ĐỐT LẠI MỘT QUE DIÊM
THIỂN CẬN, DỐT VÀ ĐIÊN.
-------------------------------------------------------------
Dr. Nguyễn Chí Long
1. DANH VÀ THỰC
Báo Thanh Niên ngày 4/12/2019 có bài “Phó Giáo sư trẻ nhất và mức lương 5,5 triệu” chứa đựng thông tin: một vui, một buồn và một nghịch lý; vui là Tiến sĩ (TS) Lý Kim Hà, 31 tuổi, được phong Phó Gíao sư (PGS.), thật đáng quí và nể trọng, buồn là: lương 5,5 triệu VNĐ, mức lương không đủ sống. Còn nghịch lý thì...chắc mọi người đều biết, tôi chẳng cần nói gì thêm.
Có rất nhiều người không biết, thậm chí không tin về mức lương cực kỳ thấp, không đủ sống của Thầy Cô giáo, kể cả GS, PGS ở hệ thống trường công lập...và do đó không cảm thông được những khó khăn và nỗi đau của Thầy, Cô giáo đang đứng trên bục giảng, không thấy, không đánh giá hết được nguy cơ của nền giáo dục sẽ gây ra cho dân tộc...Những SV xuất sắc mà các trường Đại học tạo điều kiện làm Tiến sĩ ở các nước phát triển thì hoặc tìm cách ở lại, hoặc, khi đã về nước rồi thì tìm đường ra đi; số TS quyết bám trụ ở trường thì thu nhập không đủ sống, có những cặp vợ chồng chần chừ chưa dám có con với lương bổng như thế... đó là chưa kể đến các rào cản chỉ đạo, quản lý ... thể hiện thiếu niềm tin yêu, thiếu cổ vũ động viên vào lớp khoa học trẻ. Chính thực trạng đó đã thôi thúc tôi đưa lại đoạn kết trong bài “GS Mỹ-GS Việt”, mà tôi đã viết cách nay hơn một năm, đăng trên website của mình, lên Facebook nhằm chia sẻ cho những ai chưa đọc trên trang web.
Bài viết này trước đây khi Thuý Liễu, vợ tôi, giới thiệu với một chị bạn thân thiết, từng làm trưởng một phòng ở Sở Giáo dục TP HCM, đọc xong chị gọi điện báo...”bài viết dài và khó hiểu...”. Đúng vậy, bài viết dài, nhất là đoạn kể việc đi tìm vị trí Giáo sư ở Đại học Mỹ, và sẽ nhàm chán, chẳng có ích gì cho những ai không quan tâm đến khái niệm “Giáo sư”. Tuy nhiên cũng đã có hơn 100 bạn đọc thích bài này, trong đó có một số học trò của tôi, các em có học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ muốn tìm vị trí Giáo sư, đặc biệt một số em đã là Giáo sư ở Mỹ và Úc, cho tôi biết là rất thích bài viết này, vì các em có nhiều trải nghiệm và thấu hiểu sự khó khăn trong việc tìm một vị trí Giáo sư ở Đại học Mỹ, Úc...Như vậy bài này cũng có chút hữu ích, tôi thầm cám ơn các em đã động viên, cổ vũ tôi.
Chúng ta thừa biết rằng trên Facebook, có những bài viết nhận hàng ngàn “like”, nhưng chả có giá tri gì, thậm chí còn nguy hại; đó là hệ quả hội chứng “bầy đàn” của những người cùng “fan”, hoặc có khi “like cho chết” để đẩy người được like, người đi “câu like” lao vào thế giới mộng du, ảo tưởng. Đối với riêng tôi, bài viết đưa lên FB không phải để câu like, mà đơn giản chỉ để chia sẻ suy nghĩ của mình với học trò, bạn hữu. Nếu có người đọc bài đã là quí rồi, người đọc có cùng suy nghĩ và khen thì lại càng quí hơn. còn người đọc có suy nghĩ đối kháng thì cũng là chuyện thường tình...đó cũng là bài học để tôi hiểu thêm về độ phức tạp xã hội, tự bản thân kiểm tra, điều chỉnh nhận thức, hành động hợp lý trong cuộc sống, và cần phải tiếp tục học nhiều hơn nữa. Tôi đã từng nhận mail của học trò thảo luận những bài tôi viết và học ở các em nhiều điều.
Riêng phần kết của bài “GS Mỹ-GS Việt” được đưa lên FB thì người đầu tiên đánh dấu thích bài này là anh Nguyễn Đức Nghĩa, sự thấu hiểu và động viên của anh Nghĩa đối với tôi thật quí giá. Vì theo tôi, bài viết trong phạm vi giáo dục có tốt hay không, chỉ cần một Nguyễn Đức Nghĩa đánh giá là quá đủ. Vì sao?....
TS. Nguyễn Đức Nghĩa từng là Phó Giám đốc Đại Học Quốc Gia TP. HCM. Điều sau đây thì hầu hết các Thầy Cô, Chuyên viên giáo dục, Phóng viên báo chí, truyềnh hình, phát thanh...đều biết và đánh giá: TS. Nguyễn Đức Nghĩa là chuyên gia hàng đầu VN (theo tôi là số 1) về tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh; là Thầy giáo đam mê phục vụ giáo dục, đào tạo nhiều công dân ưu tú; là Cán bộ quản lý có bản lĩnh và trách nhiệm, có nhân cách sáng, đẹp.
Hướng nghiệp và tuyển sinh trong môi trường GD Việt nam là lĩnh vực cực kỳ quan trọng đối với thế hệ trẻ, đối với quốc gia, nhưng lại quá rối rắm, phức tạp, thông tin đầy biến động, thiếu hấp dẫn...Làm việc trong lĩnh vực này đòi hỏi, tính chính xác, nhẫn nại, mẫn cảm,...và sự hiểu biết thấu đáo, từ toàn cục đến mọi chi tiết, cấu trúc cơ học cũng như hồn phách của nền giáo dục. Chỉ với sự hy sinh, cống hiến lớn lao cùng với tính khoa học sắc bén và tình yêu sâu đậm dành cho thế hệ trẻ, đó cũng là tình yêu dành cho quốc gia-dân tộc, mới có thể trở thành chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hướng nghiệp và tuyển sinh.
Anh Nghĩa, ba nhiệm kỳ là Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. HCM, nhưng chưa mang danh PGS. Theo tôi, chắc không phải là anh Nghĩa không thích cái danh PGS., để ghép kèm với Phó GĐ ĐHQG, cho có vẻ tương xứng, hợp thời (vì nhiều người chỉ ở chức Chủ nhiệm Khoa thôi, cũng bằng mọi cách để đạt được danh PGS., GS.), và theo tôi, anh Nghĩa, nếu đặc biệt yêu thích chức danh này, thì không phải là không có khả năng và cơ hội để đạt được nó. Nhưng như chúng ta biết, trí lực, sức lực, thời gian của mỗi người không phải là vô hạn. Do đó, tôi càng yêu quí và kính trọng anh Nghĩa hơn, đặc biệt về nhân cách, là những “đề tài” anh chú ý làm, dẫu không có trong tiêu chí, danh mục hay điều kiện để các Hội đồng xem xét, đánh giá phong danh hiệu PGS., nhưng lai thiết thực hơn, quan trọng hơn, cần thiết hơn cho hàng triệu học sinh, gia đình các em và quê hương các em.
Nhiều lúc tôi suy nghĩ và tự hỏi, không biết đã có công trình nghiên cứu nào nhằm xác định bao nhiêu phần trăm trong số các sản phẩm của các TS. tạo dưng (để đủ điều kiện mang danh GS., PGS. ở VN), có ý nghĩa và hữu ích cho việc đặt nền móng (hay thúc đẩy phát triển) văn hoá, khoa học, kỷ thuật cho quốc gia Việt? (tôi muốn nhấn mạnh là cho Tổ quốc Việt) để từ đó có thể thấy mức độ phung phí tài nguyên tâm huyết, trí tuệ Việt.
Tôi thầm tự hào về trường Petrús ký (nay là Lê Hồng Phong), nơi mà cả gia đình tôi (vợ và hai con tôi) đã từng học, đã đào tạo được những người hữu ích như Nguyễn Đức Nghĩa (NĐN).
