một thời gian ngắn, chúng tôi lại gặp một cú sốc. Đó là hôm Quốc ở trường về, dáng vẻ u buồn, đôi mắt ngấn lệ báo là: Cô giáo lục cặp của Quốc.

    Thì ra, trong lớp có bạn Đức mất một cái kéo cắt giấy, bạn báo cho cô giáo, cô giáo nghi là Quốc lấy cái kéo của bạn nên cô giáo lục cặp của Quốc để tìm. Dù tôi rất hiểu và tin con trai của mình về tính trung thực, nhưng tôi vẫn hỏi Quốc để xem thực trạng như thế nào: Thế con có mượn kéo của bạn rồi quên trả hay không? Quốc lắt đầu kèm theo tiếng “không” kiên quyết. Tôi hỏi tiếp: Cô giáo lục cặp của tất cả các bạn trong lớp hay chỉ lục cặp của con? Quốc nói: Cô giáo chỉ lục cặp của con và Xia, một cô bé người Trung Quốc (con gái của một Nghiên cứu sinh người Trung quốc tại Đại học Konstanz), mà không lục cặp của các bạn khác.

    Trời ạ! Thế là sao? Tôi hít thật sâu và cố giử hơi lâu trong lồng ngực để giử bình tĩnh. Một nỗi đau vô hình nhoi nhói trong tim. Tôi thấy thương con vô hạn, nào Quốc có tội gì đâu mà những ngày thơ ấu đẹp đẽ nhất đã phải hứng chịu sự kỳ thị.

    Là người làm công tác trong ngành giáo dục đã hơn mười năm, và lúc này tôi cũng đã hiểu sự tiến bộ đáng khâm phục của nền văn hóa - giáo dục của CHLB Đức, nên tôi nhận thức ngay đây là sai lầm nghiệm trọng của cô giáo, có thể là một sai lầm ngoại lệ, nhưng cần cực lực phê phán và cảnh tỉnh.

    Danh dự của người Việt, hay bất cứ một dân tộc nào khác; phẩm giá của con người, dù là một em bé, cũng không ai được phép xúc phạm!

    Đêm hôm đó tôi không ngủ, viết một lá thư dài gửi cho Hiệu trưởng của trường, báo rõ sự việc xãy ra trong lớp Quốc, và cho biết rằng tôi cũng là một thầy giáo, tôi hết sức thất vọng trước cách hành xử không công bằng của một cô giáo ở một nền giáo dục tiên tiến như Đức; tôi phê phán hành động thiếu tính nhân văn và tính sư phạm của cô. Tôi đặt vấn đề về trách nhiệm của nhà trường trong việc xây dựng nhân cách sống, tôn trọng phẩm giá con người… và đặt câu hỏi: Các bạn trong lớp sẽ nghĩ gì khi cô giáo chỉ lục cặp của Quốc và Xia? cách hành xử của cô giáo như thế có làm tình bạn trong lớp học, tình người trong trường, nhân cách của học sinh những ngày sắp tới  tốt đẹp hơn không? v.v…

   Hệ quả của bức thư mà Quốc đã trao trực tiếp cho cô Hiệu trưởng ngay sáng hôm sau đến trường là, cô giáo (và cả cô Hiệu trưởng), sáng hôm đó kiểm tra tất cả cặp của học sinh trong lớp (chắc là để đối phó trong trường hợp tôi kiện trường).

   Thái độ của cô giáo, như Quốc kể lại, thay đổi hẳn đối với Quốc và Xia. Cô tỏ vẻ thân thiện đặc biệt và chăm lo việc học tập của Quốc; cô cho Quốc kẹo Chocolat, giử Quốc lại sau giờ tan trường để dạy thêm tiếng Đức. Cuối năm học đó, khi Quốc quay về Việt Nam, cô giáo và tất cả học sinh trong lớp viết những dòng đầy yêu quí và tỏ vẻ luyến tiếc khi Quốc xa trường lớp. Tôi không biết thái độ và sự đối xử đặc biệt về sau của cô giáo và thời gian có làm con trai tôi quên đi những vết đau thời thơ ấu hay không …Nhưng riêng tôi, dù mang trong lòng sự biết ơn và kính phục nước Đức ….nhưng nỗi đau về sự xúc phạm danh dự và phẩm giá của một công dân Việt thì không hề phai nhạt theo thời gian….

 

     HOÀI QUỐC - Ngày khai trường tại Konstanz, CHLB Đức

 

   Trong thời gian sống ở Đức, tôi cũng đã từng nghe nhiều chuyện kể về sự kính phục của người Đức đối với công dân Nhựt, và cũng có chuyện kể về người Việt chối bỏ gốc Việt của mình. Câu hỏi tại sao có sự phân biệt hay chênh lệch về phẩm giá giữa người Việt, người Nhật, người Đức…? Tại sao? Tại sao? Và việc tìm câu trả lời có lẽ là vấn đề lớn đối với nhiều thế hệ người Việt chân chính, có tri thức về giá trị phổ quát về con người hiện đại, có lòng tự hào dân tộc, có ý thức trách nhiệm công dân. Đây là những nổi đau vô hình đầu tiên với thân phận người Việt nơi đất khách mà tôi đã thấu cảm, âm ỷ trong tim tôi suốt gần ba mươi năm qua, và trầm trọng hơn mỗi khi tôi nghĩ về danh dự Việt Nam. 

 

Konstanz 1990 – Chicago 01/2018, NCL

 

 

 

Dr. Nguyễn Chí Long
E-mail:  nguyen.c.long@gmail.com

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

FANPAGE

THỐNG KÊ LƯỢT XEM

Tổng truy cập: 188,955

Đang online: 2

Scroll