SỐNG CHẾT VÌ NHÂN DÂN

Bài viết này như bó hoa tươi dâng lên mộ Ông Trần Kiên, kỷ niệm 13 năm, ngày Ông đi vào cõi Vĩnh Hằng.

SỐNG CHẾT – VÌ NHÂN DÂN

-----------------------------------

 Dr. Nguyễn Chí Long- ĐH Sư Phạm TP. HCM.

 

 

 

Vậy là tròn mười ba năm ngày Ông Trần Kiên (tên khai sinh Nguyễn Tài) ra đi, hay trở về, và tan vào lòng đất mẹ, mảnh đất mà đối với Ông không có ranh giới, ngay cả khi Ông còn có mặt trên cỏi đời này, bởi tình yêu của Ông, cả cuộc đời Ông, tâm hồn và thể xác của Ông cũng chỉ dành để lưu lại, hoặc tái sinh những gì tốt đẹp nhất cho nhân dân và đất nước.

Ông Kiên là chú họ của má tôi (Ông ngoại tôi và Ông Kiên là anh em chú bác), tuy nhiên tình yêu thương của Ông đã giành cho gia đình ngoại, má tôi và tôi đủ sâu nặng, để mỗi lần nghĩ về Ông, trái tim tôi dạt dào cảm xúc yêu thương, quí mến.

Thời làm nghiên cứu sinh ở Viện Toán Học Hà Nội, tôi sống với Ông Bà Kiên trong Biệt thự khu Trung Tự, bên cạnh nhà của Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Đình Tứ, Viện trưởng Viện Khoa Học Việt Nam Nguyễn Văn Hiệu và Bí thư Thành Ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt…, đây cũng là thời gian mà tôi biết nhiều thông tin…không chính thống về các vị lãnh đạo, qua tài xế và những người phục vụ Ông, biết về những khó khăn trong công tác kiểm tra trung ương của Ông và cũng là khoản thời gian tôi hiểu nhiều nhất về Ông và bà Kiên ( bà Võ Thị Nhược). Trong căn nhà Ông ở, tôi không thấy có tài sản gì quí giá ngoài các đồ dùng cần thiết mà văn phòng Trung ương trang bị. Ông sống thật đơn giản, không khác một người dân nghèo, thể hiện trong quần áo, xà bong tắm, hộp kem đánh răng…Trong mỗi bửa ăn, Ông cũng tính ăn làm sao đúng hoặc ít hơn tiêu chuẫn của mình. Kỳ lạ hơn, trong mỗi bửa ăn, tôi để ý thấy Bà Kiên dùng thức ăn trong một phạm vi nhỏ hơn, Bà cũng ăn theo đúng tiêu chuẫn của mình, nhưng cả Ông Bà luôn hào phóng, và tỏ vẻ vui sướng khi dành cho tôi những món ăn ngon nhất. Trong giai đoạn cuộc sống còn khó khăn, bà dùng một phòng trong căn biệt thự nuôi heo để cải thiện cuộc sống. Bà làm việc thực thụ như một nông dân, và thường tránh các buổi họp mặt, tiệc tùng dành cho tầng lớp “quí bà” ở Trung Ương hoặc các cơ quan ngoại giao mời. Bà thường từ chối mở cửa tiếp khách của Ông tại nhà, vì Bà sợ làm khó Ông trong công tác kiểm tra và luôn giữ nguyên tắc không nhận quà biếu. Thật sự nếu không nhờ uy tín của Ông Kiên, tôi khó trở thành người đầu tiên của miền Nam được sang Tây Đức làm nghiên cứu sinh theo học bổng DAAD (lúc đó bức tường Berlin chưa phá bỏ).

Tôi đã từng dùng máy hình hiệu Nikon, Nikomat nên rất ngạc nhiên và thương Ông khi Ông khoe chiếc máy ảnh Praktika của Đảng Cộng Sản CHDC Đức tặng Ông với vẻ cẩn trọng, như một tài sản quí giá.

Những ngày chăm sóc Ông bị bệnh vở ruột thừa tại Bệnh viện 108, chứng kiến sự chịu đựng cơn đau dữ dội của Ông mới thấy được bản chất người chiến sĩ trong Ông và cảm nhận được sự chịu đựng gian khổ của Ông qua những câu chuyện mà Ông kể về thời kỳ hoạt động đầy gian lao, ác liệt trên núi rừng Tây nguyên.

