TRUNG HỌC THỰC HÀNH VÀ MỘT ƯỚC MƠ...NHƯ ÁNH SÁNG VÔ HÌNH

TRUNG HỌC THỰC HÀNH ĐHSP VÀ MỘT ƯỚC MƠ...NHƯ ÁNH SÁNG VÔ HÌNH

TRƯỜNG TRUNG HỌC THỰC HÀNH  ĐH SƯ PHẠM VÀ

MỘT ƯỚC MƠ...NHƯ ÁNH SÁNG VÔ HÌNH *

Dr. Nguyễn Chí Long.

(* tên tiểu thuyết All The Light We Cannot See của Anthony Doerr - Vũ Thanh Tuyền dịch)

 

Tôi có ước mơ xây dựng một trường học...

1. Sau hơn một năm từ Đại học Kỷ Thuật Darmstadt, CHLB Đức về trường ĐH Sư Phạm TP. HCM, tức là khoảng giữa năm 1999; người bạn quí mến của tôi, TS. Lê Trọng Tín (Phó Chủ Nhiệm Khoa Hoá trường ĐHSP. TP. HCM; và về sau là Hiệu Trưởng trường THPT Nguyễn Khuyến) có giới thiệu tôi với PGS. TS. Nguyễn Kim Hồng; lúc đó anh Hồng là Phó Hiệu Trưởng trường ĐHSP. TP. HCM, để cùng anh Hồng xây dựng trường Trung Học Thực Hành (THTH) sắp mở, trực thuộc trường ĐHSP. TP. HCM., với dự định là tôi sẽ làm Phó Hiệu Trưởng trường THTH cho anh Hồng (anh Hồng sẽ kiêm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng trường THTH thời gian đầu). Tôi mừng thầm vì sẽ có cơ hội thực hiện ước mơ, giống như ước mơ của GS Dương Thiệu Tống sau khi du học Anh, Mỹ về nước, xây dựng trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức, và cũng là Hiệu Trưởng đầu tiên của trường: Cùng với trường ĐHSP xây dựng lại một trường trung học có đặc trưng riêng; tiếp nối di sản của trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức trước năm 1975 ở Sài Gòn, và đạt đến một cấp độ nào đó của một trường Gymnasium ở CHLB Đức...để thực hiện tâm nguyện: xây dựng chương trình giáo dục trung học phổ thông Việt.

2. Trong thời gian gần chín năm ở Tây Đức, có hai con học ở trường mẫu giáo, tiểu học, rồi trung học, lại là người làm việc trong ngành giáo dục (GD) ở trường đại học, nên tôi tìm hiểu nhiều về nề giáo dục CHLB Đức; một nền GD giúp Đức, từ sự hoang tàn sau thế chiến thứ II, trở thành cường quốc số một châu Âu.

Nền GD CHLB Đức là nền GD có tính nhân bản, tính khoa học, tính khai phóng, tính chuyên nghiệp và tính thực tiển.

* Về tính nhân bản:

Chúng ta biết rằng nhân bản là cái gốc của con người, là đức tính cốt lõi, đức tính chính yếu của con người, như quan niệm từ xưa: cần, kiệm, liêm, chính. Tuy nhiên xã hội loài người phát triển và vượt trội so với muôn loài khác trong thế giới tự nhiên chính là biết sống dựa vào nhau, không sống lẻ loi, đơn độc; thậm chí không chỉ dựa vào một nhóm nhỏ mà vào một lượng vô cùng lớn các thành viên. Cũng không dựa vào những người cùng thế hệ, mà dựa vào nhiều thế hệ. Các thức ăn, nước uống mà hằng ngày chúng ta dùng; quần áo chúng ta mặc; viên thuốc trị bệnh mà ta uống; điện thoại, máy tính...mà ta đang sử dụng, là sản phẩm có đóng góp công sức của biết bao nhiêu người, thuộc bao nhiêu màu da, dân tộc, thế hệ trên thế giới này; nên ngoài bốn tính chất nhân bản kể trên, con người, thực chất là con-người-xã-hội, phải có thêm tính lễ, nghĩa, trí, tín. Mục tiêu của mọi nền GD, trước hết là xây dựng con người có đủ tám phẩm chất ấy.

