MỖI HỌC SINH LÀ MỘT KHO BÁU

Bài nói chuyện với toàn thể Học sinh trường PTTH TRẦN NHÂN TÔNG TP. HCM. của Thầy Nguyễn Chí Long.

BÀI NÓI CHUYỆN VỚI HỌC SINH

TRƯỜNG THPT TRẦN NHÂN TÔNG TP.HCM.

Buổi Chào Cờ 22-10-2018

---------------------------------------

Dr. Nguyễn Chí Long.

 

Nội dung:

1. Tầm quan trọng của học tập.

2. Gợi ý về phương pháp học tập hiệu quả.

 

Kính chào các Thầy Cô …. Xin chào các em HS yêu quí!

Hôm nay tôi rất tự hào, rất vui khi được Ban Giám Hiệu đề nghị tôi trao đổi trực tiếp với HS toàn trường về một chủ đề hết sức quan trọng và thiết thực, đó là: Tầm quan trọng của việc học tập và phương pháp học tập.

Các em HS trường Trần Nhân Tông yêu quí! Hôm nay, ngày 22-10-2018, xin các em ghi nhớ kỹ ngày này, một ngày rất đặc biệt, mà các em chưa từng trải qua. Thầy tâm tình với các em, vừa với tư cách một người Thầy, một người cha, một người anh đi trước, và vừa với tư cách một người bạn của các em. Theo Thầy đây có lẻ là một buổi nói chuyện hết sức đặc biệt mà từ trước đến giờ các em chưa từng được nghe, có thể đối với một số em, hôm nay cũng là ngày bình thường như những ngày khác, nhưng có lẻ, đối với một số em khác, ngày hôm nay có một ý nghĩa đặc biệt, một ngày rất quý giá , một ngày kỳ diệu, và thậm chí cũng có thể là một ngày thiêng liêng thay đổi cuộc đời các em…   

Trước tiên Thầy xin phép hỏi các em câu hỏi số 1: Trong trường ta có bao nhiêu em đã và đang ấp ủ một ước mơ? Xin giơ tay (Nhờ các Thầy Cô Quản Nhiệm đếm và ghi nhận số lượng “ƯỚC MƠ” của lớp mình.)

…..

         Trong số em có ấp ủ ước mơ, Thầy hỏi tiếp câu hỏi số 2: Vậy ước mơ của em là gì?

         Vâng, một nam sinh cho biết em có ước mơ làm “lập trình viên”, và một nữ sinh có ước mơ “trở thành cô giáo”…giỏi lắm, cám ơn các em. Thầy thấy có nhiều em    không giơ tay, các em không có ước mơ sao?

Chắc chắn các em cũng tò mò muốn biết, ngày xưa ở lứa tuổi các em, Thầy có ước mơ gì?

Xin “bật mí” cùng các em: Lúc nhỏ, ước mơ đầu tiên của Thầy là “làm sao có thể bay được như chim”, để có thể đến những miền đất lạ, khám phá những điều mới mẻ. Thuở đó, lúc còn thơ, Thầy nghĩ rất đơn giản, nếu có cặp cánh giống chim thì mình sẽ bay được, và Thầy đã đi lượm khắp nơi lông gà, lông ngỗng dây chuối và nan tre, bệnh thành hai cánh, móc vào hai tay giống như hai cánh chim, vừa chạy dài trên triền sông dốc của dòng sông Trà vừa đập mạnh cánh tay như hai cánh chim, nhưng…các em biết sao không? Thầy thử nhiều lần nhưng vẫn không thể bay lên được, nhiều lúc cánh tay mõi nhừ, dây buộc siết vào cánh tay tứa máu, và lần thử cuối cùng bị rơi xuống bờ hố triền sông, ngất xỉu.

Khi Thầy được người cô đưa vào Sài gòn bằng máy bay năm 1969, Thầy đã đánh mất ước mơ ”muốn bay được như chim” của mình và có ước mơ khác: “Trở thành một Thầy giáo giỏi, được HS yêu mến”, và vì mê họa phẩm nàng “Mona Lisa” của Leonardo Da Vinci, Thầy cũng đã ước mơ được đến Paris, vào viện bảo tàng Louvre, xem trực tiếp họa phẩm lừng danh này.  Hai ước mơ sau, đến lúc này, có thể nói rằng Thầy đã đạt được. Học trò của Thầy bây giờ không chỉ là các em học sinh phổ thông mà còn là những Thầy Cô giáo dạy khắp nơi ở các trường THPT. Thầy có rất nhiều HS thành đạt, đã trở thành bác sĩ, kỷ sư, giáo sư… đang làm việc khắp nơi trên thế giới. Năm 1996, khi đến thăm Viện Bảo Tàng Louvre ở Paris, đứng chen trong đám đông du khách trước họa phẩm “Mona Lisa”, một di sản quí giá của nhân loại, được bảo vệ nghiêm ngặt…không thể nào diễn tả hết được cảm xúc về nổi vui mừng, niềm tự hào và hạnh phúc của Thầy khi Thầy hồi tưởng lại ước mơ của mình hơn ba mươi năm trước đây, bây giờ đã thành hiện thực.