Trước khi uống ly sữa của văn phòng trung ương mang đến, tôi đọc được trên khuôn mặt ưu tư, đầy nổi lo của Ông khi thì thầm tự vấn với chính mình “…còn nhiều trẻ em không có sữa uống”. Ông quí từng hạt muối vì đã từng thông hiểu nổi khổ của đồng bào Tây nguyên. Trong vườn nhà, Ông trồng và chăm sóc nhiều loại cây như cà phê, cây coca, …để tìm con đường giúp dân Tây nguyên làm giàu, và cũng để lấp bớt nổi nhớ rừng, nhớ đồng bào dân tộc.

Trò chuyện với Ông về những góc khuất trong chuyến tham dự ĐH Đảng Cộng Sản Li Băng của Ông, với tư cách đại diện Đảng Cộng Sản Việt Nam, mới hiểu sự cô độc và khó khăn của Ông trong vai trò Trưởng ban kiểm tra Trung Ương Đảng.

 

Khi viết những dòng này, những kỷ niệm về Ông lại tràn về trong tôi, khuôn mặt hồng hào, môi trên dày, dáng người to lớn, đôi mắt sáng và lúc nào cũng ánh lên nụ cười của Ông hiện ra trước mắt tôi. Nổi nhớ thương xen lẫn niềm tự hào to lớn về Ông tràn ngập trong tim tôi. Ngay lúc này, trước mắt tôi là tờ báo Tuổi Trẻ cách nay hơn mười năm mà tôi còn giữ lại, dưới bức hình Ông chụp với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng là bài viết của phóng viên Bùi Thanh, mà tôi xin phép được chép lại ở đây:

Trả căn biệt thự hai tầng tại Hà Nội, ông về quê bỏ tiền túi xây nhà cấp 4, nghỉ hưu. Thủ tướng đề nghị cấp ôtô cho ông nhưng ông từ chối… Đó là câu chuyện về một cựu bí thư Trung ương Đảng sống thanh bạch và liêm khiết đến kỳ lạ…

Ông dân Quảng Ngãi, huyện Tư Nghĩa. Cả cuộc đời trai trẻ của ông gắn liền với cuộc chiến đấu ở miền Trung và Tây nguyên. Sau khi đất nước thống nhất, ông làm bí thư tỉnh ủy một loạt tỉnh Quảng Ngãi, Nghĩa Bình, Gia Lai, Kontum, Đắc Lắc và mấy năm làm bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp. Tại Đại hội VI lịch sử, ông được bầu vào Ban bí thư Trung ương Đảng và giữ chức vụ chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương.

Khi hết nhiệm kỳ Đại hội VI, mặc dù được nhiều người tín nhiệm, ông kiên quyết xin nghỉ vì tuổi đã cao. Và “câu chuyện Trần Kiên” mà chúng tôi muốn nói bắt đầu từ đây.

…Ngay sau khi nghỉ hưu, Bí thư Trung ương Đảng Trần Kiên đã trả lại cho Nhà nước ngôi biệt thự hai tầng ở khu Trung Tự (Hà Nội), trả lại hết mọi chế độ ưu đãi dành cho cán bộ lãnh đạo cấp cao. Ông xin trung ương được trở về quê hương Quảng Ngãi sinh sống. “Gia tài của cả một đời làm cán bộ theo ông về quê tất tật gồm cả giường tủ, sách vở, lọ tương cà mắm muối chất chưa đầy một chiếc xe chở hàng nhỏ. Trong đó, giá trị nhất có lẽ là chiếc xe đạp được phân phối từ thời bao cấp”.

Ông Dương Quang Phái (vụ trưởng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng) nhớ lại: “Lúc đó, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, thường trực Ban bí thư, đã giao cho Văn phòng Trung ương, Ban Tài chính quản trị trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ngãi phải lo việc xây dựng nhà ở cho đồng chí Trần Kiên tại Quảng Ngãi. Nhưng đồng chí Trần Kiên đã xin phép trung ương là không chấp hành quyết định này vì ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, còn nhiều đồng chí, đồng bào đang gặp khó khăn. Ông nói số tiền đó nên dùng vào việc chung thì có ích lợi hơn. Đồng chí Trần Kiên chỉ xin địa phương một mảnh đất nhỏ, rồi dùng tiền tiết kiệm của hai vợ chồng để xây dựng nhà ở mà không đòi hỏi một thứ quyền lợi nào khác”.