Một người đã gần bốn mươi năm gắn bó với giáo dục, ba nhiệm kỳ làm Phó Gíám đốc Đai Học Quốc Gia, làm Phó CT Thường Trực Hiệp Hội Các Trường Đại học Cao đẳng VN, có kiến thức sâu rộng về hệ thống giáo dục VN, cả trên sân khấu, lẫn phía trong hậu trường của nó, được các đồng nghiệp và bao thế hệ học sinh yêu mến, tin tưởng, kính trọng về nhân cách và tinh thần trách nhiệm, mà đánh giá tốt bài viết liên quan đên giáo dục của tôi, thì chẳng phải là quá đủ sao?
2. THIỂN CẬN, DỐT.
Và một người khác, cũng là đầu tiên trong cuộc đời mà tôi đọc được lời đánh giá về mình: “thiển cận” (điều mà tôi đã tự nhận biết cách nay khá lâu, 30 năm, từ năm 1989)... là Nguyễn Hữu Trọng (NHT), một Thầy giáo giảng dạy Toán ở Đại học Thuỷ Sản Nha Trang và ‘fan” của Trọng là Vũ Thanh Tân (VTT), cũng đã từng dạy Toán ở một Đại học, hiện sống tại Paris, Pháp.
Thực ra nếu NHT đưa đánh giá bài viết của tôi trước anh NĐN thì chưa chắc tôi có đủ động lực để viết bài này, bởi vì NHT, một GV Đại học, không thể không biết anh NĐN, khi đã biết sự đánh giá của anh NĐN bài viết của tôi rồi mà còn cho rằng bài viết “thiển cận”....không xứng đáng đứng trong “hàng ngũ trí thức” thì chẳng phải cũng xem anh NĐN chẳng ra gì sao?
Nhân tiện có đánh giá này, tôi muốn viết lại câu chuyện mà tôi đã từng kể với học trò về cái sự thiển cận, dốt, rất dốt của mình.
Đầu năm 1989, tôi nhận được học bổng làm Nghiên cứu sinh của tổ chức DAAD, Cộng Hoà LB Đức (Tây Đức- vì lúc này bức tường Berlin chưa bị phá bỏ). Trước tiên phải xin chính phủ VN giấy phép đi lai, tức xin Passport. Thời đó xin cấp Passport trần ai lắm chứ không như bây giờ, phải qua rất nhiều cửa “có quyền cho phép”, chỉ những ai xin Passport thời đó mới thấu hiểu được khó khăn dường nào. Chưa hết, tiếp tục phải xin Visa ở Sứ quán Đức tại Hà nội, nghĩa là xin nước Đức cho phép bước vào, lại cũng đầy rẫy khó khăn, không phải ở phía Đức, mà ở phía Việt nam liên quan đến Sứ quán Đức. Nếu gia đình tôi không phải là gia đình đã đóng góp cho “cuộc kháng chiến chống Mỹ” một mạng người, mạng anh trai yêu quí của tôi, nếu cả cha mẹ tôi, không phải là hai đảng viên cs kỳ cựu, đã tham gia vào hai “cuộc chiến chống Pháp-chống Mỹ”, và nếu không có sự giúp sức của Ông tôi, Trần Kiên (lúc đó là Bí thư TW Đảng, Chủ nhiệm Uỷ Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng) và một số người trong dòng họ nội đang có thế lực, thì chưa biết là tôi có thể đến CHLB Đức được không.
Lúc tôi gặp ông K. (nhân viên Sứ quán Đức ở Hà Nội) tại khách sạn Majectic để nhận tiền mua vé máy bay sang Bangkok (rồi đến hảng hàng không Lufhansa ở Bangkok, nhận vé máy bay sang Đức), ông bảo rằng tôi là người miền Nam VN đầu tiên nhận học bổng của Tây Đức. Thật đáng mừng và tôi cảm thấy ...hãnh diện. Khi sang Đức tôi khoe với các bạn Đức là nhờ mình thế này...thế nọ... mới xin được Passport.
Các bạn Đức không tin, bảo chuyện này là ...vô lý, vì tất cả các công dân Đức đều có Passport, quyền đi lại là quyền cơ bản của con người.
Đây là sự thiển cận và cái dốt mà tôi chỉ nhận biết khi sang Đức. Quyền tự do đi lại của con người, quyền cơ bản nhất được khẳng định trong bản “Tuyên Ngôn Phổ Quát Nhân Quyền”, chỉ dấu phân biệt con người khác với một con bò, con cừu trong đàn gia súc..., kiến thức đặt biệt quan trọng và có giá trị hơn nhiều so với kiến thức toán mà tôi có, để trước tiên được làm người, mà một Nghiên cứu sinh, một Thầy giáo có chục năm giảng dạy ở trường Đại học (có người còn cho là thuộc “tầng lớp trí thức”) không biết.... thì không phải là... thiển cận, dốt, rất dốt sao?. Anh không những không biết người ta cướp quyền làm người của anh, và cũng không biết nhục khi phải cúi đầu, xin họ cho lại quyền của mình (nhục, vì lúc đó anh coi nhân cách của mình nhỏ bé hơn nhân cách họ, họ cũng là người như anh, tại sao anh không có quyền cho phép họ, mà họ lại có quyền cho phép anh?). Khi họ thảy lại cho anh một chút “của” mà họ đã cướp của anh, anh lại cảm thấy như một ơn huệ. Thật đáng nhuc!. Thật đáng thương!
Có lẽ NHT (và cả VTT) có nhầm lẫn ở đây, cứ cho rằng tôi đang giảng dạy ở Đại học, vậy tôi là một trí thức, và khi NHT đọc đoạn kết của bài “Giáo sư Mỹ-Giáo sư Việt” trên FB (nhưng chắc là không đọc đoạn “Xoá ý thức nô lệ, mặc cảm, tự ti”), thấy tôi “chê” nền GD VN, chê các vị lãnh đạo, NHT cảm thấy ngược với suy nghĩ của mình, xúc phạm thần tượng lãnh đạo của mình, liền tức tối và phản hồi: “thiển cận”, “không xứng là trí thức”. ...Trời ơi! Đâu phải anh cứ giảng dạy ở Đại học thì anh thuộc “tầng lớp tri thức”. Nếu tất cả các Thầy Cô ở các trường Đại học là “Trí thức” thì đất nước Việt Nam có thành công xưởng sản xuất nhiều, rất nhiều những tội phạm cở cấp Bộ trưởng, cấp Tướng như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Vũ Văn Ninh, Hoàng Trung Hải, Đinh La Thăng, Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hoá, Phương Minh Hoà, Nguyễn Văn Hiến... không?, có sản sinh ra các vở bi hài kịch trong ngành Toà án, hay các bộ mặt đáng kinh tởm, nghiện hút tiền dân lành còn hơn kẻ nghiện hút ma tuý, trong bộ máy y tế, môi trường, xây dựng,... , mà không giấy bút nào có thể kể hết được, như hiện nay không?.
Còn ý nghĩ của VTT “Mỹ và phương Tây chỉ là thương hiệu để buôn bán súng đạn” thì không sai, nhưng cũng cần chú ý thêm rằng, trong lĩnh vực buôn bán vũ khí, đừng coi thường Nga, Trung Quốc, Bắc Hàn!. Vâng, súng đạn, thứ vũ khí giết người đáng kinh tởm được sản xuất ở Mỹ, phương Tây ...thì có rất nhiều người biết rồi; ít nhất cũng cở một phần ba dân số của loài người biết được điều này. Nhưng sự gắn kết chặc chẻ, vĩnh cữu giữa công nghệ vũ khí (bao gồm công nghệ dầu mỏ) với công nghệ chiến tranh thì số người biết ít hơn rất nhiều, có lẽ không ai biết chính xác số đó, nhưng theo tôi, chắc chắn số đó bé hơn một phần trăm. Một dẫn chứng cụ thể là rất nhiều người thuộc lớp cha ông của chúng ta không biết điều này, Nước Đức cũng từng chia Đông-Tây, Đông cộng sản, Tây Tư bản. Nhưng họ sơ chiến tranh vì biết và hiểu hơn ta về hậu quả của nó nên không “sáng tạo” cuộc chiến. Còn VN ta thì biết sáng tạo và say mê trò chơi chiến tranh, giúp công nghệ vũ khí phát triển, giúp không chỉ Mỹ, mà cả những nước ăn theo cuộc chiến như Đức, Pháp,..Nam Hàn, Thái Lan...giàu nhanh hơn. Đa số người dân Việt của ta thiếu quá nhiều lòng bao dung và sự kiên nhẫn, nhưng lại dư thừa lòng thù hận, nên đã chọn con đường chiến tranh để giành độc lập, nghĩa là đã đi trên con đường khác với con đường người dân Ấn độ đã chọn, (con đường không dùng vũ khí giết người, con đường bất bạo động mà Mahatma Gandhi khai phá, để đi tới đích độc lập, tự do năm 1947; thoát khỏi ách thống trị của thực dân Anh).