Tại sao một số các em ở đây lại không ấp ủ một ước mơ nào? Vậy bán cầu nảo phải của em dùng để làm gì? Không có ước mơ, các em không cảm thấy cuộc sống đơn điệu, buồn tẻ hay sao?

Có thể khẳng định chắc chắn rằng, ở lứa tuổi các em, Thầy thua xa tất cả các em ngồi ở đây. Thầy biết rằng có em ngồi dưới kia không có cha hoặc không có mẹ sống cùng, thậm chí có em sống với ông bà mà không được sống cùng cha mẹ. Có em thiếu thốn tình thương và sự chăm sóc của những người thân yêu. Ngày xưa, không có cha, mẹ, Thầy cũng sống với  ông bà, Cha Thầy đi “Tập Kết” ra Bắc, mẹ Thầy vào chiến khu tham gia “Mặt trận giải phóng”. Thầy cũng đã từng chăn bò, tự trồng khoai trồng sắn để sống, đã từng có thời gian thất học, từng bị bệnh …đến độ gầy còm, da vàng … mà bà ngoại Thầy nhiều lúc không dám tin rằng Thầy có thể vượt qua cái chết. Khi từ vùng chiến tranh miền Tây Quảng Ngãi vào Sài gòn, Thầy phái “học nhảy”, nghĩa là phải mua khống học bạ các lớp Đệ Thất, Đệ Lục, Đệ Ngũ để có thể học Đệ Tứ (tức là nhảy ba lớp 6, 7, 8 để vào học lớp 9), vì thời đó học trể so với tuổi là sẽ bị bắt đi lính. Trong những ngày đầu học lớp Đệ Tứ (tức lớp 9 ngày nay), khi  Thầy giáo Pháp văn điểm danh, Thầy còn chưa biết từ “present” (có mặt) hoặc “absent” (vắng mặt). Thời gian ấy, Thầy cũng đã từng bị bạn cùng lớp coi thường, từng cô đơn, đôi khi cảm thấy tuyệt vọng. 

Tình cảnh như thế nhưng Thầy vẫn dám ước mơ và kiên trì  học tập để đi đến đích ước mơ của mình. Thế tại sao các em lại không có ước mơ? không dám ước mơ?

Ước mơ là gì? Là mong muốn tha thiết một điều gì đó, một thứ gì đó …tốt đẹp trong tương lai và nó có vẻ như vượt ra ngoài khả năng đạt được của ta.

Ước mơ cuốn hút chúng ta say mê học tập, kiên trì tìm tòi, nghiên cứu.

Ước mơ là mục đích của khát vọng sống mà chúng ta luôn luôn hướng tới.

Ước mơ giúp con người nuôi dưỡng niềm tin và tạo thành sức mạnh, vượt qua những trở ngại, khó khăn trước mắt để tiến dần đến mục tiêu đề ra.

Ước mơ là động lực tiến hóa của loài người và làm cho nhân loại trở thành vĩ đại.

Các em HS yêu quí! Cuộc sống của con người là sự kỳ diệu, thiêng liêng, phong phú,… có biết bao điều kỳ bí…giống như lăng kính vạn hoa, đầy sắc màu rực rỡ, và lăng kính ấy nằm trong thế giới của ước mơ và khát vọng.

…………………………………….

Câu hỏi số 3 của Thầy: Các em có biết Thầy Nguyễn Ngọc Ký?, có biết  cô Susan Boyle, ca sĩ người Scotland không? Có biết Nick Vujicic, một người Úc, thiếu cả chân tay  không? (Xin Thầy Cô giáo QN ghi lại rõ số lượng biết).

Thầy Nguyễn Ngọc Ký: Năm lên 4 tuổi bị bệnh nặng, liệt cả hai tay. Đến tuổi đi học, tay cậu bé Ký không viết được nên không thể đến trường như các bạn cùng lứa, nên có ước mơ “được đi học” và chỉ lân la bên ngoài lớp, học ké và về nhà kiên trì tập viết bằng chân. Chắc các em hình dung được sự khó khăn thế nào, khi dùng chân để viết. Nhờ sự cố gắng tuyệt vời đó, Ký được đi học và học rất giỏi; đã từng đứng thứ năm trong một kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc.

