ƯỚC MƠ LỚN TỪ 57 XU
Hattie May Wiatt (16/05/1877-16/03/1884), bé gái của một gia đình nghèo, sống bên cạnh nhà thờ Grace Baptist, thuộc bang Philadelphia, Mỹ.
Hattie May Wiatt
Vào một ngày chủ nhật thuộc một trong những năm đầu của thập niên 1880, bé Wiatt, lúc đó chưa đầy năm tuổi, vào nhà thờ để tham dự Lớp Học Chủ Nhật. Phòng học quá nhỏ nhưng lại có rất đông học sinh tham dự nên bé Wiatt không những không thể chen được vào lớp mà còn bị đẩy ra ngoài. Bé đứng gần cửa nhà thờ, dáng vẻ thất vọng, khuôn mặt ướt đẫm nước mắt với đôi mắt buồn đăm đăm nhìn vào lớp học. Mục sư Russell H. Conwell, người cai quản nhà thờ, đi ngang qua và nhận thấy tình cảnh của bé Wiatt, ông đến ôm bé vào lòng, và để có thể đưa bé vào được lớp học, ông đặt cô gái bé bỏng lên vai rồi len lỏi vào trong; rất khó khăn mới tìm được một chổ ngồi trong góc tối cho cô bé. Ông an ũi cô bé: “Khi quyên góp đủ tiền, chúng ta nhất định sẽ xây dựng một Lớp Học Chủ Nhật to hơn nữa, đủ chổ cho tất cả các con muốn theo học.”(“When we get the money we will construct one large enough to get all the children in”)
Khuôn mặt bé Wiatt bỗng rạng rỡ cùng với lời thì thầm bên tai mục sư: “Con hy vọng ngài làm được như vậy. Lớp học hiện nay chật chội và đông quá...đến nổi con sợ đến lớp một mình”(“I hope you will. It is so crowded that I am afraid to go there alone”).
Thời gian gần hai năm trôi qua, kể từ khi mục sư Conwell hứa và gieo ước mơ, hy vọng vào tâm hồn cô bé Wiatt, không có gì thay đổi, nhà thờ và cả Lớp Học Chủ Nhật vẫn vậy; chỉ có điều bi thảm đến với bé Wiatt và nỗi buồn đau cùng những giọt nước mắt tiếc thương đến với mục sư Conwell và gia đình bé Wiatt: bé Wiatt bị bệnh bạch hầu và lìa đời.
Biết được tình cảm yêu quí của bé Wiatt với Lớp Học Chủ Nhật của nhà thờ và với mục sư Conwell, gia đình bé Wiatt đã mời mục sư chủ trì tang lễ cho bé.
Sau tang lễ, cha mẹ của bé Wiatt trao cho mục sư Conwell một chiếc ví củ đã sờn rách, bên trong có 57 xu, số tiền bé Wiatt, được gia đình hết lòng yêu thương hỗ trợ, đã dành dụm trong gần hai năm để cùng thực hiện mơ ước với mục sư Conwell, mà bé luôn cất giữ cẩn thận dưới gối ngũ của mình. Cùng với tờ giấy xé nham nhỡ chứa dòng chữ nguệch ngoạc, hàm chứa ước mơ cao quí: “Để giúp đỡ xây dựng một nhà thờ lớn hơn cho nhiều đứa trẻ có thể đến Lớp Học Chủ Nhật.”(“To help build bigger so that more children can go to Sunday school.”)
Bé Wiatt đã rời cõi người ra đi vĩnh viễn lúc chưa đầy bảy tuổi, nhưng ước mơ xây dựng một Lớp Học Chủ Nhật to lớn, hình thành từ thiện tâm của mục sư Conwell truyền đến bé vẫn còn đó; tình yêu thương của bé dành cho các bạn cùng trang lứa vẫn còn đó...lấp lánh trong 57 xu, cuồn cuộn tình yêu thương và sức sống trong dòng chữ mới tập viết.
Thực ra, 57 xu, nhỉnh hơn nửa đô la, không phải là số tiền không đáng kể đối với một gia đình nghèo vào thập niên 1880; nhưng đối với việc xây dựng nhà thờ tốn hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn đô la thì 57 xu chỉ là epsilon, là nhỏ, quá nhỏ bé.