Người dân Đức có ít lòng thù hận, nhưng lại có đủ trí khôn, sự thấu hiểu và lòng bao dung để đi trên con đường khác, không phải con đường chiến tranh, để đến đích thống nhất đất nước.
3. BI KỊCH CỦA NHỮNG BI KỊCH.
Nhưng bi kịch của mọi bi kịch, làm cho thế giới loài người hiện nay phức tạp, hổn độn, đảo điên, và có thể đến đích cuối cùng: Diệt vong, chính là ....rất ít người, thậm chí rất hiếm hoi, biết được ai là kẻ buôn bán vũ khí? ai là kẻ hưởng lợi từ sự phát triển của công nghệ vũ khí (bao gồm cả công nghệ khai thác dầu mỏ)?
Đó là những con buôn chính trị, con buôn học thuyết, đang nắm quyền vận hành ở các quốc gia, nơi sản xuất vũ khí và tiêu thụ vũ khí; cùng bọn nghiện quyền lực để trở thành đại ca bảo kê cho chúng, và bọn môi giới cho chúng, cùng bọn “ký sinh” chúng; với mặt hàng chính và phổ biến nhất là: Sự dối trá-lường gạt và đánh tráo khái niệm, sản phẩm của các nhà máy...”truyền thông”, của “các cơ sở giáo dục”. Chúng lường gạt tất cả những người dân ngây thơ, lương thiện, bằng tất cả các phương tiện truyền thông, hoặc khuôn mẫu giáo dục (do chúng sản xuất, điều hành, kiểm soát, hoặc bằng vũ lực hoặc bằng tiền bạc, của cải vật chất). Chúng xảo quyệt cấy rất nhiều mầm thù hận, thù hận tôn giáo, thù hận chủng tộc, ...và dọn sạch sự thấu hiểu, niềm cảm thông, lòng bao dung, sự tha thứ, mà chúng xem như cỏ dại, để mầm thù hận sớm đơm hoa, kết trái thành khói lữa chiến tranh. Bất cứ cuộc chiến nào xảy ra chúng cũng đều hưởng lợi cả, chẳng thèm quan tâm đến đau thương mất mát của dân lành, những người dân ngu muội (dùng suy nghĩ, hành động, lời nói...chăm bón cho mầm thù hận phát triển nhanh, hay giúp chúng dọn sạch lòng bao dung..), hay những người dân hiểu biết, có lương tri, nhưng bất lực trước những cổ máy đồ sộ chi phối bởi đồng tiền, ở cả nước gây và bị gây chiến.
* VÀI DẪN CHỨNG NGOẠI LỆ
Tuy nhiên đừng cho rằng, chỉ chũ nghĩa tư bản mới gắn liền với công nghiệp vũ khí, như thế là coi thường Liên Xô, Trung Quốc đấy! Và hãy mở mắt lớn hơn để thấy rằng không phải không có những ngoại lệ, hay những điều kỳ dịêu cứu rỗi loài người: Nước Mỹ và phương Tây không phải “chỉ là thương hiệu buôn bán vũ khí’’ đâu, nước Mỹ và phương Tây còn có thương hiệu máy tính, xe hơi, máy bay dân dụng, dược phẩm, điện thoại, và hàng trăm thương hiệu khác giúp loài người sống khoẻ, sống lâu, sống tiện nghi hơn.
Và hãy tìm hiểu nước Đức, dưới sự điều hành của Thủ tướng(TT) A. Merkel, người mà tạp chí Forbes chín năm liền bầu chọn là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, để thấy tồn tại sự ngoại lệ: không phải là con buôn chính trị, không phải là con buôn học thuyết; không sử dụng mặt hàng “dối trá, lường gạt, đánh tráo khái niệm” để điều hành guồng máy quốc gia phục vụ công nghiệp vũ khí, phục vụ các nhóm lợi ích.
Trong cuộc sống này, nói thì dễ, làm mới khó, điều hành chính bản thân đã khó, điều hành một gia đình còn khó hơn, còn điều hành một quốc gia thì cực kỳ gian nan.
Như chúng ta đã biết, bước lên các nấc thang, từ “sự dối trá” lên đến “không chấp nhân sự dối trá”, từ “không chấp nhận sự dối trá” lên đến “chấp nhận sự thật”, từ “chấp nhận sự thật “ lên đến “bảo vệ sự thật” là vô cùng khó khăn.
[ Xin cần lưu ý thêm rằng, bản thân sự thật cũng muôn hình vạn trạng, có độ lớn, sức nặng, giá trị hữu ích cho con người hoặc độ phá huỷ nhân tính, mức độ ảnh hưỡng đến sự phát triển xã hội loài người...khác nhau. Có sự thật dễ dàng nhận biết, nhưng cũng có sự thật bị bao phủ bởi nhiều lớp bụi: bụi thời gian, bụi ngôn từ ghi chép lịch sử giả, bụi cường quyền,..Và có loại sự thật, chỉ nhận biết thôi cũng không hề đơn giản. Cũng là sự thật “ăn cắp”, nhưng ăn cắp bánh mì, ăn cắp con vịt, con chó không tai hại bằng một phần triệu của sự ăn cắp vài ngàn tỉ bạc của nhân dân, và việc ăn cắp vài ngàn tỉ bạc của nhân dân không nguy hại bằng ăn cắp cơ hội và phương tiện để làm ra vài ngàn tỉ bạc đó. Sự thật “mặt trời chiếu sáng” thì những người không bị mù dễ dàng nhận biết và chấp nhận, nhưng sự thật ...liên quan đến con người, đặc biệt là liên quan đến ... nhân tính - phi nhân tính, bị bắt ép làm nô lê - tự nguyện làm nô lệ, nô lệ - tự do, tư hữu - công hữu, quyền lãnh đạo chính danh - quyền lãnh đạo không chính danh, hợp pháp - phi pháp, trung thành - phản bội, niềm tin - không có niềm tin, sự sống - cái chết, ...thì độ khó, độ nguy hiểm, trong sự nhận biết và chấp nhận lớn hơn rất nhiều].
Đối với mỗi con người, bước lên được mỗi nấc thang đó, đòi hỏi không những sự trưởng thành của trí tuệ, nhân cách mà còn lòng dũng cảm; còn đối với guồng máy đại diện cho dân tộc, điều hành quốc gia, thì bước lên được một nấc thang là cực kỳ gian khó. Lịch sữ đã chứng minh rằng, để đẩy một guồng máy bước lên nấc thang thứ nhất, “sự dối trá” bước lên “không chấp nhận sự dối trá”, nhiều dân tộc trong guồng máy đó phải tốn không biết bao nhiêu công sức, của cải, thậm chí máu, nước mắt và tính mạng trong lao tù, còn một số dân tộc khác guồng máy đó có khi phải thiệt hại lớn về kinh tế, văn hoá, hay phải tốn rất nhiều xương máu cho các cuộc chiến tranh.
Nói thế để thấy được phần nào giá trị to lớn của TT Merkel, lãnh đạo và đưa được guồng máy của CHLB Đức (nơi không phải là thiếu vắng các con buôn chính trị và con buôn học thuyết) bước đến bậc thang cuối cùng là “bảo vệ sự thật”, lại cùng lúc mang đến sự hùng cường của Đức, sự thịnh vượng châu Âu.
Một dẫn chứng của hành động bảo vệ sự thật của TT Merkel: Cách nay hơn một tuần, ngày 6-12-2019, trong chuyến thăm Auschwitz (Ba Lan), nơi mà guồng máy chính quyền Đức, dưới sự cai trị của Hitler, thế hệ đàn anh của bà Merkel, đã giết hại trên 1,1 triệu người dân Do Thái vô tội, bằng các thí nghiệm khoa học giết nhiều người hiện đại nhất như phòng hơi ngạt..., vì ý nghĩ tàn độc ( sản phẩm của một thứ chủ nghĩa quái dị: tự tôn dân tộc, kết hợp với tư bản hoang dã, chuyên chế-độc tài và sự dối trá tinh xảo).