Đối với nền CHLB Đức, tầm nhìn về tính nhân bản có vẻ toàn cục và vô cùng sâu sắc: Mỗi con người, dù nghèo hay giàu, sinh ra ở bất cứ nơi nào, thuộc bất cứ tôn giáo hay chủng tộc gì, đều là một sản phẩm, một thế giới kỳ diệu trong vũ trụ bao la này, nên tính nhân bản của một nền GD đòi hỏi mọi triết lý, mục tiêu, phương tiện...giáo dục phải xem con người là trung tâm, mỗi con người là một thực thể thiêng liêng, quí giá và đều có địa vị quan trọng như nhau trong mọi xã hội. Tính nhân bản còn thể hiện ở sự chấp nhận khác biệt cá nhân, nhưng không chấp nhận việc sử dụng những khác biệt ấy để đánh giá con người; và không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo, nơi chốn sinh ra, tôn giáo, chủng tộc... Con người là cứu cánh, chứ không phải là phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng phái hay tổ chức nào khác. Do đó, phải được kính trọng và phải được hưởng cơ hội đồng đều về GD. Đúng như nhận định sâu sắc của nhà GD nổi tiếng Thuỵ Sĩ J. H. Pestalozzi (1746-1827): “Mục đích của GD không gì khác hơn là sự phát triển hài hoà của năng lực và sức mạnh trong bản chất của con người”. 

Ngay từ trong môi trường mẫu giáo, tiểu học, rồi đến trung học; HS Đức được truyền đạt bằng nhiều phương cách khác nhau để nhận thức rằng, ngưỡng mộ kẻ mạnh là thái độ thường tình của con người; nhưng thông cảm, yêu thương và đứng về phía kẻ yếu mới là sự độc đáo, thể hiện tâm hồn đẹp đẻ. Do đó chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy HS Đức khi gặp những người có khiếm khuyết về cơ thể hay trí tuệ, các em không có sự biểu hiện về sự phân biệt, mà tỏ rõ sự cảm thông, và sẳn sàng giúp đở.

Ngay từ lớp 6, HS Đức đã được học kỷ văn hoá Đức, văn hoá Hồi giáo, Do Thái giáo, Phật giáo...để chuẩn bị cho sự hình thành tính đa văn hoá và cách ứng xử đúng đắn khi các em tiếp xúc với các nền văn hoá khác.

* Về tính khoa học: 

Trước tiên và quan trọng nhất của một nền GD hiện đại là tính khoa học, mà nền tảng là tính trung thực, tôn trọng sự thật. Không xây dựng trên nền tảng sự thật, GD như một lâu đài trên cát lún, trở thành vô nghĩa, không có giá trị gì; và thậm chí còn đưa quốc gia, dân tộc có nền GD ấy đi trên con đường suy tàn, dẫn đến đích diệt vong. Sự thật là tiên đề của mọi học thuyết GD, là tiêu chuẩn đánh giá một nền GD. Ngoài ra, tính khoa học còn thể hiện ở chổ mọi thành viên trong nền GD phải dần dần và bằng nhiều cách khác nhau, trang bị những kiến thức khoa học chân chính, những thành tựu khoa học, công nghệ và văn hoá hiện đại của loài người. Tính khoa học trong dạy và học không những chỉ thể hiện ở sự tiếp nhận, truyền tải, trao đổi kiến thức mang hàm lượng khoa học cao, bằng các phương tiện hiện đại, mà còn khơi dậy niềm khát khao đi tìm chân lý và khám phá những điều bí ẩn bên trong vũ trụ con người, và thế giới bên ngoài bao la. Tính khoa học trong GD còn biểu hiện ở năng lực và trình độ xác định mục tiêu dài và ngắn hạn, xác định sự thật khách quan của các đặc trưng dân tộc, địa phương, thời gian, hoàn cảnh...để có thể đề xuất chương trình, nội dung GD hợp lý, hiệu quả; để có thể hoà hợp với nền văn minh thế giới nhưng vẫn gìn giữ và phát triển tính độc đáo của địa phương, dân tộc. Tính khoa học trong GD cũng là một đặc tính thâm sâu của tính nhân bản.