Gọi là nghỉ hưu nhưng thật ra ông chưa bao giờ ngừng công tác. Với chiếc xe đạp cọc cạch, cựu bí thư Trung ương Đảng Trần Kiên vẫn có mặt đây đó trên các huyện miền núi, đến với đồng bào những vùng nghèo khó nhất để sau đó cùng tỉnh ủy bàn cách xóa đói giảm nghèo cho bà con.

Khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm Quảng Ngãi, thấy ông Trần Kiên đi xe đạp, Thủ tướng đã đề nghị trung ương cấp cho ông một chiếc xe hơi. Nhưng ông từ chối, xin được đi xe đạp để gần dân hơn, thấu hiểu dân chúng hơn. Ông Nguyễn Tiến Năng, nguyên trợ lý của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, kể: “Người ta thường thấy một ông già ăn bận như một lão nông với chiếc xe đạp cà tàng cùng mo cơm, khi thì lên Ba Tơ, lúc lại đến Trà Bồng, Sơn Hà… Ông ở lại hàng tuần lễ để khảo sát và bàn với anh em địa phương những biện pháp giúp dân làm ăn. Thậm chí ông bớt đi một phần tiền lương hưu của mình để mua cây giống, phân bón… giúp đồng bào. Khi chúng tôi đến thăm, thấy ông sống trong một căn nhà cấp 4 ở hẻm nhỏ thuộc thị xã Quảng Ngãi, giống như bao căn nhà khác của người dân xung quanh. Căn nhà nhỏ, thấp, chỉ vài chục mét vuông, phòng khách với những tiện nghi hết sức bình thường. Ông sống đạm bạc nhưng luôn lạc quan yêu đời”.

“Tể tướng Trần Kiên” (nhiều người gọi ông như vậy) từ chối mọi ưu đãi mà một cán bộ lãnh đạo cấp cao có quyền được hưởng, thậm chí từ chối mọi sự “hỗ trợ” mà ông cho là không đúng. “Trong năm năm công tác tại văn phòng Tỉnh ủy Quảng Ngãi, mỗi lần đến căn nhà nhỏ, đơn sơ của chú Kiên, tôi lại chạnh lòng nghĩ sao mà chú sống đơn giản và thiếu thốn cả những tiện nghi tối thiểu. Một lần, được sự đồng ý của thường trực tỉnh ủy, chúng tôi mang đến “trang bị” cho chú một tủ lạnh và một máy giặt. Chú đồng ý nhận một cách rất vui vẻ… Nhưng không ngờ độ mười ngày sau, chú đi xe ôm đến cơ quan tìm gặp tôi và đưa cho tôi một bọc tiền. Chú nói hôm trước các cháu mua hộ cho chú, chú rất ưng ý, hôm nay đến hạn rút tiền tiết kiệm, chú gửi lại tiền để cháu trả lại cơ quan”. Bà Trần Thị Mộng Nam đã không bao giờ quên chuyện này mỗi khi nghĩ về ông.

Ông đã dành phần lớn tiền lương và tiền tiết kiệm của mình để mua cây giống, rồi đưa lên Tây nguyên giúp đồng bào thiểu số, hướng dẫn bà con cách trồng những giống cây mới. “Chiếc xe đạp cũ kỹ chở gạo, muối, cây giống lại theo ông ra bến xe. Có lần vì tuổi già và vì chở quá nặng, ông té ngã nằm dọc đường. Ông còn thuê cả xe tải chở cây giống lên Tây nguyên giúp đồng bào. Chuyện kể rằng có lần do đêm quá khuya, nhỡ dọc đường, ông bảo lái xe cho đỗ cạnh nhà khách một cơ quan lớn. Ông vào nhà khách mượn manh chiếu cũ, rồi trải xuống thềm ngủ một giấc ngon lành. Khi những người trong nhà khách và các đồng chí tỉnh ủy “phát hiện” ra đó chính là cựu bí thư Trung ương Đảng thì ông đã đi rồi…”.