Phát biểu của TT Merkel tại Auschwitz, không chỉ xuất phát từ độ lớn của lương tri và trách niệm đối với loài người, đối với các thế hệ trẻ Đức trong hiện tại và tương lai ...mà còn bằng sự thấu hiểu độ sâu của nỗi đau, sự mất mát của các dân tộc khác là nạn nhân, và tinh thần dũng cảm, đầy bản lĩnh để đối mặt với một giai đoạn lịch sử nhơ nhớp của thế hệ người Đức trước đây, để bảo vệ sự thật đau đớn:
“Hôm nay, tại đây, đứng trước quí vị, với tư cách là Thủ tướng Đức, tôi thấy thật không dễ dàng. Tôi cảm thấy cực kỳ xấu hổ trước những tội ác dã man, những gì đã diễn ra do người Đức hành động. Những tội ác này đã vượt qua tất cả những gĩ có thể hình dung được. Thật là khủng khiếp về những gì mà phụ nữ, đàn ông và trẻ em đã trải qua ở đây...vì từ ngữ nào có thể diễn tả nổi sự đau buồn đến như thế, khiến bao nhiêu người đã bị hành hạ, đày ải và thủ tiêu? Nhưng im lặng không được phép là câu trả lời duy nhất của chúng tôi. Nơi đây ràng buộc trách nhiệm của chúng tôi, phải cảnh thức bằng hồi tưởng. Chúng tôi phải nhớ lại những tội ác đã diễn ra ở đây và phải nói đúng tội danh của nó!...Nhớ lại những tội ác, vạch rõ thủ phạm và trân trọng trân trọng tưởng nhớ tới các nạn nhân. Đó là trách nhiệm không bao giờ chấm dứt. Trách nhiệm này không thể nào san sẻ được, nó liên hệ trực tiếp đến đất nước tôi. Ý thức trách nhiệm này là bổn phận của chúng tôi, nó là phần liên đới chặc chẽ tới hình ảnh của đất nước chúng tôi, đó là một thái độ tự nhiên của một xã hội có ý thức và tự do, cùng với dân chủ và tôn trọng pháp quyền” (Bundeskanzleramt, 6.12.19).
Một dẫn chứng khác về sự ngoại lệ là Phần Lan, quê hương của Ông già Noel. Phần Lan không phải giàu mạnh nhờ công nghiệp vũ khí mà là công nghiệp hiện đại về viễn thông, điện tử, xây dựng và chế biến gỗ, kim loại, dịch vụ tài chính. cũng không dựa vào bọn buôn học thuyết, buôn chính trị già cổi tham lam, với động lực phát triển là dối trá, lường gạt, đánh tráo khái niệm, mà dựa vào lớp trẻ tài năng, đầy năng lượng, sản phẩm của nền giáo dục đúng nghĩa và môi trường sống lý tưởng.
Phần Lan trở thành quốc gia hạnh phúc nhất thế giới (theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc năm 2018- Phần Lan đứng đầu trong 156 nước về chỉ hạnh phúc) nhờ môi trường sống tuyệt vời: Môi trường thiên nhiên trong lành, không ô nhiểm, môi trường văn hoá xã hội phong phú, giàu sức sống (chú trọng đến việc xây dựng các khu vực thể dục thể thao, vui chơi giải trí nhằm nâng cao sức sống, niềm vui. Cơ hội để người dân đạt hạnh phúc được chia đều cho người nhập cư cũng như bản địa), môi trường giáo dục hiện đại (chất lương không hề thua kém các nước châu Âu khác, giáo dục đại học miễn phí..),.... môi trường kinh tế minh bạch, phong phú, hài hoà (tôn trọng quyền tư hữu, nhưng cũng tôn trọng lơi ích cộng đồng, khả năng cạnh tranh toàn cầu gữa các quốc gia cao. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018: Trẻ em Phần Lan có cơ hội vượt qua vị thế kinh tế của cha mẹ, và tự làm kinh tế thành công nhiều hơn so với trẻ em Mỹ), môi trường chính trị ưu việt (xã hội được thiết kế sao cho cơ hội thành công của mọi người dân là như nhau, Theo Nhóm theo dõi tự do phi đảng phái Freedom House: Người dân Phần Lan thực sự được hưởng tự do cá nhân, tự do chính trị, và thể chế bảo vệ các quyền này, cao hơn ở Mỹ).
Một đất nước tuyệt vời như vậy mà mới đây nhân dân lại tin tưởng trao quyền điều hành cho thế hệ trẻ: Nữ Thủ tướng Phần lan Marin. 34 tuổi.
4. GIÁO DỤC KHAI PHÓNG, TỰ DO VÀ TUỔI TRẺ CÓ ĐÁNG KỂ HAY KHÔNG?
VTT cho rằng đoạn viết về ý kiến cá nhân tôi trong bài “Giáo sư Mỹ-Giáo sư Việt” là
“chả đưa ra được ý kiến nào cụ thể, chả đáng kể” và khuyên tôi đừng “quanh quẫn với cụm từ dân chủ, tự do, khai phóng mà chê bai”.
Đây thực sự là vấn đề hệ trong mà tôi muốn đề cập lại lần nữa trong bài viết này, vì vẫn còn khoảng cách khá xa giữa việc “đọc” và “hiểu”, hay giữa “đọc” và “không chịu hiểu”.
Theo thiển ý của tôi thì hai điều sau đây không phải là không cụ thể, không đáng kể:
Điều cần làm thứ nhất là: Chính phủ phải giao quyền tự chủ, tự điều hành cho các Trường Đại học, trong đó có một công việc bé nhỏ hơn nhiều so với các công việc hệ trọng khác, là quyền bổ nhiệm vị trí GS, PGS.
Quyền tự chủ và tinh thần tự do khai phóng của Đại học không phải là “không đáng kể”. Điều này đã được nhiều bậc Trí sáng (chứ không phải Trí tối, tôi muốn dùng từ này thay cho “Trí thức” vì bị “dị ứng” kể từ lúc NHT nói đến “Trí thức” rồi), nổi danh trong nước và thế giới đề cập rồi.
Điều cần làm thứ hai là: Vị trí (tôi không nói danh hiệu) GS, PGS cần được giao cho các Tiến sĩ trẻ đang có năng lực thực sự, có những dự án đột phá ...dựa trên đòi hỏi phát triển của đời sống, văn hoá, khoa học, kỷ thuật VIỆT, chứ không phải theo nhu cầu của “Mỹ và phương Tây”(viết trong ngoặc kép là theo VTT: “nơi thực sự không có tự do, dân chủ, nhân quyền, mà chỉ là các thương hiệu buôn bán súng đạn.”) để có “thành tích” là các bài đăng báo.
Hơn nữa, là giao trọn niềm tin cho lớp trẻ đầy năng lượng này, trao tiền và quyền để các GS, PGS trẻ có đủ điều kiện tổ chức đội ngủ và thực hiện nghiên cứu, khai phá.
* VÀI DẪN CHỨNG
Tôi đưa ra một vài (trong số hàng ngàn) dẫn chứng để thấy thế hệ trẻ không phải là “không đáng kể” đây: Hơn 700 năm trước đây, Hoàng đế nước Đại Việt Trần Nhân Tông, từ lúc lên ngôi Vua tuổi 20, đã sáng suốt điều hành đất nước, nâng cao sức mạnh nội lực Đại Việt về kinh tế, văn hoá, giáo dục và sức mạnh tinh thần của chính nghĩa, của lòng yêu nước-thương dân...đủ để bảy năm sau đó, nghĩa là ở tuổi 27, Ngài, cùng với Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, chỉ huy quân đội Đại Việt (không cần trang bị ý thức hệ tư tưởng nào mà vẫn hùng mạnh) đánh bại quân xâm lược Nguyên-Mông, một đế chế vô cùng hùng mạnh thời đó, đế chế đã thu phục hơn 700 dân tộc, sát nhập hơn 40 quốc gia từ Á sang Âu, lập nên nước Mông Cổ lớn nhất thế giới.
