VERITAS - ĐẠI HỌC HARVARD
SỰ THẬT-VERITAS.
Suy nghĩ từ Harvard Yard, sân trường Đại học Harvard.
----------------------------------------------------------------------
Dr. Nguyễn Chí Long – ĐH. Sư Phạm TP. HCM.
Trên bải cỏ xanh non, dưới những tán cây cao trong khuôn viên Harvard yard, có bức tượng John Harvard nổi tiếng. Nhiều đoàn du khách đến từ khắp nơi trên thế giới bu quanh bức tượng J. Harvard. Từng người hoặc từng nhóm đặt tay lên chiếc giày trái óng ánh vàng của J. Harvard để chụp hình lưu niệm và mong chờ đón nhận phép màu nhiệm trên con đường khoa học. Đặc biệt, các em học sinh trung học, vẻ say mê hứng khởi biểu hiện rõ trong bước nhảy tung tăng, tiếng nói, tiếng cười rộn rã; với những đôi mắt long lanh niềm mơ ước được học trong ngôi trường hạng nhất thế giới này. Đây có lẽ là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất của nước Mỹ; vì “Harvard vừa là cội nguồn, vừa là biểu tượng cho việc mở rộng tri thức, mà tương lai của trái đất sẽ phụ thuộc vào no’ ”, như bà Drew. G. Faust, hiệu trưởng trường Đai học Harvard đã nói. Đứng ở Harvard Yard, ta như đang đứng trong một thế giới tự do của trí tuệ, của truyền thống khơi gợi cảm hứng sáng tạo, của những nguồn lực phi thường; ta như tiếp nhận được hơi ấm của các lớp vĩ nhân đã từng học tập nghiên cứu ở đây, những người đã làm chuyển hoá nước Mỹ, đã làm thay đổi thế giới.
Đến Đại học Harvard ta mới có thể thấy hết được giá trị của giáo dục, nghiên cứu, của giảng dạy và học tập; hiểu được vai trò của giáo dục quyết định đến nền tảng bình đẳng chính trị của một xã hội, và bản sắc của một quốc gia như thế nào.
Đại học Harvard, được thành lập năm 1636, là trường Đại học xưa nhất nước Mỹ. Huy hiệu biểu hiện sứ mệnh của trường là tấm khiên mang ba cuốn sách, hai cuốn mở và một cuốn đóng, chuyên chở dòng chữ Latinh VE-RI-TAS, có nghĩa là SỰ THẬT. Không phải một cuốn sách, mà ba cuốn, nhiều cuốn sách mới có thể chuyên chở hết sự thật.
Sự thật của khoa học tự nhiên không phải phơi bày đơn giản, không hề dễ dàng nhận biết qua trực giác, mà còn ẩn khuất; loài người phải cần nhiều tri thức; phải kiên trì, dày công nghiên cứu mới có thể khám phá. Chẳng hạng như, sự thật có vẻ hiển nhiên và đơn giản nhất là hình trái đất, căn nhà của chúng ta, là hình cầu. Tuy nhiên con người đã hình thành cả triệu năm nhưng mãi đến cách đây 2500 năm mới dự đoán được trái đất hình tròn, và cho đến cuối thế kỷ 15, qua cuộc du hành xuyên đại dương của Christopher Columbus mới khẳng định được hình trái đất là hình cầu.
Sự thật về không gian mà chúng ta đang sống, trước đây loài người đã biết chỉ có ba chiều; mãi đến đầu thế kỷ 20, qua “Thuyết Tương Đối Rộng” của nhà bác học lừng danh Albert Einstein mới biết là không gian có bốn chiều và mới đây, năm 2005, nữ giáo sư xinh đẹp và tài năng Lisa Randall của Đại học Harvard đưa ra giả thiết “không gian nhiều chiều”, số chiều không gian nhiều hơn là bốn như sự hiểu biết trước đây, vì trong thí nghiệm, nữ giáo sư phát hiện có những hạt cơ bản biến mất; điều này mâu thuẩn với thuyết “Tương Đối Rộng” của A. Einstein và cho rằng nó bay vào chiều thứ năm của không gian. Có pải vấn đề tâm linh, vấn đề quan trọng với đa số người Việt nam chúng ta, đang hiện diện trong chiều thứ năm của không gian mà ta đang sống?…v.v..