* Về tính khai phóng:

Xuất phát từ nhận thức sâu sắc về tính nhân bản đã đề cập ở trên, tính khai phóng trong GD thể hiện bằng nhiều hình thái khác nhau, nhằm làm cho mỗi cá nhân trong nền GD ấy tự khai sáng và giải phóng bản thân, để trở thành con người tự do; trở thành con người là một chủ thể tuyệt đối, chứ không phải con người phụ thuộc vào một cá nhân, hay một cơ cấu, tổ chức nào khác. Mục đích của giáo dục khai phóng (GDKP) là tạo hình một con người toàn diện; cả thể xác lẫn tâm hồn; cả giác quan và lý trí, tính cách và tinh thần; cũng có nghĩa là xây dựng đủ các điều kiện để mỗi cá nhân trong nền GD ấy khai thác và cống hiến cho xã hội kho báu trong bản thân, tạo môi trường mở để mỗi cá nhân có thể tiếp nhận những kiến thức khoa học, kỷ thuật tiên tiến trên TG, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phương pháp xây dựng xã hội tiến bộ, và các giá trị văn hoá nhân loại hiện đại.

Đã cách nay hơn hai thế kỷ, mặc dù mọi người hiểu rằng, hiến pháp là nơi thể hiện trí tuệ cao nhất, văn minh nhất, có tính bền vững nhất của một quốc gia, nhưng đối với giáo dục khai phóng, nó cũng chỉ là một trong những cột mốc trên con đường tiến hoá của xã hội loài người, đúng như suy nghĩ sâu sắc của nhà triết học Condorcet Marie(1743-1794), người khai sinh “Toán học xã hội”, trong phát biểu trước Quốc hội Pháp về GDKP: “Mục đích của GD không phải là làm cho con người qui phục nền hiến pháp đã có sẵn, nhưng làm cho họ có khả năng nhận xét và sữa đổi nền hiến pháp đó, không phải để bắt buộc thế hệ hiện tại phải qui phục theo những tư tưởng, ý chí của thế hệ trước, nhưng để soi sáng những điều này, nhằm mục đích làm cho mỗi ngày càng xứng đáng với phẩm giá; và dùng lý trí của riêng mình để tự điều chỉnh lấy bản thân”.

* Tính chuyên nghiệp:

Nói một cách ngắn gọn, tính chuyên nghiệp trong GD là tinh thông ngành nghề GD, để có thể làm giàu nhanh nhất, nhiều nhất vốn xã hội về GD, để cộng hưởng hiệu quả nhất tài năng trong chuyên môn (các kỷ năng hoàn tất công việc một cách nhanh chóng, gọn gàng, đúng chuẩn; các kỷ năng phân tích và phản ánh trong thực tiển dạy học; có tri thức sư phạm rộng; hiểu biết sâu sắc nội dung chuyên môn, động cơ, thái độ học tập của HS, sự tương đồng và khác biệt của các đối tượng, chiến lược dạy học, các nguồn cung cấp nội dung chương trình và kỷ thuật công nghệ; hiểu biết về các phương thức khác nhau, kể cả ưu và nhược điểm, trong việc đánh giá HS, biết giá trị và các phương cách hợp tác trong GD...), nhân cách, đạo đức ngề nghiệp (sự yêu thích công việc, liêm chính, tinh thần trách nhiệm, gây dựng và gìn giữ vững niềm tin yêu của học trò, đồng nghiệp...) và văn hoá tình người (độ “thông minh cảm xúc” cao, biết tự kiểm soát bản thân, có phong cách và hình ảnh tạo nguồn cảm hứng cho đồng nghiệp và học sinh...). Dòng sông lịch sử loài người chính là dòng sông GD, mang phù sa các sản phẩm vật chất và tinh thần, bồi đắp cho sự tồn tại và phát triển văn hoá, xã hội; và tính chuyên nghiệp trong GD chính là những gì làm cho phù sa tích tụ thêm nhiều chất liệu, khả năng mới.

* Về tính thực tiển:

Quan niệm của đa số người dân ở một số quốc gia còn trong tình trạng, coi trọng bằng cấp, địa vị xã hội, xem những thanh niên không học đại học là những nhân tố tầm thường trong XH, không có cơ hội phát triển; thì người Đức, xuất phát từ nhận thức sâu sắc tính nhân văn, không có cao thấp, sang hèn trong công việc, trong địa vị xã hội, và xét về định giá trị bằng sự đãi ngộ, công nhân kỷ thuật cấp cao có thể được đãi ngộ cao hơn nhiều so với GS, bác sĩ. Vì thế nền GD Đức chú trong đặc biệt về việc xây dựng một chương trình GD và đào tạo nghề nghiệp toàn quốc, sản phẩm phối hợp giữa chính phủ và giới doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, được quản lý bởi viện GD và đào tạo nghề nghiệp Liên Bang. Tính thực tiển GD nằm ở chổ, cơ hội học tập về ngành nghề vô cùng lớn cho hơn một nữa số thanh niên Đức, để có một công việc phù hợp với niềm đam mê và năng lực. Tính thực tiển của GD là sự vận dụng hiệu quả và khả năng sáng tạo của các thành viên trong nền GD, thuộc nhà trường, nhà máy - xí nghiệp và doanh nghiệp, nhằm đào tạo nguồn lực cần thiết cho XH, để đẩy nhanh sự phát triển kinh tế, kỷ thuật, công nghiệp... 