Hội nghi Bình Than, hội nghị Diên Hồng gồm các Bô lão dưới thời Hoàng đế Trần Nhân Tông trị vì, để xem ý nguyện người dân là chọn (hay tránh đi) con đường chiến tranh chống quân Nguyên-Mông, thể hiện tình yêu nhân đân và sự quí trọng quyền làm chủ bản thân, cũng như quyền làm chủ đất nước của người dân, của vị Hoàng đế trẻ tuổi, nhưng vô cùng nhân hậu, sáng suốt và tài năng (do được thụ hưởng sự giáo dục tuyệt vời của Thầy, gia đình, dòng tộc và nhân dân). Cái tình yêu và tôn trong nhân dân đặc biệt quí giá ấy, chính là kho báu to lớn của quốc gia-dân tộc Việt mà Hoàng đế Trần Nhân Tông để lại, đó cũng chính là chất liệu tạo nên một quốc gia-dân tộc có năng lượng hùng cường và cũng là bài học quí hiếm, mà hầu như chưa quốc gia nào có, nhưng đau đớn thay, suốt hơn 700 năm qua cho đến tận cái thời đại 4.0 này, các quan lại cai trị, thuộc bao lớp con cháu của Hoàng Đế Trần Nhân Tông vẫn không nghe, không thấy, không biết (Hội trường Quốc Hội lấy tên Diên Hồng, thực chất là hành động ăn mày quá khứ và đánh tráo khái niệm).
Lịch sử khắp nơi trên thế giới này đã cho thấy (xem phim về các vua Tàu sẽ thấy rõ hơn), sức hút quyền lực, như ngai vua chẳng hạng, làm cho biết bao người trở thành mông muội, hạ đẳng hơn loài thú dữ: Cha con, vợ chồng, anh em giết nhau ...để giành cho được quyền lực, giành cho được ngai vua. Trong khi đó, Hoàng Đế Trần Nhân Tông đã từ bỏ ngai vàng, từ bỏ quyền lực lúc 35 tuổi. Thật đáng kinh ngạc về hiện tượng chưa từng xãy ra trên thế giới, trước và cả sau thời điểm xuất hiện của Ngài: Ở tuổi 35 mà Ngài, không những có đủ sức mạnh nhân tính để không chịu khuất phục trước các quyền lực của hư danh, quyền lực của vật chất phù du, mà còn có tuệ giác siêu phàm để hiểu biết thâm sâu giá trị con người, giá trị làm người....khinh thường những mục tiêu tầm thường của sự tranh giành sở hữu danh lợi, vật chất xa xĩ ...không còn vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm để đạt được đến chân tâm.
Những dẫn chứng khác để thấy không phải thế hệ trẻ là không đáng kể: Hãy nhìn qua nước Mỹ, A. Hamilton, Bộ trưởng Ngân khố lúc 32 tuổi (người đã xây dựng nền móng cho hệ thống tài chính-ngân hàng Mỹ) và J. Madison 36 tuổi (sau này là TT thứ tư của Mỹ) được xem là “những người cha” của Hiến Pháp Hoa Kỳ, dựa trên tư tưởng tam quyền phân lập của triết gia Pháp Montesquieu. Hiến pháp Hoa kỳ là bản Hiến pháp lâu đời nhất, nổi tiếng nhất, thể hiện tinh thần khoa học, tiến bộ, nhân bản; đã ảnh hưởng nhiều nhất đến Hiến Pháp của nhiều quốc gia trên thế giới.
Và hãy nhìn Phần Lan, đất nước mà mức sống người dân ngang bằng với dân Đức, Anh, Pháp..., có nền công nghiệp hiện đại, người dân hạnh phúc nhất thế giới lại được điều hành bởi một nữ Thủ tướng 34 tuổi, cùng với ba người lãnh đạo trong nội các trẻ hơn. Cũng cần kể thêm Thủ tướng Ukraine Oleksiy Honcharuk, 35 tuổi, Thủ tướng New Zealand, Jacinda Arden, 39 tuổi.
5. XIN ĐỪNG THỔI TẮT NHỮNG QUE DIÊM
Một công dân bình thường như tôi thì bài viết ...chỉ là những lời tâm sự, hay khá hơn chỉ là que diêm thắp sáng (và xin quí vị suy nghĩ cẩn thận giùm, đừng thổi tắt cái que diêm đáng thương ấy, đó chỉ là...như que diêm mà R. Tagore, người châu Á đầu tiên nhận giải Nobel văn học, đã đề cập: “Hãy để tôi thắp lên ánh sáng của tôi, và đừng bao giờ tranh cãi liệu nó có xua tan bóng tối hay không”), để làm rõ suy nghĩ của nhau trong nội bộ HS, SV, bằng hữu mà thôi, ...chứ VTT cho rằng “ý kiến xây dựng” thì nghe to tát quá, tôi không dám mơ tới. Cở bậc Thầy nổi danh thế giới của tôi, GS Hoàng Tuỵ, và vô số những học giả, tổ chức nổi tiếng khác, có tâm huyết với sự tồn vong và phát triển của quốc gia, dân tộc, làm biết bao bản kiến nghị, với hàng trăm người ký tên hẳn hoi để góp ý xây dựng...chẳng phải đều rơi vào thinh không đó sao?
Tôi lại cảm thấy thương cho VTT, phải sống ở Paris, nơi phương Tây lạnh lẽo, nơi mà theo VTT, “không thực sự có tự do, dân chủ, nhân quyền”...mà vì điều kiện nào đó (tôi chưa biết) không thể về sống ở VN, nơi “dân chủ gấp vạn lần dân chủ tư sản” (lời của bà Doan, GS.TS, Phó chủ tịch nước).
Còn tôi thì...Sau gần chín năm ở Đức, năm 1997 vợ chồng tôi khi quyết định đưa gia đình về VN (dù còn có thể ở Đức ít nhất là bốn năm nữa), không phải chúng tôi tin theo lời của các GS. TS, hay lãnh đạo đất nước kiểu như bà Doan là VN đân chủ gấp vạn lần CHLB Đức, bởi vì có lời hoa mỹ nào bôi xoá được trải nghiệm thực tế đâu. Tôi đã ở Đức khá lâu để biết rằng nước Đức cũng giàu lên nhờ công nghiệp vũ khí chiến tranh, nhưng nói CHLB Đức không tự do, dân chủ, nhân quyền bằng VN thì đó là lời nói dối. Chỉ cần lấy một ví dụ nhỏ: Mỗi con người (không cần phải có quốc tịch Đức) khi bước chân được đến nước Đức là được chính quyền cấp chổ ở, tiền ăn mặc và bảo hiểm y tế, đơn giản là Luật Pháp Đức thừa nhận rằng: Đã là con người thì họ có quyền được sống và chính phủ phải có trách nhiệm bảo vệ cái quyền được sống ấy.
Tôi cũng biết rằng, nếu tôi về VN và có “hồng phúc” nào đó (nói theo bà Quyết Tâm) mà được sắp xếp vào “đội ngũ lãnh đạo”, nghĩa là có quyền chỉ đạo cả báo chí, quân đội, cảnh sát, toà án...phục vụ dân chủ cho mình, và thỉnh thoảng nhận thùng quà mà trong đó chứa vài triệu Đô la Mỹ (giống như gói quà Tết của Phạm Nhật Vũ biếu Lê Nam Trà chẳng hạng), ở vị thế đó, tôi cũng sẽ phải vổ tay hoan hô bà Doan, và tôi cũng sẽ chứng minh rằng bà GS.TS Doan không sai: Stalin, Putin, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Kim Jong il, Kim Jong Un, Ceausescu,...chẳng phải có quyền dân chủ gấp vạn lần người dân ở các nước Tư bản đó sao? Tuy nhiên, từ cuộc sống của Ông tôi, Trần Kiên (Xin đọc bài “Sống Chết Vì Nhân Dân”), kiểm tra lại năng lực và cách sống của bản thân mình, tôi tránh con đường của Ông (cũng là con đường của cha, mẹ và anh trai tôi ngày xưa).
Từ phương Tây về VN, cũng không phải, nói “khí thế” theo lối truyền thông nhà nước, là “mang tri thức về phục vụ Tổ quốc”, bởi tôi cũng từng chứng kiến biết bao người có tài năng hơn, trí tuệ uyên bác hơn mình, khi về VN thì cũng chả phục vụ được gì nhiều cho Tổ quốc, hoặc có chăng, cũng chỉ phục vụ cho nhóm lợi ích. Chúng tôi về VN, đơn giản là muốn hoà nhập vào một cộng đồng người Việt lớn hơn, nơi ít có người suy nghĩ về tầng lớp dân tộc, và về nơi mình có thể thực hiện tốt hơn niềm đam mê của mình với vị thế một Thầy giáo. Và một điều quan trong nữa, là tình hình tự do của VN năm 1997 thực sự sáng sủa hơn nhiều so với năm 1989, nhất là quyền tự do đi lại...nghĩa là tôi có thể gửi con sang học ở các nước phát triển.