Ông sống như thế cho đến khi từ giã cõi đời, vào năm 2004. Trước khi mất, ông đã có dịp quay trở lại Hà Nội. Và trên chuyến xe trở về phương Nam, một người bạn đồng hành đã hỏi: “Anh sống như thế sau này có sợ người ta chê cười là dại không?”. Cựu bí thư Trần Kiên cười nói: “Ngay trong lúc này đã có người chê trách mình rồi đấy. Trong dịp ra Hà Nội lần này (năm 2003), mình có đến thăm ông bạn cùng thời. Ông ấy đang sống trong một cơ ngơi đàng hoàng mà ai thấy cũng phải thèm muốn. Ông bạn ấy bảo mình dại, vì nếu mình không trả cái nhà ở khu biệt thự Trung Tự thì bây giờ đã có hàng ngàn cây vàng. Hiện nay không ít vị được cấp cơ ngơi lên tới hàng ngàn mét vuông đất, mà mỗi mét vuông không dưới chục cây.

…Có lẽ “câu chuyện đồng chí Trần Kiên” đã làm chúng ta cảm thấy nhẹ lòng biết bao trước chân dung một người cộng sản. Nhưng cũng nhói lòng biết bao nhiêu khi thấy bây giờ có rất nhiều quan chức đang sống khác, đang vun vén cho mình quá cỡ, đang tham lam quá cỡ, nghĩa là đang đánh cắp trắng trợn lòng tin của hàng triệu đồng bào. Chúng tôi nhớ như in bức email của một bạn đọc gửi tới tòa soạn mới đây. Nó chỉ vỏn vẹn có một câu thôi: “Phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân mình. Trời ơi, ước gì tất cả các quan chức của chúng ta đều hiểu được ý nghĩa của những từ ấy!”.”

Phóng viên Trần Hoài Hà viết trên báo Quân Đội Nhân Dân về Ông: “Có thể nói, Trần Kiên là con người của giai thoại. Thời kháng chiến chống Mỹ, ở khắp chiến trường Trung Trung Bộ, không ai là không thuộc câu: "Muốn ăn thì theo ông Ngọc, muốn học thì theo ông Kiên"; trong thời bình lại có câu: "Nằm ngửa thấy cụ Kiên, nằm nghiêng thì thấy rẫy mì". Cùng với những câu gần như đã trở thành "ngạn ngữ địa phương" ấy là hàng loạt những giai thoại, truyền thuyết về con người mạnh mẽ và đầy bản lĩnh này.”

Nguyên Chủ Tịch nước Trần Đức Lương viết về Ông trong sách: “Đồng Chí Trần Kiên…” (Hoàng Kỳ-Nhà Xuất Bản Sự Thật 2005): “…là một tấm gương tiêu biểu thực hiện lý tưởng vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân…

 

Thi sĩ Thanh Thảo, Chủ tịch hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi viết về Ông với suy nghĩ thật sâu sắc trong bài “Trần Kiên-Người du kích già ngày ấy”: “Ông trong sáng vì chính nhân dân mình, vì muốn xứng đáng với nhân dân mình. Sự trong sáng và liêm khiết ấy được đặt trên một hằng số: nhân dân. Nhưng tôi kính trọng và yêu mến ông còn vì một lẽ: ông là tấm gương cho tôi, và hẳn không chỉ cho riêng tôi, để thấy một người khi đã yêu nhân dân mình, khi đã nguyện sống vì nhân dân mình, thì phải sống như thế nào. Và một con người khi đã sống có mục đích, có lý tưởng, thì sẽ tự giải quyết mọi vấn đề cho mình như thế nào, theo những tiêu chí nào. Đời người chỉ sống có một lần. Quả vậy. Làm sao để khi chết đi, cái để lại là cái tiếng, chứ không phải cái miếng. Dù là cái miếng to, cái miếng ngon. Nói như thế nghe có vẻ quá lý tưởng, thiếu thực tế. Nhưng con người sống không có lý tưởng thì sống để làm gì?”