So với GD kiến thức hàn lâm tốn nhiều thời gian ở trường đại học, dạy nghề Đức là con đường ngắn và hiệu quả đi thẳng vào ngành nghề. Đào tạo HS theo cách “học bằng thực hành” (learning by doing) hay vừa học vừa làm, được xem là một trong những phương châm quan trọng của nền GD Đức. Một thực tế trong rất nhiều nước hiện nay là, một nửa, thậm chí còn nhiều hơn một nửa số HS sau khi tốt nghiệp trung học, không muốn, hoặc không có điều kiện vào học đại học, chắc chắn sẽ cần một việc làm. Nước Đức đã hiểu rõ thực tế này và xây dựng chương trình GD cho số thanh niên đó một cách sáng suốt, hiệu quả; đó cũng là tính thực tiển của GD.  

Nền GD Đức không chỉ cung cấp nhiều nhà khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nghệ sĩ lớn cho nhân loại, không chỉ cung cấp cho TG những thương hiệu công nghiệp lớn như Mercedes Benz, BMW, Volwagen, Siemens, Bayer, ...mà còn cung cấp môi trường làm việc chuyên nghiệp cho lực lượng lao động tay nghề cao, trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với tổng doanh thu cao hơn hẳn các tập đoàn tên tuổi, và là xương sống của nền kinh tế Đức.

3. Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức trực thuộc Đại học Sư Phạm Sài Gòn.

Trường Trung Học Kiểu Mẫu (Demonstration Secondary School) tại Thủ Đức, Huế, và Cần Thơ là ba trường trung học Kiểu Mẫu đầu tiên tại miền Nam Việt Nam trong thời Việt Nam Cộng Hoà (VNCH).

Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức (THKMTĐ) được xây dựng từ năm 1963, khai giảng vào ngày 11/10/1965; thực hiện mục tiêu GD theo triết lý của Bộ Giáo Dục VNCH là nhân bản, dân tộc và khai phóng; với quan niệm triết lý GD này phù hợp với nền văn hoá, xã hội, kinh tế của miền Nam VN thời đó; và đặc biệt chú trọng các phương pháp nhằm GD học sinh một cách toàn diện (nghĩa là GD để HS có đầy đủ nhân cách và năng lực), thích nghi (với các điều kiện và hoàn cảnh khác nhau của từng địa phương trong chiến tranh), thực tiển (một  mặt, đó là thực tại khách quan để kiểm nghiệm chân lý, kiểm nghiệm tính đúng đắn của các chương trình cải cách, mặt khác thực tế cuộc sống luôn thay đổi nhanh chóng và không ngừng phát triển, nên nội dung, phương pháp GD phải liên tục, nhanh chóng cải tiến và cập nhật), tự chủ (với quan niệm rằng quốc gia không thể thực sự độc lập và hùng cường nếu mỗi công dân thiếu khả năng tự chủ về trí tuệ, thế chất và tâm hồn; thiếu năng lực và cá tính riêng) và tân tiến (theo kịp trình độ phát triển công nghệ, khoa học kỷ thuật và văn minh nhân loại).

4. Cơ chế và chính sách của trường THTH ĐHSP.

Vì tầm quan trọng của tính tự chủ, tính độc lập và tính linh hoạt của một trung tâm nghiên cứu thực nghiệm sư phạm như trường Trung Học Thực Hành sắp mở, nên tôi đã hỏi anh Hồng về qui chế của trường Trung học Thực Hành như thế nào? Có phải chỉ trực thuộc và quản lý bởi trường Đại học Sư Phạm, mà không có sự quản lý của Sở GD, giống như các trường Trung Học Kiểu Mẫu (THKM) trước năm 1975 hay không? (Các trường THKM thời VNCH không do Ty GD quản lý như tất cả các trường công lập, bán công hay tư thục, mà trực thuộc ĐHSP và chỉ trường ĐHSP quản lý và chịu trách nhiệm trước Bộ GD). Thất vọng đầu tiên của tôi là khi anh Hồng cho biết rằng trường này cũng do Sở GD quản lý. Tôi trao đổi thêm với anh Hồng hai điều kiện cần mà tôi có thể chấp nhận tham gia làm Phó HT cho anh Hồng trong những ngày đầu xây dựng trường: 

