DANH DỰ VIỆT NAM

Hoàn cảnh ra đời bài thơ "Nếu mình không ra tay...", với tứ thơ về " Danh dự Việt Nam"

Ảnh - Huỳnh Nam Đông

Danh Dự Việt Nam

 

Ý tưởng và ước nguyện bảo vệ danh dự Việt Nam, có lẽ không chỉ trong tâm trí của riêng tôi mà còn trong tâm trí của hàng triệu người Việt Nam, và cả những người nước ngoài, quí yêu mảnh đất xinh đẹp hình chữ S nằm trên bờ biển Thái Bình Dương này. Như chúng ta đều biết, sau cuộc chiến tranh khốc liệt, sau năm 1975, cuộc sống dân ta đã trải qua một thời gian dài khó khăn, đói kém, tủi nhục… mà trong một đoạn văn ngắn này không thể kể hết. Nhiều người phải rời bỏ quê hương làm thuê với giá rẻ mạt trên đât khách, nhiều cô gái phải lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc… trên danh nghĩa, nhưng thực ra, có rất nhiều trường hợp, chỉ là bị lừa làm nô lệ tình dục. Nhiều người cướp đoạt tài sản của người khác để làm giàu, chứ không phải bằng năng lực làm việc chân chính của bản thân,…và thế là danh dự cá nhân bị đánh mất. Danh dự đất nước bị xâm phạm.

 

 Chúng ta hãy nhìn sang nước Nhật, đất nước đã làm thế giới kính phục về thời cải cách “Minh Trị”, với những bước tiến kinh tế-khoa học kỷ thuật thần kỳ sau Thế chiến thứ hai:  Năm 2011, nước Nhật hứng chịu ba thảm họa kinh hoàng liên tiêp nhau: trận động đất lớn cường độ 9,1 độ richter, sóng thần cao hơn 10 mét khiến gần 3 vạn người chết và mất tích, và ngay sau đó là thảm họa rò rỉ chất phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima I đe dọa bệnh tật và cái chết đối với hàng trăm ngàn người.

Thông thường, trên thế giới, kể cả các nước phát triển hàng đầu như Anh, Mỹ, …sau thảm hoạ là hổn độn, cướp bóc. Tổng biên tập báo Bangkok Post Pichai Chuensuksawadi đã phải thốt lên: "Chẳng phải đã bao nhiêu lần chúng ta thấy cảnh hôi của, cướp giật và bạo lực sau một thảm họa thiên nhiên đó sao?".

Nhưng ở nước Nhật thì không.

Sau thảm họa kinh hoàng đã cướp đi người thân, tài sản của hàng vạn người Nhật, chắc chắn họ đau buồn, bất an, mệt mỏi và đói khát như lẽ thường tình. Nhưng trong những hàng người lặng lẽ xếp hàng ấy, tuyệt nhiên không thấy một lời oán thán, không ai có ý định chen hàng và nài xin thêm khẩu phần được phát, mỗi người nhẫn nại chờ đến lượt của mình và chỉ lấy duy nhất một phần đồ ăn và nước uống. Trong tình trạng thiếu lương thực và nước nghiêm trọng, các cửa hàng cũng không hề có ý định trục lợi. Hàng hóa trên toàn nước Nhật không tăng giá. Trong các cửa hàng bị hư hại, hàng hóa đổ ngổn ngang nhưng không hề có kẻ trộm đồ hay hôi của, mà ngược lại, nhiều người mua hàng đã giúp sắp xếp lại đồ đạc lên giá, và để lại tiền mua hàng tại quầy bán không người thu tiền. Một số chủ quầy bán nước tự động đã phát miễn phí các chai nước uống. Mọi người giúp đỡ nhau để cùng tồn tại.

Hảng truyền hình Mỹ CNN ghi lại cảnh người dân đứng xếp hàng trật tự bên ngoài những cửa hàng không còn cửa chính cũng như cửa sổ do bị trận động đất tàn phá.

Tại một cửa hàng khác đã tan hoang vì động đất, người ta thấy một máy ATM và nhiều thùng lương thực bên trong vẫn còn nguyên vẹn, mặc dù xung quanh không có ai bảo vệ.

Không hề có tình trạng đầu cơ - các siêu thị giảm giá và các chủ máy bán nước tự động phát không nước uống cho mọi người - tất cả cùng đoàn kết để tồn tại”, tờ Telegraph ghi nhận.

Nhà nghiên cứu xã hội Ed West đặt câu hỏi trên tờ Telegraph: “Tại sao không có hôi của ở Nhật Bản?”. Cùng thời gian này, trang Google cho thấy có 2.770.000 người đã đặt ra vấn đề tương tự như ông West.

Tinh thần đoàn kết của người Nhật thật mạnh mẽ. Sức mạnh của xã hội Nhật Bản có lẽ gây ấn tượng còn hơn cả sức mạnh công nghệ của họ” - ông Ed West viết trên tờ Telegraph.

Merry White, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Boston (Mỹ), nói “bạo lực và giành giật từ tay người khác đơn giản là không được chấp nhận trong văn hóa Nhật.

Bản lĩnh đối phó với khủng hoảng, duy trì trật tự, tôn trọng và yêu quí cộng đồng vượt qua ích kỷ và tính toán cho cá nhân của người Nhật chính là nhờ lòng tự trọng và danh dự của họ được đặt lên hàng đầu. Không ai sẵn sàng đổi danh dự, giá trị làm người, được phấn đấu từng giây, từng phút của cuộc đời, chỉ vì một miếng ăn, thức uống hay một món vật chất vô hồn nào đó. Không ai được phép chiếm đoạt tài sản không phải là của mình.