Tôi cũng đã biết từ rất lâu rằng, chưa có một chế độ xã hội nào trên thế giới này là hoàn thiện cả. Năm 2005, khi đến khu biệt thự Hollyhood, California thăm Thầy Nguyễn Văn Chiển, một SV MGP xuất sắc của Thầy Đặng Đình Áng, một Giảng viên Toán của ĐH Sư Phạm, người đã từng bị tù sau 1975, vì là Giảng viên-sỹ quan biệt phái, và khi vượt biên sang Mỹ thì làm trong nhà máy sản xuất ra đa, phục vụ cho Bộ quốc phòng Mỹ. Thầy Chiển bảo: Cái xấu nào mà Mỹ chê cộng sản và cái xấu nào mà cộng sản chê Mỹ cũng đều đúng hết...
Vâng, Mỹ, phương Tây chẳng tốt lắm đâu, còn xấu lắm, nhưng chắc chắn là không xấu đến độ...giãy chết, xấu hơn VN, như một số người ráng nhắm mắt mà nói.
Tại sao có rất nhiều người VN tìm cách vượt biên sang Đức, Pháp, Anh, Úc, Mỹ...sống, mà chiều ngược lại thì rất ít. Như chúng ta đã thấy, nhiều người Việt đã đau đớn thốt lên “có chết cũng đi” vượt biên, đánh đổi cả mạng sống mình để tìm nơi ở tốt hơn. Đơn giản, giữa hai cái xấu, một người không mất trí, sẽ chọn cái ít xấu hơn.
Có người còn dám đổi cả mạng sống để tìm vùng đất tự do là vì họ cho rằng thà chết trên con đường tìm tự do, còn hơn sống trong nô lệ. Bởi vì có khi chính cái chết đó lại mang một ý nghĩa lớn lao, là sự hiến dâng lời cảnh tỉnh đáng giá, nó có giá trị hơn (cho sự phát triển nhân tính của loài người) là cuộc sống nô lệ của bầy cừu im lặng, được vài ba con chó săn (cũng nô lệ, nhưng ở thượng tầng cao hơn, được chủ của chúng chăm sóc và cho ăn nhiều hơn, ngon hơn) thích thú chăn dắt .
*
Xin các Thầy Cô đồng nghiệp, các bạn hữu, các học trò của tôi hãy tư vấn giúp tôi phải làm gì trước lời khuyên của một cựu SV MGP(sinh viên toán đại cương và vật lý của ĐH Khoa học Sài gòn trước 30-4-75) (đã từng là GV Đại học ở VN, hiện sống ở Thủ đô Paris của nước Pháp, đã có nhiều hình ảnh đẹp về mùa thu ở vườn Luxamburg) là đừng “quanh quẫn với dân chủ, tự do, khai phóng...mà chê bai” nền giáo dục VN...
(Lời khuyên ghi trên Facebook của tôi, mà lúc mới đọc tôi khá ngạc nhiên, nhưng sau đó bạn Trung Anh, người đã có tính cộng đồng và tinh thần trách nhiệm rất cao, thể hiện trong vai trò đầu tàu, tổ chức thành công cuộc họp mặt SV MGP khoá cuối tại Sài gòn vào tháng 10/2019, đã thấu hiểu ý tôi, đồng cảm với sự lo lắng của tôi, và cũng là người duy nhất trong số vài ba chục SV MGP dùng FB, thích bài viết và động viên tôi... “CL ơi, bạn ngạc nhiên làm gì! những cái đầu...thì đâu cũng vậy thôi! Buồn cho MGP!”. Vâng, cám ơn Trung Anh! bạn giúp tôi có cảm giác bớt cô độc hơn. Tôi cũng buồn cho MGP, nhưng buồn it thôi, vì đã biết một thực tế mà một số nhà văn trẻ nhận xét về lớp hưu trí, lớp đầu bạc của chúng ta: Đừng cho rằng những người có mái đầu tóc bạc kia đều là người trưởng thành! Buồn nhiều hơn là khi nghĩ về số phận hiện tại và tương lai của lớp con cháu chúng ta, đang và sẽ sống ở VN.
Xin hãy cho tôi biết, tôi phải làm gi để đừng “quanh quẫn với dân chủ, tự do, khai phóng...mà chê bai” ? Vậy phải chạy đến đâu đây? chẳng lẽ lại “ nhào tới độc tài, nô lệ...để tụng ca”?
6. GIÁO DỤC VÀ SỐ PHẬN QUỐC GIA, DÂN TỘC.
Con trai tôi, HQ, ngày còn học Trường Tiểu học ở Đức bị cô giáo lục cặp để xem có lắy cắp cái kéo của bạn cùng lớp hay không (xin xem bài “Trường Học- Danh Dự Dân Tộc” trong mục Giáo Dục), và khi về VN, ngay ngày đầu chuyển từ trường Lê Quý Đôn sang trường Thực Nghiêm Sư phạm, cô giáo hỏi HQ: Có phải bị trường khác đuổi hoc không? Còn con gái tôi, HT, khi cô giáo đọc bài văn tiếng Anh, có ý tưởng hay cô không tin đấy là ý tưởng của một HS lớp 9 và hỏi HT rằng: Ăn cắp ý tưởng ở đâu? Nhưng dù sao tôi thấy các con tôi vẫn còn quá nhiều may mắn là không rơi vào trường hợp của HS ở Hải Phòng bị cô giáo phạt bắt súc miệng bằng nước vắt ra từ giẻ lau bảng hay của HS ở Quảng Bình ngất xĩu vì nhận phạt bằng 231 cái tát của HS cùng lớp.
Bây giờ HQ là Giáo sư Tài chính ở Đại học De Paul Chicago, còn HT là Giáo sư ở Đại học Harvard. Đã hơn chục năm rồi, trải qua bao nhiêu căng thẳng trong việc học tập, nghiên cứu, tìm chổ đứng tốt ở Mỹ, nhưng HQ, HT không hề quên và nhắc lại ký ức buồn như kể trên, làm ngực tôi đau nhói. Dĩ nhiên HQ, HT cũng may mắn học được những Thầy Cô yêu nghề với nhân cách trong sáng, nên cũng thường nhắc lại những ký ức đẹp, vui với các Thầy Cô yêu thích.
Mới đây HQ có chuyến du lịch Châu Âu, khi tôi hỏi HQ có sang Đức không? HQ buồn bã trả lời: Đến giờ này con chưa muốn quay lại Đức. Hành động thiếu tính nhân văn và sư phạm của một Cô giáo Đức cách nay gần 30 năm, như vạch sấm sét đánh vào bầu trời tin yêu-mơ ước trẻ thơ, dọn sạch tình yêu mến một đất nước xinh đẹp và hùng mạnh; và khó có thể đo được mức độ tổn thương trí tuệ và tâm hồn.
*
Chúng ta dễ nhận thấy sự tai hại và phẩn uất ngay lập tức khi một kẻ cướp giật túi xách của người đi đường để cướp tài sản và gây nguy hiểm cho họ, nhưng lại khó nhận thấy sự tai hại còn nghiêm trọng hơn nhiều khi Thầy Cô giáo, bằng suy nghĩ, thái độ, hành động...làm tàn lụi niềm tin về yêu thương, về điều thiện, phá huỷ khát khao, hy vọng về công bằng, tự do...hay dọn sạch ranh giới đúng-sai, sự thật-giả dối, vật chất-tinh thần, thiện-ác, ích kỷ-hiến dâng...để có miền trống cho bọn ích kỷ, tham lam dễ dàng gieo cấy những mầm độc hại và hưởng lợi trong các vụ mùa của chúng.
Chúng ta dễ dàng phẫn nộ những tội phạm cở cấp Bộ trưởng, cấp Tướng như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Vũ Văn Ninh, Hoàng Trung Hải, Đinh La Thăng, Trần Việt Tân, Bùi Văn Thành, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hoá, Phương Minh Hoà, Nguyễn Văn Hiến...đánh cắp và tàn phá tài sản của nhân dân hàng ngàn tỷ đồng, nhưng cũng lại có biết bao nhiêu người trong chúng ta, vì hèn, hoặc vì có chút lợi gián tiếp nào đó, không hề phẫn nộ, mà còn bao che, bênh vực, bảo vệ, thậm chí còn tâng bốc, ca ngợi, vinh danh cho những kẻ có tội lỗi còn khũng khiếp hơn, đó là tội cướp đoạt cơ hội học tập của trẻ thơ, cơ hội phát triển của quốc gia, cơ hội đoàn kết-hoà giải-yêu thương của dân tộc; đó là tội lỗi cướp đoạt sức mạnh phòng thủ quốc gia, cướp đoạt tương lai của thế hệ trẻ...