*

Điều kiện thứ nhất là trường phải có quyền thay đổi từ 20% đến 30% chương trình so với chương trình phổ thông hiện thời (vì nội dung chương trình GD của trường THKMTĐ cách nay gần 40 năm đã thường xuyên được sửa đổi một cách linh động nhằm thích ứng kịp thời với đòi hỏi thực tế của đời sống xã hội và những khám phá mới trong lĩnh vực khoa học GD của VN và TG; hơn nữa, THKMTĐ lúc đó có sự khác biệt với tất cả các trường trung học khác trên toàn miền Nam là có chương trình GD đặc biệt, GD tổng hợp, nghĩa là vừa GD phổ thông vừa GD hướng nghiệp; có những môn học mà các trường trung học khác không có như võ thuật, canh nông, chăn nuôi, công kỷ nghệ, doanh thương, kinh tế gia đình; và đặ biệt là các hoạt động có liên quan đến giáo dục kỷ năng lãnh đạo, dẫn đường (theo chương trình GD của Pilot Schools Mỹ) ); nhằm mục đích đưa một số nội dung mới vào dạy thực nghiệm; sau đó hội đồng gồm các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục đánh giá xem xét nội dung nào tốt, có lợi, sẽ đề nghị Bộ GD áp dụng đại trà ở các trường phổ thông toàn quốc hay một số địa phương phù hợp. 

*

Điều kiện thứ hai là, sau khi được chấp nhận, chẳng hạng, 30% chương trình ở trường THTH được phép thay đổi, nghĩa là có 30% chương trình khác với các trường trung học phổ thông cả nước, thì việc cải tiến cách nhận xét, đánh giá HS sẽ theo phương pháp nào? Và chắc chắn việc thi tuyển vào các trường Đại học của các em HS trường THTH sẽ gặp khó khăn, vậy giải quyết khó khăn này như thế nào? Liệu có thể xây dựng qui chế hay thành lập hội đồng khoa học riêng để tuyển chọn các em HS ở trường THTH vào ĐH hay không? 

Anh Hồng bảo đây là vấn đề lớn, nan giải; anh Hồng đề nghị tôi phải trao đổi trực tiếp với cán bộ, chuyên gia của Vụ Trung Học thuộc Bộ GD&ĐT các yêu cầu của mình trong kỳ họp của họ với Ban lãnh đạo trường ĐHSP sắp tới. 

Và cuộc họp bàn về việc thành lập và xác định nhiệm vụ của trường Trung Học Thực Hành ĐHSP, giữa Vụ Trung Học của Bộ GD&ĐT và BGH trường ĐHSP diễn ra vào ngày thứ Bảy, 21/08/1999. Tôi nhớ cuộc họp có Phó Vụ trưởng Vụ Trung Học Nguyễn Trí, chuyên viên Đào Minh Trang, Tiến sĩ Lê Vinh Quốc (lúc đó là quyền Hiệu Trưởng trường ĐHSP), Thầy Lê Hữu Lương, Trưởng phòng Đào tạo và là người quản lý trực tiếp trường THKMTĐ từ năm 1975 đến 1981. 

Diễn biến cuộc họp không có gì đặc biệt, chỉ là báo cáo buồn cùng nỗi thất vọng của Thầy Lương về sự teo tóp của trường THKMTĐ từ năm 1975 đến 1981. Hình như Thầy Lương dùng chữ “tan” hay “tiêu tan” thay vì chữ “giải thể” trường THKMTĐ vào năm 1981, vì không hề có chế độ, chính sách nào cho ngôi trường đặc biệt này. 