Theo Caroline Myss trong “The Buddhist Channel”, 22 tháng 3 năm 2011: ”Nhật Bản, qui luật của danh dự”, được dịch bởi Nguyễn Văn Hoà thì

Sự vắng mặt của cướp bóc không phải là kết quả của tình yêu và lòng từ bi.  Đây là kết quả của lối sống mang ý nghĩa sâu xa về danh dự. Sự lựa chọn để không trộm cắp từ một người đã mất gần như mọi thứ trong một thảm họa, là do họ cảm nhận ra rằng, trộm cắp là một hành động tận cùng của sự đê tiện. Người Nhật đến từ một xã hội bắt nguồn từ một quy luật lâu dài của danh dự, không để bị mất mặt. Không có gì đê tiện cho một người Nhật hơn là  việc trộm cắp của người khác, những người bị mất nhà, mất cơ sở làm ăn, hoặc mất gia đình

Danh dự cá nhân có lẽ là lòng tự trọng đã đạt ở một mức độ cao; không chỉ là đức hạnh, một nhân tố thiết yếu xác định giá trị của một con người; mà còn là sức mạnh của một dân tộc, quyền lực của một quốc gia. Danh dự dân tộc là kết tinh của danh dự cá nhân, và biểu hiện ở đỉnh cao là những phát minh, sáng tạo có tầm vóc quốc tế, giúp ích cho loài người.

 

Câu chuyện xảy ra ở Bùng binh Quách Thị Trang, trước chợ Bến Thành mà báo Tuổi Trẻ có đăng vào ngày 18/02/1989: Anh Đức chở một nữ du khách Nhật bằng xe xích lô mà anh phải mua trả góp, bị một tay cướp, giật túi xách của nữ du khách, anh Đức xuống xe và đuổi theo tên cướp để giật lại, tay cướp rút dao đâm vào bụng anh Đức. Anh Đức bị trọng thương, tên cướp nhảy lên xe đồng bọn tẩu thoát trước sự chứng kiến và bất động của nhiều người. Khi được hỏi về hành động dũng cảm này, anh Đức bảo: “Nếu mình không ra tay, thì người ngoại quốc nghĩ sao về người Việt Nam mình.”

Một người đạp xích lô như anh Đức, gia đình rất nghèo, không nhà cửa, sống trong một chòi lợp lá, vợ thuê xe bánh mì để bán. Nhưng anh lại nghĩ về danh dự Việt Nam. Không những thế, anh sẳn sàng bảo vệ danh dự bằng máu và có thể cả mạng sống của mình. Trong khi đó, có bao nhiêu người trong chúng ta, có thể giàu có, có thể có chức danh…biết suy tư về danh dự con người, danh dự dân tộc, biết học hỏi phẩm giá danh dự tuyệt vời của người Nhật?  và hình tượng thể hiện tứ thơ “danh dự Việt Nam” được hình thành, bài thơ “Nếu mình không ra tay…”, đã đăng trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày 5/3/1989 đã ra đời trong hoàn cảnh như thế. Nhưng BBT báo Tuổi Trẻ đã cắt bỏ một câu thơ: “Anh không hỏi như diễn văn của các quan cao cấp”.

 

Nếu mình không ra tay…

Nguyễn Chí Long

 Tặng anh Trần Quang Đức, người thanh niên dũng cảm bảo vệ tài sản của khách ngoại quốc, bị bọn cướp đâm trọng thương (xem báo Tuổi Trẻ ngày 18/02/1989).

 

*

Tôi cứ tưởng rằng

Trong căn nhà lá rách kia anh nghĩ:

-       Trời có nắng không

                               nắng sạm mặt vợ anh

-       Trời có mưa không

                               mưa ướt chổ con nằm

-       Bao nhiêu ngày đạp xích lô

                               chưa đủ tiền mua xe trả góp

Tôi nghĩ rằng anh căm thù bọn cướp

Vì vốn tính thật thà

Vì bát cháo, chén cơm

Vì trách nhiệm bình thường của một công dân…

*

 Trên đất nước này có mấy người quan tâm

Nổi chua xót của người Việt nghèo đi làm thuê đất khách?

Và bao người băn khoăn

                                 danh dự xói mòn

                                 lương tâm rẻ mạt 

giá trị đo bằng

                     chức tước, lợi danh?

*

Tôi chợt bàng hoàng khi nhận ra anh

Vẫn day dứt với đói nghèo trước mắt

Nhưng vượt lên trên bần cùng trói chặt

Anh nghĩ về

                   danh dự Việt Nam.

*

“Họ nghĩ sao về người Việt Nam?”  (*)

Anh không hỏi như diển văn của các quan cao cấp

Mà bằng mạng sống của mình, bằng máu tràn trên ngực

Anh giữ gìn

                     danh dự Việt Nam!

     (*): Lời nói của anh Đức ”Nếu mình không ra tay thì họ (những người ngoại quốc) nghĩ ra sao về người Việt Nam mình?” 

           [Đăng báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, số 9-89 ngày 5/3/1989]       

 

Dr. Nguyễn Chí Long
E-mail:  nguyen.c.long@gmail.com

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

FANPAGE

THỐNG KÊ LƯỢT XEM

Tổng truy cập: 188,957

Đang online: 4

Scroll