ĐIỂM DANH

Sổ Điểm Danh

Kính Tặng Các Thầy Cô Giáo và các em SV., HS.

ĐIỂM DANH

Tiến sĩ NGUYỄN CHÍ LONG

(Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 38 – 2001, ngày 30 – 09 – 2001)

Nguyễn Hoài Quốc với tác phẩm kiến trúc-tại trường Trung học CHLB Đức


Nhân đầu năm học mới, như một món quà nhỏ tôi muốn gửi tặng các thầy cô giáo, các bạn sinh viên, học sinh một bài thơ của tôi, bài thơ đã được đăng trên tập thơ Đường đến lớp (văn thơ dự thi của Trường ĐH Sư Phạm 1985) với bút danh Nguyễn Hoài Quốc, tên con trai yêu quí của tôi lúc đó vừa tròn một tuổi. Nhưng có lẽ trước tiên tôi muốn tâm sự đôi điều về quá trình viết bài thơ này.

Năm 1981, biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc ta bị xâm phạm. Giặc tràn vào đất ta, giết người một cách man rợn, trong đó có nhiều phụ nữ, trẻ em. Cả nước lại một lần nữa bùng lên khí thế chiến đấu bảo vệ biên cương, bảo vệ đồng bào. Khắp các đường phố, trước nhiều nhà máy, cơ quan giăng khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai để bảo vệ biên giới Tổ quốc”… Đó là những ngày mà mỗi người Việt, trong cũng như ngoài nước, đều muốn hiến dâng sức lực, trí tuệ, trái tim cho Tổ quốc. Là nhà giáo, lúc đó tôi cũng ý thức rằng trường học cũng phải hòa vào nhịp làm việc khẩn trương chung của toàn quân, toàn dân, và từ đó tứ thơ về trường học, trường học cũng là một chiến trường mà mỗi người phải làm việc bằng hai, được hình thành. Nhưng sẽ diễn đạt tứ thơ này bằng hình tượng nào đây? Thật là khó, vì thơ không phải là những khẩu hiệu cổ động mà là chất mật ngọt của cuộc đời, đọng lại trong sâu thẳm trái tim của mỗi người, mỗi thầy cô, của mỗi học sinh, sinh viên và biến thành hành động có ích cho Tổ quốc. Tôi mãi đau đáu tìm tòi hình tượng thơ để chuyên chở tứ thơ ấy.
Bốn năm trôi qua. Một hôm, anh Luận – giáo viên Trường Văn hóa Quân khu 7 – có kể cho tôi về các học viên là chiến sĩ của anh, có nhiều người có tên trong danh sách học sinh nhưng đã hi sinh ngoài biên giới. Đây rồi, tôi chộp được hình tượng… “sổ điểm danh” và ngay tối hôm đó, bài thơ được chờ đợi bốn năm, được viết xong :
Thầy giáo mới dò sổ điểm danh,
trên cột đầu tiên
có một chữ V
nét run run nho nhỏ
Lớp trưởng đứng lên rưng rưng mắt đỏ
Em đề nghị thầy gạch tên.
Vì anh …vắng hôm nay
sẽ còn vắng nữa…


Cũng bình thường như hàng triệu sổ điểm danh trong mỗi lớp học trên thế giới này, nhưng chữ V, ghi sự vắng mặt của học sinh này lại không bình thường: Nét run run nho nhỏ, đó là sự vắng mặt đầy đau thương và mất mát, không có sự hiện diện trở lại, không gì bù đắp được. (Tiện đây tôi xin cám ơn nhà thơ Lê Thị Kim, khi đọc bản thảo đã đề nghị dùng rưng rưng để chỉ nỗi đau vô hạn đang bị đè nén, nhưng đầy bản lĩnh của đồng đội còn may mắn được đến trường).
Học hành là quyền cơ bản, thiêng liêng của con người. Học để biết, để nên người, để sống có ích là lẽ tự nhiên. Thế nhưng, có những kẻ gây chiến, cướp đi quyền cơ bản của nhân dân ta trong một thời gian dài, muốn đưa dân tộc ta về thời kì đồ đá.


Trái đất này có biết bao cánh cổng trường đang mở
Hàng triệu công dân ngẩng mặt đến trường
Việc học hành là lẽ tự nhiên
Như cây cỏ phải xanh
Như mặt trời phải sáng
Thế mà anh…phải lên đường cầm súng
Giặc tràn qua biên giới rồi : Đất nước lâm nguy!


Chúng ta không được học tập trong hòa bình thì phải quyết tâm học tập ngay trong chiến tranh, học tập lâm ngay trong cả những hoàn cảnh mà sự sống và cái chết không còn ranh giới:
Anh chiến đấu kiên cường súng chắc trong tay
Nhưng dưới căn hầm vẫn có trang sách mở
Những tờ giấy bẩn vàng viết nhiều lớp chữ
Đồng đội gọi anh là chiến – sĩ –học – trò
Anh đốt lá học bài tận ngách hầm sâu
Anh cất tiếng học bài cả những lúc nằm mơ
Nên đơn vị ghi tên anh đầu tiên
Trong danh sách học viên
Gửi về trường văn hóa quân khu để học
Danh sách gửi đi rồi,
bất thần giặc tràn qua chiếm đất
Anh chưa kịp về trường….
Trường khai giảng rồi – anh vừa mới hi sinh!