Hiểu Ông, theo tôi, ngay cả “cái tiếng” của mình, Ông cũng không muốn   để lại như thi sĩ Thanh Thảo đề cập.  Đã từ rất lâu Ông khinh những mục tiêu tầm thường của cuộc đấu tranh giành sở hữu danh lợi, vật chất xa xỉ; không còn vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm, và đã đạt đến chân tâm.

Ông là con người vượt qua thế hệ mình, có tư duy tự do và độc lập tuyệt đối trong khái niệm sống chết vì nhân dân. Ông không đi tìm vinh quang và hạnh phúc cho riêng mình, mà đi tìm vinh quang và hạnh phúc cho nhân dân và hoà nhập vào nhân dân để chia sẻ một cách công bằng niềm vinh quang và hạnh phúc, nếu có.

Nếu phân định giá trị một đời người làm hai cực: Một cực là sống-chết vì nhân dân, không dùng chức sắc quyền lực chiếm đoạt công danh, tài sản của dân, xem khổ đau, hạnh phúc, tủi nhục- vinh quang của mỗi người dân, bất kể thuộc dân tộc gì, thuộc vùng miền nào, cũng là khổ đau, hạnh phúc, tủi nhục-vinh quang của chính bản thân mình; còn cực đối kháng cũng có tên “vì nhân dân”, nhưng lại chiếm đoạt công lao, tài sản của cả dân tộc cho một nhóm nhỏ “nhân dân”, chỉ bao gồm có bản thân, dòng tộc và nhóm thân hữu cùng chia sẻ lơi ích. Thì tôi thấy Ông Trần Kiên, và, trong tầm hiểu biết có thể hạn hẹp của tôi, cũng chỉ riêng mình Ông, đơn độc, lẻ loi nằm ở cực đầu tiên. Điều này cho thấy phẩm chất đặc sắc, quí hiếm của Ông, giá trị vượt trội tuyệt vời về đạo đức của Ông trong thời đại mình.

Ông là ngôi sao rực sáng kỳ lạ trong bầu trời đêm, cứu rỗi đạo đức cho thời đại Ông.

Hiểu được cái cao cả, vĩ đại trong nhân cách Ông, một nhân cách vượt xa đám trần tục để trở thành ngôi sao mãi mãi chiếu sáng, dẫn đường cho một cuộc sống có ý nghĩa, là hạnh phúc lớn của chúng ta, định hướng cho lẽ sống của chúng ta, và cũng chính là để hiểu được một phần đẹp đẽ trong tâm hồn của chính mình.

Tình thương của chúng ta, hầu hết trong chúng ta, thực chất còn đóng khung trong những lớp nhà tù khác nhau: tình thương của chúng ta, thể hiện qua sự hy sinh bản thân mình, chỉ giới hạn trong những người thân yêu, gần gũi chúng ta nhất. Các lớp nhà tù mà tôi muốn nói, đó là những giới hạn phạm vi tình thương của chúng ta lan toả đến. Trong khi đó, không khí mà từng giây cho ta sự sống là của vũ trụ bao la. Những sản phẩm mà chúng ta ăn, uống hàng ngày, thuốc trị bệnh, điện thoại, truyền hình và hàng trăm thứ khác mà ta dùng; tri thức, trí tuệ, tài năng mà chúng ta có, là sản phẩm tình thương của vô hạn lớp người, sinh vật và thiên nhiên ban tặng. Nên đúng như triết lý sâu sắc của nhà bác học ưu tú nhất loài người của Thế kỷ vừa qua Einstein: “Nhiệm vụ của chúng ta là phải giải phóng mình khỏi nhà tù này bằng cách mở rộng vòng tay thương yêu của chúng ta, phải ôm lấy tất cả sinh vật và thiên nhiên trong vẻ đẹp của nó. Không ai có thể đạt tới điều này một cách trọn vẹn, nhưng sự cố gắng để đạt tới nó, tự nó là một phần của sự giải phóng, và là một nền tảng của sự bình yên nội tâm.”

Tôi lại nhớ lời dạy của Phật hoàng Trần Nhân Tông cách nay hơn 700 năm: ”Đối cảnh vô tâm, mạc vấn thiền” lại đúng với nhân cách của Ông. Ông đã trở thành người tự do, tự do nội tâm, không còn khởi tâm tham-sân-si, bình thản trước bao thăng trầm, sóng gió, nghịch cảnh của cuộc đời, không màng vinh hoa, phú quí…bởi thiện tâm của Ông tràn đầy tình yêu nhân dân. Nhân dân là tình yêu duy nhất, vô hạn và vĩnh cửu của Ông.