Vấn đề đặt ra ở đây: Gia đình , dòng họ, bạn bè, thầy cô giáo, cấp trên và thuộc cấp của những kẻ cướp vừa nêu trên, có ảnh hưởng gì đến suy nghĩ, nhân cách, tình cảm... những kẻ cướp đó? có tội lỗi hay không? và nếu có tội, thì ở mức độ nào?
Xin đừng đổ lỗi cho “người khác”, đổ lỗi cho “hoàn cảnh”, mà hãy nghiêm túc xét xem: Trong chúng ta, ai là người không can dự vào sự cướp bóc đó?
Ước mơ của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela về tự do, ...nhìn thấy hậu quả của các nền giáo dục độc tài tàn phá châu Phi ghê gớm như thế nào, chỉ từ những đau xót cùng cực trong nhà tù, chỉ từ sự thấu hiểu nổi đau, hay biến mất của các dân tộc ở châu Phi, nơi sinh sống của tổ tiên loài người chúng ta, nhận biết rõ sự phát triển thần kỳ của các quốc gia có nền giáo dục khai phóng, tự do mới hiểu sâu sắc tầm quan trọng của giáo dục: “ Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà bạn có thể dùng để thay đổi thế giới.”
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân Thu, đoàn Khánh Hoà đã phát biểu trong kỳ họp QH vừa qua một cách bức xúc về tình hình giáo dục, bằng cách trích dẫn ý nghĩ nổi tiếng của Nelson Mandela: “Để phá huỷ bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Bệnh nhân chết dưới bàn tay của các bác sĩ của nền giáo dục ấy. Các toà nhà sụp đổ dưới bàn tay của các kỷ sư của nền giáo dục ấy. Tiền bị mất trong tay của các nhà kinh tế và kiểm toán của nền giáo dục ấy. Nhân loại chết dưới bàn tay của các học giả tôn giáo của nền giáo dục ấy. Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục ấy. Sự sụp đổ giáo dục là sự sụp đổ quốc gia”.
Chúng ta thường đau buồn, bức xúc khi phát hiện những hành vi hay suy nghĩ độc hại, ảnh hưởng xấu, làm suy yếu sức mạnh của cộng đồng, nhưng lại không đau buồn trước thái độ im lặng, dửng dưng một cách hèn nhát, trước các độc hại đó, vì cho rằng nó chưa chạm trực tiếp vào mình. Những ý nghĩ đau đớn hình thành từ hơn một triệu xác thân người Do Thái trong lò hơi ngạt ở Auschwitz, từ cuộc sống còn “đau hơn cái chết” của những người nô lệ sau đây chẳng lẻ không đánh giá được mức độ lỗi lầm của chúng ta, và không soi sáng được chút nào lương tri của chúng ta sao?:
“Nếu bạn chọn thái độ trung lập khi đứng trước bất công, tức là bạn chọn đứng về phe áp bức” (Desmond Tutu - Nobel Hoà Bình 1984) và “Thế giới sẽ không bị huỷ diệt bởi những kẻ tàn ác mà bởi những ai chứng kiến mà không làm bất cứ điều gì” (Albert Einstein - Nobel Vật lý 1921, Nhân vật có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 (Tạp chí Time)).
“Cuộc đời của chúng ta chấm dứt kể từ khi chúng ta im lặng với những điều cần lên tiếng” (M. Luther King - Nobel Hoà bình 1964).
*
Đã tham gia ngành giáo dục gần bốn chục năm, nhìn các quan chức, sản phẩm “top” của nền giáo dục, và thấy có quá nhiều học sinh Việt Nam “tị nạn giáo dục”, tôi lo lắng, tự xét lại bản thân và luôn tự hỏi: Mình có công hay có tội với Tổ quốc đây? liệu hoc trò của mình có thể sẽ là những kẻ cướp như vừa kể ở trên, hay thậm chí, học trò của mình bênh vực, bao che, ngưỡng mộ những kẻ “cướp ngày lẫn đêm” đó (nói theo Thi sĩ Nguyễn Duy)?
Kẻ cướp một mạng người, có tội lớn; kẻ cướp 100 mạng người thì tội lỗi gấp trăm lần. Thật đáng ghê tởm!
Nhưng thử hỏi, nếu một Nhà giáo cướp mất niềm tin vào năng lực bản thân, cướp ước mơ hoài bảo lớn, cướp cơ hội của một học sinh mà tương lai có thể trở thành một người giống như Bill Gates chẳng hạng, thì Nhà giáo đó có công hay tội?
*
[ VỀ BILL GATES
Bill Gates, một doanh nhân có công đóng góp hàng đầu thế giới cho sự phát triển, với cuộc cách mạng máy tính cá nhân, cùng vợ thành lập tố chức Bill & Melinda Gates (BMF), đóng góp hàng chục tỷ Dollars chăm sóc sức khoẻ và giải quyết nạn nghèo đói toàn cầu. Theo thời báo Times, BMF đã cứu ít nhất 700.000 người bằng các chương trình tiêm chủng Vắcxin, còn Geoffrey Cowley viết trên tờ Newsweek ngày 19/12/2005 thì Bill Gates và vợ, Melinda “đã thay đổi lĩnh vực y tế toàn cầu, đẩy lùi các bệnh tật gây ra từ đói nghèo và làm hồi sinh các nguyên tắc hoạt động trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu, từ ký sinh học đến khoa học vắcxin”).
Có phải những người như Bill Gates trong xã hội Tư bản đã cố tránh con đường sản xuất vũ khi lát bằng máu, vạch lối đi mới cho Tư bản, để hai bên lối đi thơm ngát hương hoa nhân ái?]
*
Liệu Thầy Cô giáo cướp đi tài năng, thiện tâm của một người như Bill Gates,
để thế giới này không có Bill Gates như ngày nay, thì...Thầy Cô giáo đó có công hay có tội...Tội lỗi đó có nhỏ hơn so với những kẻ cướp mạng người nêu trên không?
7. Ý NGHĨ VÀ SỐ PHẬN
Tôi viết bài này tại Harvard Commons, ở Harvard Square, nơi tôi đã nhiều lần chứng kiến các cuộc “biểu tình” của người Tây Tạng (Tibet) tha hương, đòi tự do, độc lập, đòi thoát khỏi ách cai trị của Đảng CS TQ, cùng với nhữnh hình ảnh con người...phẫn uất, nhưng bất lực, chỉ còn cách tự thiêu để đốt lên ngọn lữa thiêng, xua đi bóng tối của tù đày, nô lệ; thức tỉnh lương tri của giới cầm quyền Trung quốc và lương tri loài người.
Khi viếng thăm các Viện Bảo tàng lớn ở New York, Boston, Chicago...tôi ngạc nhiên về khu vực và số lượng tác phẩm nghệ thuật của đất nước Tây Tạng triển lảm trong Bảo tàng, luôn lớn hơn và nhiều hơn so với nước Việt Nam của chúng ta...và xem kỷ các tác phẩm nghệ thuật này mới thấy người Tây Tạng thông minh, tài hoa dường nào. Tôi luôn luôn tự hỏi, tại sao một dân tộc có quá khứ tuyệt vời như vậy mà nay lại ra nông nỗi bi thương như thế này?
Những khuôn mặt u buồn đầy nước mắt, tiếng kêu gào uất nghẹn, ánh mắt nhìn vô vọng...của người biểu tình Tây Tạng ở giữa Harvard Square (vùng đất nổi tiếng về tự do trong giáo dục, khu du lịch nổi tiếng thế giới, rất nhộn nhịp, vui tươi), đã luôn luôn ám ảnh tôi. Tôi nghĩ nhiều về bài toán số phận: Số phận của mỗi người chúng ta, của gia đình mình, của Tổ quốc mình, có phải là hệ quả từ suy nghĩ của chính ta không?
Và không ngạc nhiên về lời giải từ số phận của người dân và đất nước: Tây Tạng, Mỹ, Đức, Phần Lan...