Tôi không biết có nơi nào khác trên thế giới này người ta vừa chiến đấu vừa học tập, phải học dưới hầm sâu, học trong điều kiện ác liệt của chiến tranh và thiếu thốn sách vở như ở nước ta trước đây hay không; Nhưng lớp học có học sinh vắng, vắng vĩnh viễn vì đã hi sinh….thì chắc chỉ có ở nước ta. Biết bao người con ưu tú đã ra đi. Cái giá của độc lập, tự do, của niềm vinh quang mà thế giới ca ngợi: “Việt Nam là biểu tượng của cuộc đấu tranh vì độc lập tự do và giải phóng dân tộc” là vô cùng to lớn.
Làm sao để dân tộc ta một lần nữa có thể làm được điều kì diệu là trở thành dân tộc tiên phong trong cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu, tiên phong trong việc chiếm lĩnh tri thức và xây dựng trái tim nhân ái, yêu thương và quí trọng con người? Có lẽ chỉ với bộ máy tổ chức thông minh của nhà nước (theo giáo sư Hoàng Tụy), chỉ với sức mạnh trí tuệ tổng hợp của cả dân tộc, chỉ bằng quyết tâm cao độ của mỗi công dân thực hiện cho bằng được hoài bão và niềm tin của những người đã ngã xuống, biết biến đau thương mất mát trong quá khứ thành sức mạnh thì dân tộc ta mới có thể tiến lên.
Đối với đất nước ta, lớp học mà mỗi ngày các em học sinh, sinh viên đi đến, bục giảng mà mỗi thầy cô bứơc lên là vị trí linh thiêng. Vì nó có biết bao người đã hi sinh, vì nó mà dân tộc ta đã bao năm dài chiến đấu. Đó cũng là chiến trường khó khăn, khốc liệt trong cuộc chiến đấu giành lấy trí thức và vinh quang cho dân tộc.


Thầy giáo bàng hoàng đôi mắt xa xăm
_ Không thể xem đồng chí này vắng
Rồi giọng thầy nức nghẹn
Bục giảng bài trước mặt quá thiêng liêng
Như trước biên giới Tổ quốc mình
Thầy cầm phấn tiến lên!
*
Cả lớp lặng – nghiêm
Ai cũng bừng lên suy nghĩ
Muốn đất nước bình yên, muốn tự do, công lý.
Phải coi lớp học là chiến trường
Mà mỗi người chiến đấu bằng hai.
Trận tiến công này tính từng phút từng giây.


Điểm danh, chúng ta điểm danh lại cả sự hiện diện và hi sinh, của từng lớp học, từng xóm thôn, phường xã…., điểm danh cả nước. Cả nước phải là một lớp học lớn…



Điểm Danh.
Nguyễn Chí Long


*
Thầy giáo mới

                   dò sổ điểm danh
Trên cột đầu tiên

                  có một chữ v
                  nét run run nho nhỏ.
Lớp trưởng đứng lên, rưng rưng mắt đỏ.
Em đề nghị thầy gạch tên.
Vì anh…vắng hôm nay

                 sẽ còn vắng nữa…


* * *
Trên trái đất này có biết bao cánh cổng trường đang mở
Hàng triệu công dân ngẩn mặt đến trường
Việc học hành là lẽ tự nhiên
Như cây cỏ phải xanh
Như mặt trời phải sáng
Thế mà anh …

                        phải lên đường cầm súng
Giặc tràn qua biên giới rồi:

                        Đất nước lâm nguy!


* * *
Anh chiến đấu kiên cường, súng chắc trong tay
Nhưng dưới hầm vẫn có trang sách mở
Những tờ giấy bẩn vàng viết nhiều lớp chữ
Đồng đội gọi anh là chiến-sĩ-học-trò.
Anh đốt lá học bài tận ngách hầm sâu.


* * *
Anh cất tiếng học bài cã những lúc nằm mơ
Nên đơn vị ghi tên anh đầu tiên
Trong danh sách những học viên
Gởi về trường văn hóa quân khu để học.
Danh sách gởi đi rồi,

                                  bất thần giặc tràn qua chiếm đất
Anh chưa kịp về trường…
Trường khai giảng rồi – anh vừa mới hy sinh!


* * *
Thầy giáo bàng hoàng, đôi mắt xa xăm:
-
Không thể xem đồng chí này vắng,
Rồi giọng thầy nức nghẹn.
Bục giảng bài trước mặt quá thiêng liêng
Như trước biên giới tổ quốc mình
Thầy cầm phấn tiến lên!

 
*
* *
Cả lớp lặng nghiêm

Ai cũng bùng lên suy nghĩ
Muốn đất nước bình yên,

                        muốn tự do,

                                              công lý.
Phải coi lớp học là chiến trường
Mà mỗi người chiến đấu bằng hai
Trân tiến công này, tính từng phút, từng giây.

1981-1985


(Đăng trong Tập thơ “Đường đến lớp”, tuyển tập thơ đoạt giải 10 năm trường Đại học Sư Phạm TP. HCM.)

Dr. Nguyễn Chí Long
E-mail:  nguyen.c.long@gmail.com

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

FANPAGE

THỐNG KÊ LƯỢT XEM

Tổng truy cập: 188,965

Đang online: 3

Scroll