Trong mục “Sự sống và cái chết” thuộc Đạo Đức Kinh của Lão Tử có nói: “Ai muốn giữ cuộc đời mình, người đó sẽ đánh mất nó. Ai mất cuộc đời mình vì một cuộc đời cao hơn, người đó sẽ giữ được nó”. Đúng như vậy, Ông đã hy sinh cuộc đời mình cho cuộc đời nhân dân mà Ông quí trọng cao hơn, nên cuộc đời Ông sẽ mãi mãi trường tồn trong cõi nhân sinh.

Nghĩ về đám tang của Ông cách nay mười ba năm, so sánh với những đám tang của một số vị lãnh đạo nổi danh mà hàng trăm ngàn người dân đứng bên đường đưa tiển, với bao sách báo ngợi ca, tôi lại nghĩ về tài sản của nhân dân mà Ông không hề muốn giữ lại chút gì cho gia đình và họ tộc, so với tài sản mà các vị ấy tranh giành cho gia đình, họ tộc; mới thấy lòng tê tái làm sao trước nghịch lý trong nhận chân giá trị một đời người của biết bao người dân Việt. Thật không công bằng đối với phẩm giá tuyệt vời, quí hiếm của Ông, một người suốt đời sống chết vì nhân dân và cũng thật buồn cho số phận dân tộc khi còn quá nhiều người dân vẫn mịt mờ trên con đường hạnh thông chân lý.

Có phải còn một số đông người Việt đã để mình chịu khuất phục dễ dàng trước các quyền lực của hư danh, quyền lực của vật chất phù du, quyền lực của truyền thông tham lam đồng tiền quá độ?

Mỗi lần về thăm Quảng Ngãi tôi đều đến viếng mộ Ông, trước khi đến mộ, tôi cứ hình dung sẽ luôn có hoa tươi trước mộ Ông, vì Ông xứng đáng được nhân dân yêu mến, ngưỡng mộ, thăm viếng; giống như những bó hoa tươi, không bao giờ thiếu trước ngôi mộ của Nghệ sĩ Chopin trên nghĩa trang Père La Chaise, Paris; một người đã hiến dâng trái tim cho nhân dân Balan và dùng tài năng xuất chúng của mình, qua những khúc nhạc tuyệt vời, ngợi ca tổ quốc. Có lẻ sự so sánh Chopin với Trần Kiên ở đây có vẻ khiên cưỡng, vì hai người ở hai thời đại khác nhau, nền văn hoá khác nhau, lĩnh vực hoạt động khác nhau… nhưng cũng như Chopin, Trần Kiên đã hiến dâng trái tim mình cho nhân dân, không phải bằng tính nghệ sĩ lãng mạn như Chopin, mà bằng hành động dũng cảm, kiên cường, cả quyết của một con người, vừa là vị chỉ huy, vừa là chiến sĩ tiên phong trong hai cuộc chiến tranh gian khổ, ác liệt giành độc lập, tự do, và trận chiến xoá đói, giảm nghèo cho nhân dân sau chiến tranh; không phải bằng âm nhạc như Chopin, mà bằng những cánh đồng lúa vàng, những vườn cà phê xanh ngát, những dòng nước ngọt từ nguồn chảy qua các xóm làng hay cánh đồng khô hạn. Khó có thể kể hết những công trình nông, lâm, ngư nghiệp của miền Trung và Tây nguyên mang dấu ấn Trần Kiên.  Khó có thể đo được tình cảm kính yêu của các dân tộc Tây nguyên dành cho lãnh đạo Trần Kiên, vì Ông đã từng trở thành một người dân tộc, hoà nhập, yêu thương, bảo vệ, phát triển đời sống vật chất, tinh thần của họ.