Sự thật trong khoa học xã hội, khoa học nhân văn còn mang thêm tính phức tạp và bi hài hơn. Sự thật thường xuyên bị che dấu và bóp méo vì sự cám dỗ, mê hoặc của tiền tài, vật chất, quyền lực; vì lợi ích của cá nhân hay một nhóm người liên kết thành hội, đoàn.
Lịch sử phát triển của xã hội loài người cho thấy hàng triệu con người đã bị giết, bị hành hạ, bị bỏ tù, bị quản thúc vì dám nói lên sự thật, dám bảo vệ sự thật.
Một sự thật về quan hệ giữa người và người, yếu tố hạt nhân trong việc hình thành xã hội, như trong tuyên ngôn độc lập Hoa kỳ năm 1776 khám phá, và đã được Bác Hồ đọc những lời đầu tiên trong Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà năm 1945, đó là ba quyền cơ bản của con người không thể bị tước đoạt: Quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp 1791 cũng đã khẳng định:”Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn được tự do bình đẳng về quyền lợi. Sự khác biệt xã hội chỉ có thể được thiết lập trên cơ sở lợi ích chung. Mục đích của mọi tổ chức chính trị là việc bảo toàn các nguồn lợi thiên nhiên và bảo toàn các quyền con người không thể bị tước bỏ. Các quyền đó là: Tự do, tài sản, sự an toàn và quyền được chống lại mọi áp bức”. Có các quyền cơ bản và bình đẳng là tiên đề cho sự phát triển xã hội, sự giàu mạnh của một quốc gia. Tổng thống đương thời của Mỹ, Barack Obama, cựu sinh viên Harvard, phát biểu tại đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ năm 2004 tại Boston:”Chúng ta hội tụ về đây để khẳng định sự vĩ đại của đất nước chúng ta, không phải nhờ chiều cao các toà nhà tráng lệ của chúng ta, không phải nhờ sự hùng mạnh của quân đội chúng ta, cũng không phải nhờ sự lớn mạnh của nền khinh tế chúng ta. Niềm tự hào của chúng ta dựa trên một tiên đề rất cơ bản, đã được tóm tắt trong tuyên ngôn đã có từ hơn 200 năm trước: Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”. Đó cũng là chân lý trong quan hệ giữa con người với con người, là chân lý xây dựng xã hội công bằng, văn minh như K. Mark đã khẳng định:”Sự thật là tiêu chuẫn của chân lý”. Đó cũng là tiêu chuẫn để đánh giá một xã hội, một quốc gia.
Cố Tổng thống Balan Lech Kaczýnski (1949 - 2010), trong bài diễn văn viết sẳn chưa kịp đọc trong lễ kỷ niệm 22.440 người con ưu tú của dân tộc Balan bị Hồng quân Liên xô tàn sát trong rừng Katyn vào đầu thế chiến thứ 2 có đoạn:”Sự thật, kể cả sự thật đau đớn nhất luôn luôn giải phóng cho con người, tạo sự gắn kết. Sự thật mang lại sự công bằng. Sự thật chỉ ra con đường hoà hợp.”
Đại học Harvard mang huy hiệu VERITAS, huy hiệu SỰ THẬT, với sứ mệnh định hình con người có trách nhiệm với quá khứ, hiện tại, tương lai. Sứ mệnh xây dựng con người hiện đại, trên nền tảng di sản chân lý được chuyển tải qua nhiều thiên niên kỷ và những dự báo quyết định tương lai. Con người xem chân lý là khát vọng. Con người vừa là chủ thể vừa là chiến sĩ trên tiền tuyến của những biến đổi khoa học lớn, của những tư duy triết học hiện đại; nhằm chuyển hoá xã hội quan hệ hài hoà với tự nhiên, bảo vệ các quyền cơ bản của con người, làm cho cuộc sống con người tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn.