Tôi không trông thấy một biểu hiện nhỏ nào về nổi xúc cảm, chẳng hạn như buồn, hối tiếc... trên các khuôn mặt của các vị cán bộ vụ Trung Học khi nghe Thầy Lương báo cáo về sự teo tốp, dẫn đến “tiêu tan” của trường THKMTĐ sau năm 1975? Hình như đối với Bộ GD, trường THKMTĐ là một thứ vô hình, chẳng có liên quan gì đến trường THTH sẽ thành lập. Trong khi đó, trường THKMTĐ là một ngôi trường mà từ thập niên 60 của thế kỷ trước, trong điều kiện chiến tranh khốc liệt, đã chiếm trọn khuôn viên rộng lớn của một ngọn đồi ở Thủ Đức, có giảng đường với 1200 chổ ngồi, có thư viện lớn, có 6 phòng thí nghiệm vật lý-hoá-sinh, có xưởng công kỷ nghệ với thiết bị mới nhất thời đó, có thiết bị dùng trong kỷ nghệ in và đồ hoạ, 3 phòng doanh thương chứa hơn 40 máy đánh chữ, 8 phòng dành cho kinh tế gia đình được trang bị đầy đủ máy may, bếp dạy nấu ăn...Một ngôi trường chứa đựng bao nhiêu ước mơ, hy vọng, tâm huyết của những người thiết tha xây đựng một nền GD hiện đại cho đất nước...và đã đánh dấu những cột mốc thành công của mình trong 10 năm tồn tại từ 1965 đến 1975.

Ý kiến về những điều kiện và qui chế cần phải có để thành lập trường THTH của tôi làm cho cán bộ Vụ TH ngạc nhiên, họ nghe như nghe chuyện viễn tưởng, sau đó họ khẳng định theo mệnh lệnh có sẳn, trường THTH chỉ là một trường trung học như bao nhiêu trường trung học khác trên đất nước này, không có qui chế, chương trình gì đặc biệt cả, chỉ có một tí khác biệt với các trường TH khác là, tại trường này, SV ĐHSP kiến tập và thực tập dễ dàng, thuận lợi hơn mà thôi.

Cuộc họp kết thúc, tôi ra về như người say đi trong sương mù...ước mơ từ bỏ tôi hay tôi từ bỏ ước mơ đây?

Tôi chợt nghĩ về GS Dương Thiệu Tống, không biết ba mươi bốn năm trước đây, tức là năm 1965, tâm trạng của ông thế nào sau khi ước mơ xây dựng một trường trung học hiện đại, như THKMTĐ, qua dự án đệ trình và được GS Trần Văn Tấn, trưởng khoa Đại học Sư Phạm Sài Gòn (tương đương chức Hiệu trưởng trường ĐHSP ngày nay), chấp nhận và dễ dàng thực thi sau đó; còn tôi, có lẽ mang một trạng thái đối cực với ông, một tâm trạng ê chề thật khó diễn tả, có lẽ giống như tâm trạng của một người vừa đánh mất một thứ gì quí giá, một người bất lực trước điều sai trái, một người vừa phát hiện sự dối trá, một người thất vọng về một niềm tin khi phát hiện ra chỉ là ảo ảnh, một người mang nặng nỗi âu lo về một tương lai bất định... 

Nghĩ về vị thế của trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn trước 1975 trong hệ thống các trường ĐH thời VNCH, và quyền lực của Hiệu trưởng ĐHSP SG, GS Trần Văn Tấn, tôi thấy thương hại cho danh xưng đang vang vọng khắp nơi “Trường Đại Học Sư Phạm trọng điểm” kể từ năm 1999; và cảm nhận sự tù túng, bị trói buộc đáng thương của lãnh đạo trường ĐHSP trong gọng kiềm của các mệnh lệnh, quyền lực từ các Vụ và Bộ GD. 

[Cũng giống như tâm trạng thương hại của tôi đối với Tổng Biên Tập báo SGGP năm 1976 , lúc đó tôi là SV năm thứ nhất, hưởng ứng ý tưởng trong dự thảo nghị quyết Đại hội Đảng Cộng Sản lần thứ IV của Tổng Bí thư Lê Duẫn về “quyền làm chủ tập thể” như “...thiết lập sự làm chủ tập thể của cả cộng đồng xã hội Việt Nam, vừa phát huy cao độ quyền tự do chân chính của cá nhân, khơi dậy mọi năng lực sáng tạo của cá nhân, thống nhất hài hoà cá nhân với xã hội ..” nghe rất hay, tôi có viết bài đề cập về quyền làm chủ tập thể của thanh niên, SV, HS và kiều bào ở nước ngoài, trong đó có đoạn nói về tầm quan trọng của kiều bào ở Mỹ, vì tôi biết đất nước Do Thái hưởng rất nhiều sức mạnh Mỹ nhờ kiều bào của họ ở Mỹ. Bài viết đầu tiên của tôi đăng trên trang đầu báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP), tuy nhiên phần nói về quyền làm chủ của kiều bào bị Tổng Biên Tập cắt bỏ (chẳng qua là do sợ gọng kiềm của lãnh đạo) vì theo ông, Đảng chưa có chủ trương về vấn đề quyền làm chủ tập thể của Việt Kiều (chị Mai Hương, vợ anh Nguyễn Đình Mai (cựu lãnh đạo phong trào đấu tranh của SVHS miền Nam trước năm 1975, từng là Giám đốc Sở Kế Hoạch Đầu Tư TP. HCM), làm phóng viên báo SGGP lúc đó, nhận bài viết của tôi và cho tôi biết thông tin này). Thực ra, nếu báo SGGP có đăng trọn bài báo của tôi thì cũng chẳng có ý nghĩa gì; vì “quyền làm chủ tập thể” xuất hiện trong nghị quyết, trên báo từ năm 1976, tính đến nay là gần nửa thế kỷ, cũng chỉ là ảo tưởng cộng sản và là cái bánh vẽ của lãnh đạo chuyên chế phỉnh lừa người dân mà thôi. Sau này tôi được biết, chính GS Hoàng Tuỵ và GS Phan Đình Diệu đã đề nghị TBT Lê Duẫn giải thích với ngầm ý thể hiện gián tiếp nhận định rằng “quyền làm chủ tập thể” của nghị quyết chẳng có giá trị gì về lý luận và thực tiển].