Nhưng …hình dung của tôi nhiều lần không có thật, trên mộ Ông thiếu những bó hoa tươi… người ta không cảm nhận được giá trị to lớn của tình-yêu-nhân-dân-Trần-Kiên lan toả trong núi rừng đại ngàn Tây nguyên, thấm đượm trong hương cà phê, hương rượu cần, trong màu xanh cây cỏ, trong hương gạo thơm từ những cánh đồng  mới khai phá ở miền Trung và Tây nguyên, trong tiếng cồng chiên vang rền bản sắc văn hoá đầy tự do, sáng tạo; trong sử thi đậm chất siêu nhiên, thần thánh... tôi cảm thấy tiếc nuối, hụt hẫng, và day dứt về triết lý tồn tại của một đời người trên mảnh đất Việt.

Trước khi Ông ra đi, Ông đã đưa cho mẹ tôi giữ hai tấm hình Ông chụp chung với Thủ Tướng Đỗ Mười. Tôi không biết tác giả và thời gian của bức ảnh. Mẹ tôi trao lại cho tôi giữ trước khi bà ra đi. Tôi chỉ xem hai tấm hình này như vật kỷ niệm về Ông mà không quan tâm đến ý nghĩa, và muốn chia sẻ với bằng hữu, các bạn sinh viên, học sinh. Giống như Thi sĩ danh tiếng Thanh Thảo, Ông là tấm gương của tôi về tình yêu nhân dân, về tinh thần tự học hỏi, về cuộc sống giản đơn, không màng danh lợi; về tinh thần tự do, có thể cô độc, trong quyết định lẽ sống của mình …

 

 

Hiện trạng xã hội cho thấy, nhiều người hiện nay bị cuốn vào dòng chảy của cuộc sống xa xỉ, phù phiếm, xa rời hiện thực đời sống nhân dân: Hãnh tiến trong từng chức sắc. Ngập lặng trong niềm vui phù du với ảo tưởng hơn người khi có nhiều tiền, nhà cao cửa rộng, xe cộ, quần áo, điện thoại, giày dép, đồng hồ, túi xách… hàng hiệu, đắc giá.

Nhưng thành quả khoa học hiện đại cho thấy, trong vũ trụ mà chúng ta đang sống, vật chất mà loài người nhìn thấy được chỉ chiếm chưa đầy 5%, phần còn lại 95% là vật chất bỉ ẩn và năng lượng tối siêu nhiên. Vậy mà oái ăm, hầu hết trong chúng ta lại bị một phần vật chất rất nhỏ trong số 5% ấy chi phối, chinh phục để chấp nhận làm nô lệ. Trong khi màn vô minh che khuất những giá trị bí ẩn trong phần còn lại, không nhìn thấy được, ở mỗi con người, như ánh sáng của trí tuệ, tinh thần, năng lượng tình thương, sự kỳ bí của linh hồn, bản ngã...v.v.   

Những hào nhoáng, sự bóng bẩy của giàu có vật chất hiển hiện ở trước mắt chúng ta, nếu không là sản phẩm từ năng lực thự sự của chúng ta, sẽ chỉ là ngục tù giam hãm tư duy, trí tuệ, tình yêu, niềm cảm thông, lòng tự trọng…của chúng ta.

 

Nhớ đến Ông, tôi lại nhớ hai câu thơ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông: “Số đời một màn kéo, tình người đôi mắt ngân”; vâng, cuộc đời của Ông, cũng như mỗi người chúng ta, như một vở kịch, vở kịch nào rồi cũng có lúc hạ màn, chỉ có tình thương người, yêu đời, tình yêu nhân dân vô hạn, qua sự hy sinh, thông hiểu, qua ánh nhìn tôn kính, bao dung, mới in dấu ấn mãi mãi trên cuộc đời này, mới ngân vang muôn đời trong tiếng vọng của lịch sử.

 

TP. HCM-26/05/2017

N.C.L.

 

Xin nghe nhạc phẩm "Fantasie Impromptu In C -Sharp Minor Op.66" của Chopin, qua tiếng đàn tuyệt diệu của Nghệ sĩ Piano Anastasia Huppmann (đến nay đã có hơn 5 triệu người lắng nghe).

 

 

 

Dr. Nguyễn Chí Long
E-mail:  nguyen.c.long@gmail.com

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

FANPAGE

THỐNG KÊ LƯỢT XEM

Tổng truy cập: 188,958

Đang online: 5

Scroll