*
May mắn thay, hạt mầm ước mơ 57 xu của bé Wiatt được trao cho mục sư Conwell. Ông mang chiếc ví củ chứa 57 xu và mảnh giấy nhỏ vào bục giảng kinh cho giáo dân nhìn tận mắt và kể chuyện về bé Wiatt. Ước mơ xây dựng một nhà thờ lớn hơn, Lớp Học Chủ Nhật lớn hơn phục vụ nhân dân, trở thành nguồn cảm hứng chứa đầy năng lượng sống trong chính ông, rồi được ông truyền đến nhiều người.
*
Để có nhà thờ lớn, trước tiên phải có đất rộng...và mảnh đất rộng đầu tiên mà nhà thờ có được cũng là món quà kỳ diệu tạo nên từ ước mơ của bé Wiatt: “Câu chuyện về 57 xu” trong sách “Những cánh đồng kim cương” của Russell H Conwell cho biết, 57 xu, món quà đầu tiên cho việc đề xuất gây quĩ xây dựng nhà thờ mới đã chinh phục được ông chủ mảnh đất lớn, nơi nhà thờ nhỏ đang toạ lạc (ông chủ mảnh đất này không phải là thành viên của nhà thờ, cũng không thích đi đến nhà thờ) về giá trị lớn lao của 57 xu. Ông đồng ý bán mảnh đất giá 10.000 đô la với món tiền nhận trước là 57 xu của bé Wiatt, và toàn bộ số tiền còn lại nhà thờ sẽ trả dần với lãi suất 5% năm.
Ước mơ của bé Wiatt đã truyền cảm hứng, chinh phục thiện tâm, tạo sức sống của hành động thiện nguyện... một cách lớn lao trong cộng đồng nên chẳng lâu sau đó nhà thờ quyên góp được 10.000 đô la và trả hết cho chủ đất, ông chủ đất cũng trao lại nhà thờ 57 xu quí giá của bé Wiatt.
Có đất cho nhà thờ là một thành công lớn, nhưng việc xây dựng nhà thờ lại vô cùng tốn kém. Mục sư Conwell cùng nhóm giúp việc thiện nguyện ban đầu (mà về sau hình thành tổ chức “Wiatt Mite Society” mang tên cô bé Wiatt) đã có sáng tạo tuyệt vời, đổi 57 xu thành từng xu lẻ, xu Wiatt, và rao bán cho công chúng.
Đối với những người giàu lòng nhân ái, dám hy sinh cho thế hệ trẻ có cuộc sống tốt đẹp hơn, biết trân quí ước mơ, hy vọng, biết giá trị của công việc thiện nguyện phục vụ cộng đồng... sẽ vô cùng hạnh phúc khi bỏ ra nhiều đô la để có thể cầm nắm, chiêm ngưỡng một đồng xu Wiatt, đồng xu đang lấp lánh ước mơ tốt đẹp, và như thế, chẳng bao lâu sau, nhà thờ thu về ngay được 250 đô la, và đặc biệt hơn nữa là thu về cả 54 xu gốc (được hiến tặng lại - 54 xu Wiatt này được lưu giữ ở phòng triển lãm). Sau đó, 250 đô la lại được đổi thành từng xu lẻ, cũng là xu Wiatt, và rao bán tiếp. Bằng cách này, số tiền 57 xu của bé Wiatt lớn dần theo cấp số nhân. Trong khoảng thời gian 5 năm, số tiền đã lớn thành 250.000 đô la.
Ước mơ của bé Wiatt từ 57 xu dần dần trở thành hiện thực như một chuyện cổ tích: thành phố Philadelphia không những chỉ xây thêm được Trường Học Chủ Nhật cho hàng trăm học sinh, mà còn xây dựng được một nhà thờ mới, về sau mang tên Temple Baptist, sức chứa hơn 3000 người, xây được trường Đại học Temple qui mô hơn 1400 SV và bệnh viện Good Samaritan chữa bệnh cho hàng ngàn người.