 

Trong khi ở CHLB Đức, quyền lực GD (và thậm chí, tất cả các quyền lãnh đạo khác) nằm ở các Bang (tương đương với các tỉnh, thành của chúng ta), thì ở VN, người ta thích và dùng đủ các thủ đoạn, tập trung quyền lực ở Vụ, Bộ, ở Trung ương, ở Hà Nội, để dễ bề dùng quyền lực thao túng, phục vụ cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, hưởng lợi nhiều nhất tài nguyên quốc gia, không màng gì về tầm nhìn tương lai và năng lực quản lý để có thể xây dựng được một đất nước phồn vinh. 

5. Như ánh sáng vô hình...

Sau cuộc trao đổi với cán bộ Vụ Trung Học, tôi đến xin lỗi PGS. TS. Nguyễn Kim Hồng là từ chối lời mời về việc tham gia vào BGH trường THTH trong những ngày đầu thành lập; và cám ơn anh Hồng về sự ưu ái đối với tôi; với lý do mục tiêu của trường này, không phải là mục tiêu một ngôi trường mà tôi mơ ước.

Ký ức buồn và thất vọng này tôi muốn giữ kín trong lòng và nghĩ rằng nó sẽ tan biến dần theo thời gian; nhưng gần đây, trong những ngày mà dịch Covid 19 làm mong manh hơn ranh giới sống chết này, nằm nhà đọc sách...đọc “Ánh Sáng Vô Hình” (ASVH) của Anthony Doerr, Võ Thanh Tuyền dịch. Tiếng nói truyền cảm cuốn hút theo làn sóng radio trong ASVH dội vào lòng tôi với bao xúc động “Hãy mở đôi mắt, và hãy nhìn những gì bạn có thể nhìn trước khi chúng khép lại mãi mãi.”; và giống như tiếng chuông đồng hồ đánh thức cơn ngủ mê của tôi..., cùng với niềm tin yêu các em SV, HS, và thế hệ trẻ đồng nghiệp với tôi, thúc dục tôi viết lại và chia sẻ; để các em có thể nhìn một ước mơ trước khi nó khép lại mãi mãi. Cũng trong ASVH: “Chúng ta gọi ánh sáng hữu hình là gì? Chúng ta gọi chúng là màu sắc. Nhưng quang phổ điện từ chạy từ tầng số zero cho đến vô cực, vì vậy thật ra, các em à, về mặt toán học, tất cả ánh sáng đều vô hình”. Vâng, ánh sáng hữu hình, ánh sáng mà chúng ta có thể nhìn thấy được, thực ra chỉ là một khoảng vô cùng bé trên nửa trục thực mà quang phổ điện từ biến thiên. Do đó về mặt toán học, hầu hết ánh sáng đều vô hình, không nhìn thấy được; vậy nên, chúng ta đừng ngạc nhiên khi nhiều người, rất nhiều người, chỉ còn nhìn qua thị giác, không thể thấy ước mơ, niềm tin, hy vọng, tình thương yêu...vì nó cũng là thứ ánh sáng vô hình. 