Số phận, cuộc đời Bill Gates không thể không liên quan với số phận của gia đình, số phận của bạn bè, thầy cô, số phận của đất nước Mỹ.
Số phận, cuộc đời nữ Thủ tướng trẻ nhất thế giới của Phần Lan, Sanna Marin, 34 tuổi, và TT Merkel, không thể không liên quan với số phận của gia đình, số phận của bạn bè, thầy cô, số phận của đất nước Phần Lan, và Đức.
Tôi lại càng thấm thía hơn khái niệm “số phận” được tạo thành từ ý nghĩ, mà một người Tây Tạng lưu vong nổi tiếng thế giới, Dalai Lama, đã chia sẻ với loài người.
Tư tưởng cô đọng này có lẽ được chắc lọc từ một bể lớn chứa bao ăn năn, nuối tiếc tiếc về ý nghĩ sai lầm của một số người Tây Tạng trước đây, đã suy nghĩ ngây ngô về lời nói hay của đảng điều hành Trung Cộng, chứa bao đau thương, mất mát, uất nghẹn...chứa hàng trăm thân xác tự thiêu của những người Tây Tạng cảm nhận sự nghiệt ngã của thực tại: Sống trong kiếp nô lệ, bị hành hạ đau đớn, chết dần mòn theo thời gian như con thú bị xiềng xích, bị bỏ đói, bị thiêu đốt dưới ánh mặt trời nóng hực, không khốn khổ bằng cái chết tức thì...và cũng chứa bao nỗi đau, hối tiếc của những người Tây Tạng tha hương: Số phận của ta, số phận gia đình ta, số phận tổ quốc-dân tộc ta được hình thành từ mầm ý nghĩ của chính ta!
“Hãy cẩn thận với Ý Nghĩ của bạn, vì chúng sẽ thành Lời Nói. Hãy cẩn thận với Lời Nói của bạn, vì chúng sẽ thành Hành Động. Hãy cẩn thận với Hành Động của bạn, vì chúng sẽ thành Thói Quen. Hãy cẩn thận với Thói Quen của bạn, vì chúng sẽ tạo nên Nhân Cách bạn. Hãy cẩn thận với Nhân Cách của bạn, vĩ nó sẽ tạo nên Số Phận bạn... ” (Dalai Lama).
8. MÔI TRƯỜNG VÀ SỐ PHẬN.
Nhà khoa học Mỹ Jared Diamond, người được xem thuộc hàng ngũ những nhà tư hiện đại có nhiều ảnh hưởng nhất ở Mỹ, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Guns, Germs and Steel (Súng, Vi trùng và Thép)”, cuốn sách đoạt giải thưởng Pulitzer, đã tóm tắt cuốn sách này theo đề nghị của các ký giả: ”Diễn trình lịch sử của mỗi dân tộc một khác, đấy là do sự khác biệt gữa môi trường sống của các dân tộc, chứ không phải do sự khác biệt về sinh học giữa bản thân các dân tộc đó ”.
Môi trường sống, theo tôi, không chỉ là môi trường thiên nhiên phụ thuộc vào vị trí địa lý, mà còn bao gồm môi trường văn hoá, xã hội, kinh tế, giáo dục, y tế, pháp luật, ...
Môi trường gồm những gì ta nhận biết bằng năm giác quan như không khí ta thở, nguồn nước ta uống, thực phẩm ta ăn, thuốc men ta dùng khi gặp bệnh, ngôi nhà ta ở, phương tiện giúp ta di chuyển, tiền bạc ta có, không gian ta tập thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khoẻ, ngôi trường nhỏ hay lớn mà ta học, phương tiện ta dùng để vui chơi, giải trí, mà còn bao gồm những gì khó nhận biết bằng năm giác quan hơn... liên quan đến quan hệ xã hội giữa người với người, như cấu trúc nhà nước mà ta có quyền xây dựng hay không; có động lực gì trong phát triển kinh tế; quyền tư hữu; quyền làm người có theo tiêu chuẫn phổ quát của nhân loại không; những người có đức tin khác nhau có thể sống bình yên, hoà hợp không; ai nuôi dưỡng quân đội và quân đội bảo vệ ai; mức độ bảo đảm an toàn cho cuộc sống; phạm vi quyền và nghĩa vụ..và cũng còn bao gồm rất nhiều thứ phức tạp và trừu tượng hơn...như khí độc của hận thù; sự vô minh tăm tối; phạm vi nhiểm độc, tàn phá của các con bệnh tinh thần nghiện quyền lực, danh vọng, vật chất xa xĩ; độ bao phủ của sự lường gạt, dối trá lẫn nhau trên không gian truyền thông; ánh sáng của trí tuệ; năng lượng của tình thương; sự cảm thông; lòng bao dung; sự kỳ bí của linh hồn, bản ngã.Tất cả những thứ tạo thành môi trường sống ấy sẽ định hình số phận tương lai của dân-tộc-đất-nước-Việt Nam của chúng ta.
Thời niên thiếu tôi sống trong “vùng giải phóng” ở làng Nghĩa Lâm miền Tây Quảng Ngãi, và đã trải qua bao nỗi kinh hoàng trong bom đạn chiến tranh. Hai lần tôi tránh được hiểm nguy tan xác bằng bom 500, một lần tránh đươc cái chết bằng bom B 57 thả ngay hiên nhà, và một lần tránh được cái chết bỏng bằng bom Napal đốt cháy cả nhà lẫn vườn. Không biết có ân huệ kỳ lạ huyền bí nào giúp tôi thoát chết nhiều lần lưởi hái của chiến tranh hay không, vì cái chết của người dân ở đây xảy ra hằng ngày, hằng đêm, bằng đủ mọi công cụ chiến tranh. Làng quê tôi cũng từng xơ xác vì bom hoá học chứa Dioxin...
Thê hệ chúng ta, thuộc lớp niên thiếu trong cuộc chiến trước 1975, đã đón nhận “gia tài” (theo cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) của cha ông để lại là một môi trường chiến tranh khốc liệt, đầy đạn bom, đầy lòng thù hận, tàn phá và chém giết. Không thế hệ nào thấm thía nỗi đau bằng thế hệ chúng ta: “Gia tài của mẹ để lại cho con...gia tài của mẹ la nước Việt buồn”! (Trịnh Công Sơn).
Nhưng gần nửa thế kỷ sau chiến tranh, giai đoạn hoà bình, thế hệ chúng ta đã làm được gì cho con cháu? Chúng ta đã để lại tài sản gì hay môi trường sống gì cho thế hệ trẻ, thế hệ con cháu chúng ta? Tại Harvard Square này, nơi tôi đã từng bị ám ảnh những tiếng thét vô vọng, những tiếng khóc trong khi cạo trọc đầu của những người Tây Tạng biểu tình đòi độc lập, tự do cho Tibet, tôi lại nghe vọng đến từ VN, phía bên kia trái đất, tiếng hát nấc nghẹn đau thương của một nhạc sĩ lứa tuổi con tôi, Lê Cát Trọng Lý, hát thay cho rất nhiều bạn trẻ biết nghĩ suy về số phận quốc gia, dân tộc... ”chưa ai hát câu ca ... về một miền tự do” (trong bài ‘chưa Ai’). “thương ta...thương ta hết kiếp này, thương cho đêm không tan... ngày không úa ” (Mùa Yêu).
Chúng ta có tội lỗi như thế nào khi để lại cho lớp con cháu chúng ta môi trường sống độc hại, chúng không thể khẳng định giá trị cá nhân được, bị vứt bỏ...không có chuyến xe nào, không có cơ hội nào đưa lớp trẻ đầy sức sống, đến chân trời mơ ước, không có môi trường sống trong sạch, công bằng, trật tự để thế hệ trẻ làm được người lương thiện, làm được người bình thường, làm được người tỉnh táo (chứ chưa dám nói làm được người ưu tú, thông minh sáng tạo)...để không còn cách nào khác buộc các em phải đau xót gào lên..”tôi thèm làm người điên”!? (trong bài “Nghe Tôi Kể Này”)
Trời ơi! Tuổi trẻ tài hoa, mùa xuân đất nước, mà thèm có tâm thế của người điên thì tổ quốc, dân tộc này sẽ ra sao hởi trời?!
Harvard Commons - Harvard Square, Cambridge, MA, USA,
15/12/2019.
CL.
Dr. Nguyễn Chí Long
E-mail: nguyen.c.long@gmail.com
Tổng truy cập: 188,945
Đang online: 3