Chúng ta thử nghĩ và suy đoán, nếu 57 xu của bé Wiatt được trao cho một người nào đó, không phải mục sư Conwell, ở một nơi nào đó, không phải trên vùng Philadelphia của Mỹ, thì số phận 57 xu sẽ như thế nào?
Rất nhiều người trong chúng ta đã từng thấu hiểu nổi đau thương, bất hạnh của người dân ở những nước mà phần lớn công chức, những người được nuôi dưỡng bằng tiền đóng thuế của dân, được giao sứ mệnh phục vụ nhân dân, không những không biết trân quí giá trị của từng đồng tiền thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả xương máu, của dân đóng góp phục vụ cộng đồng, không những không biết sử dụng hiệu quả nhất tiền thuế của dân trong xây dựng và phát triển đất nước; trong những mục tiêu tốt đẹp phục vụ thế hệ tương lai...mà còn xem những đồng tiền ấy như tài sản riêng của mình; dùng tiền thuế của dân để xây dựng hệ thống quyền lực kiểu maphia và tiêu xài phung phí chỉ để phục vụ cho dục vọng, tham lam, ích kỷ của cá nhân, của gia đình, họ tộc và của nhóm cùng lợi ích...nên sẽ vô cùng kính phục mục sư Conwell, và cũng không ngạc nhiên khi biết rằng rất nhiều người dân trên thế giới xem nước Mỹ là vùng đất hứa.
Những kẻ không biết quí trọng từng đồng tiền thuế của dân thì xem 57 xu, chẳng hạn 57 xu Wiatt, chẳng đáng giá gì, chẳng có ý nghĩa gì; chẳng có thể làm được gì...đó là những kẻ được nuôi lớn trong một môi trường xã hội chi phối bởi nhận thức: vật chất quyết định tất cả, chi phối tất cả.
Họ đã đánh đổi những thứ quí giá của tâm hồn để lấy vật chất, tiền tài, danh vọng phù du, họ tham lam quyền lực nhằm chiếm lĩnh nhiều vật chất hơn, nên không thể nhận biết được giá trị và sức mạnh vô hình của tình thương, niềm tin, ước mơ, hy vọng...trong 57 xu ấy; và cái mầm ước mơ 57 xu được gieo trong môi trường xã hội này sẽ chẳng có ý nghĩa gì, sớm héo tàn như hạt mầm gieo trên vùng cát nóng. Môi trường xã hội này phát sinh đầy dẫy những nghịch lý và dối trá, nguồn cơn bào mòn niềm tin và hy vọng ở tương lai của người dân lương thiện, nên các hoạt động thiện nguyện, quá lắm cũng chỉ có thể tồn tại, chứ không thể nào làm nên kỳ tích.
Khác xa với những kẻ vô minh, tôn thờ và chi phối bởi chủ nghĩa vật chất, mục sư Conwell, một luật sư, một nhà giáo dục chân chính, với tấm lòng nhân hậu, với suy nghĩ tích cực tràn đầy yêu thương dành cho các thế hệ mai sau, minh triết với lẽ sống phục vụ con người,...đã nhận thấy giá trị lớn lao, và ánh sáng lấp lánh kỳ diệu của 57 xu trong chiếc ví sờn rách của bé Wiatt như những hạt kim cương.
Cuộc đời của bé Wiatt quá ngắn ngũi, chỉ hơn sáu năm, nhưng chính mục sư Conwell và những người nhận thức được giá trị kim cương của 57 xu, đã biến cuộc đời của bé thành một di sản văn hoá, một di sản lẽ sống vững bền, và biến ước mơ của bé thành hiện thực, một hiện thực đẹp đẽ, lưu giữ đến muôn đời.
Chắc chắn rằng, trên thế giới này có hàng triệu em bé mang theo ước mơ tốt đẹp như bé Wiatt, chỉ có điều, làm cách nào để có được nhiều người như mục sư Conwell và có môi trường xã hội tự do, cùng với đầy đủ các điều kiện nuôi dưỡng, phát triển những chồi non của tình thương, niềm tin, ước mơ, hy vọng...để ước mơ của các em có thể trở thành hiện thực.
CL. 01/2023
Dr. Nguyễn Chí Long
E-mail: nguyen.c.long@gmail.com
Tổng truy cập: 188,929
Đang online: 8