Chính vì thế, đến nay Đại học Harvard đã cung cấp cho nước Mỹ 8 vị Tổng thống và nhiều danh nhân trong tất cả các lĩnh vực: Quốc hội, toà án, Chính quyền các tiểu bang, tài chính, ngân hàng, văn hoá nghệ thuật, báo chí..v.v..trong đó có 50 người nhận giải Nobel. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đương thời Ban Ki Moon cũng đã từng học tại Harvard.
Đã từ lâu, ý thức được độ nhạy trong mối liên hệ giữa con người với con người trên toàn thế giới, mối liên hệ giữa con người với môi trường tự nhiên, nên sứ mệnh của Harvard vượt ra ngoài biên giới nước Mỹ. Sứ mệnh giải phóng và định hình con người như đề cập ở trên, không phân biệt người đó thuộc dân tộc nào, màu da gì, ở nơi nào trên trái đất này. Chính vì thế Đại học Harvard đã đào tạo Tổng thống và Thủ tướng cho các nước: Mông Cổ, Mexico, Costa Rica, Đài Loan, Ecuador, Chilé, Nam Triều Tiên, Bolivia, Liberia, Columbia, Pakistan, Singapore, Canada, Albanie, Hy Lạp, Jamaica, Tanzania, Norway,..v.v..
Ở Đại học Harvard “quyền tự do trong học thuật đi kèm bổn phận nói ra sự thật, ngay cả khi điều ấy khó khăn hay ngược với quan điểm của số đông. Cái đích tận cùng hướng tới là chân lý dưới hình thức khoa học thuần tuý, không chịu sự tác động của các hệ tư tưởng hay quyền lợi chính trị.” Như phát biểu của Hiệu trưởng Drew G. Faust.
Huy hiệu VERITAS, SỰ THẬT của Đại học Harvard mới có ý nghĩa làm sao!
Không có sự thật thì không có công bằng, bình đẳng và phát triển. Còn công bằng, bình đẳng và phát triển chỉ có thể xây dựng trên nền tảng sự thật. Chỉ có sự thật mới giải phóng được con người, mới làm cho cuộc sống con người hạnh phúc và có ý nghĩa; thế giới mới bình yên phát triển, đất nước mới cường thịnh, phồn vinh….
Harvard Yard – Cambridge - USA, 08/2010.
N.C.L.
Thúy Liễu- Hoài Trung
Tác giả và những SV Việt tài năng tại ĐH Harvard: Quang -Thảo - Trang - Nhung (từ phải sang)
CHUYỆN TÌNH.
Nhân dịp viết về Đại học Harvad, CL muốn giới thiệu với các bạn SV ca khúc trong phim “Chuyện tình-Love Story”(1970) (câu chuyện tình lãng mạn của nam-nữ sinh viên Harvard) một thời làm rung động hàng triệu trái tim tuổi trẻ, do Erich Segal viết kịch bản; Arthur Hiller làm đạo diễn. Sau đó E. Segal phát triển thành tiểu thuyết cùng tên và trở thành cuốn sách bestseller. Phim đạt doanh thu cao nhất năm 1970 và đoạt một giải Oscar cho ca khúc trong phim hay nhất: Where Do I Begin? Hay Love Story, do Francis Lai sáng tác và qua tiếng hát trầm buồn, trữ tình, giàu cảm xúc của Andy Williams. Nhiều câu đối thoại trong phim trở thành di sản văn hóa thế giới, trong đó có câu nổi tiếng nhất: “yêu là không bao giờ nói lời hối tiếc” (“Love means never having to say you’re sorry”).
Dr. Nguyễn Chí Long
E-mail: nguyen.c.long@gmail.com
Tổng truy cập: 188,956
Đang online: 3