*

Lịch sử VN có Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Ngài là tấm gương sáng chói nhất trong những gương người Việt sáng chói tính cho đến thời điểm hiện nay, về lẽ sống của một con người, Ngài đã đi theo con đừờng của Đức Phật Thích Ca, chia tay thần linh, từ bỏ ngai vàng, né tránh danh vọng hư vô, xa rời hoan lạc trần gian; cô độc khoát tấm vải lam đi giữa vô minh, đi trong sự thấu hiểu sự chết chóc, nỗi đau khổ, cơ cực, nghèo đói, bệnh tật của người dân (hậu quả của cuộc chiến chống quân Nguyên Mông tàn bạo) đến vùng núi hoang vu Yên Tử để tu luyện, để minh triết và chứng nghiệm chân lý Đức Phật; và cũng để biến thành ánh sáng chân lý, toả đến muôn dân: Từ bỏ tham sân si, từ bỏ hận thù, thu nạp theo từng hơi thở, tình yêu và lòng bao dung, lấy ân báo oán để diệt trừ nghiệp chướng; đi trên con thuyền của lòng từ bi, hỉ xả mới thoát được bể khổ và đến được đại dương của bình an, hạnh phúc...

Ánh sáng minh triết của Đức Phật đã chiếu rọi hơn 2500 năm trên toàn thế giới, ánh sáng minh triết của Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã soi sáng hơn 700 năm trên không gian Việt cho thấy, thiên đường và địa ngục không phải ở một chốn xa xôi, nơi con người được ký thác sau khi chết, mà chính trong thân xác của bạn, trong tâm thức của bạn, ngay lúc này. Khi một người tu tập tinh tấn để phát triển tâm thức định tĩnh sẽ kiểm soát được tâm, và từ đó điều khiển được hành động của mình. Khi kiểm soát được tâm và giữ tâm an trú trong bốn nơi thiêng liêng (hay bốn Phạm Trú (Brahma Viharas)) Từ, Bi, Hỷ, Xả sẽ có hành động đúng đắn, hữu ích cho mọi sinh linh, tiêu chí của một cuộc đời cao quí với lẽ sống đầy phẩm giá, là đang sống ở thiên đường. Ngược lại, những kẻ sống có tâm chìm đắm trong tham, sân, si...là đang sống trong địa ngục.

Bi kịch lớn hiện nay (có lẽ chưa từng có trong lịch sử hình thành và phát triển dân tộc Việt) là những kẻ mang khuôn mặt người nhưng tâm thức vô minh, lòng dạ còn tệ hơn mọi loài ác thú, chìm đắm trong tham, sân, si và đang giãy giụa trong vũng lầy địa ngục; chỉ còn khả năng nhìn độc nhất bằng thị giác để tìm vàng bạc, và chiếc gậy quyền lực; càng ngày càng mọc thêm nhiều bàn tay man rợ vắt xương máu dân lành; vắt tài nguyên rừng núi, biển đảo quốc gia; vắt cơ hội, ước mơ, hy vọng của bao thế hệ trẻ; vắt tiềm lực kinh tế cạnh tranh với các quốc gia láng giềng, vắt sức mạnh phòng thủ quốc gia, vắt tất cả những gì có thể vắt được cho thành tiền, thành bạc, thành dinh thự, lâu đài... như Vinasin- Vinaline, như các tập đoàn cướp đất, như AVG, như đường dây đánh bạc của công an hàng ngàn t, như bọn buôn thuốc ung thư giả, như tập đoàn test xét nghiệm Việt Á... lại là những kẻ dắt mũi bọn nắm quyền lực điều hành đất nước, bọn vỗ ngực tự xưng là anh minh, sáng suốt đang dẫn dắt nhân dân đi đến thiên đường!

*

Các em SV, HS thân yêu à, hãy luôn tập nhìn, không phải chỉ bằng mắt theo nghĩa quen thuộc là thị giác, mà còn bằng thính giác, vị giác, khứu giác, xúc giác; bằng con mắt của trái tim, con mắt của tâm hồn, con mắt của tư tưởng...để có thể nhìn được mọi ánh sáng vô hình, nhìn được tận đáy sâu thẳm trong vũ trụ con người, và tầm xa vô cực của vũ trụ bao la; để minh triết ánh sáng chân lý, và chân lý quan trọng nhất: lẽ sống của một con người.

CL. 7/01/2022

                          

 

Dr. Nguyễn Chí Long
E-mail:  nguyen.c.long@gmail.com

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

FANPAGE

THỐNG KÊ LƯỢT XEM

Tổng truy cập: 188,917

Đang online: 6

Scroll