Mặc dù bệnh tình luôn đe dọa mạng sống, nhưng với niềm tin vào bản thân và khát vọng sống có ý nghĩa, Thầy Ký đã tốt nghiệp Đại học Tổng Hợp Hà Nội ngành Ngữ văn, đã trở thành Nhà giáo ưu tú, đã có hơn 1500 buổi nói chuyện với các em HS; Thầy Ký đã nói: “Nhờ nghề giáo mà tôi thực hiện được ước mơ hoài bảo của mình, tham gia đóng góp được nhiều cho xã hội.”

Thầy ký được mọi người yêu mến, ngưỡng mộ và cảm phục về nghị lực phi thường vượt lên số phận.

 Cô Susan Boyle: Cô được sinh ra trong ca sinh nở khó khăn của mẹ khi đã lớn tuổi, não cô bị thiệt hại vì thiếu oxy. Do đó trong suốt thời thơ ấu cô gặp nhiều khó khăn trong việc học, tiếp thu chậm, bị bạn bắt nạt và chế giễu. Trong một cuộc thi tuyển lựa tài năng “Britain’s Got Talent” năm 2009, khi mới xuất hiện, với thân hình béo phì, mái tóc rối xù, bộ điệu ngượng nghịu, lại trả lời đầy tự tin khi Ban giám khảo hỏi về ước mơ của cô: “Tôi muốn trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp”, đã gây ra một số tiếng huýt sáo chế giễu và sự hoài nghi của Ban giám khảo. Tuy nhiên khi cô cất tiếng hát, cả hội trường sững sốt, và sau đó cổ vũ nồng nhiệt. Cô được cả ba Giám khảo công nhận tài năng. Video thu lại buổi thi này đăng lại trên Youtube, chỉ hai tuần sau đã được hơn 100 triệu người khắp nơi trên thế giới truy cập, phá vỡ mọi kỷ lục trước đó.

Nick Vujicik (NV): được sinh ra ở Úc, thiếu những bộ phận cần thiết nhất của một con người: không có đôi tay, không có cả đôi chân, chỉ một khúc chân nhỏ, ngắn, thòi ra với hai ngón chân. Để có thể tồn tại trên cuộc đời này, NV phải đối chọi với muôn vàn khó khăn, vất vả; đã nhẫn nại, kiên trì, bền bỉ tập luyện để có thể sống  độc lập như một người bình thường, không phụ thuộc vào sự giúp đở của người thân. NV cũng đã từng tuyệt vọng, cô đơn, bế tắc khi tự xem dáng hình bất thường, thiếu sót của mình và khi bị bạn cùng lứa coi thường, chọc ghẹo, chế giễu, xa lánh…

NV đã từng tự hỏi về mục đích sống:

                 Liệu cuộc sống của mình có ý nghĩa gì hay không?

NV rất chăm cầu nguyện Chúa, ban cho anh đôi chân và đôi tay…nhưng lời cầu nguyện của NV không được hồi đáp…(làm sao Chúa có thể cho anh đôi tay, đôi chân, vì có thể, đối với những ai có niềm tin Chúa, NV là ...sản phẩm đặc biệt của Đấng Tạo Hóa đưa ra để thử đo độ lớn của nghị lực con người).  Điều kỳ diệu của niềm tin và khát vọng sống có thể có con đường đi rất riêng mà không ai có thể biết trước được.  Đến khi NV đọc được bài báo viết về một người khuyết tật vượt qua khó khăn như thế nào. Nguồn cảm hứng của bài báo đã làm thay đổi cuộc đời NV. NV say mê, kiên trì, nhẫn nại học tập và đã tốt nghiệp Đại học năm 21 tuổi, với tấm bằng kép về ngành kế toán và kế hoạch tài chính.

NV đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận “Life Without Limbs” (cuộc sống không tay chân), và là một diễn giả đi khắp các Châu lục truyền cảm hứng về động lực sống, với hơn 1600 bài nói chuyện cho hơn ba triệu người.  Năm 2005, NV nhận giải thưởng “Thanh Niên Của Năm” của Úc. NV còn viết nhiều sách và sản xuất nhiều DVD có giá trị như “Cuộc sống không giới hạn” (Life Without Limits), “Không Giới Hạn” (Limitless), “Không Thể Bị Cản” (Unstoppable), “Mục Đích Lớn Hơn Của Cuộc Sống” (Life’s Greater Purpose), “Không Tay, Không Chân, Không Lo Lắng: Phiên Bản Tuổi Trẻ” (No Arms, No Legs, No Worries: Youth Version), …. Thu nhập của NV hàng năm cả triệu USD; năm 2012, NV đã kết hôn với một thanh nữ xinh đẹp tên Kanae Miyahara, mang hai dòng máu Mexico-Nhật. Hiện nay NV sống cùng vợ, hai con trai và hai con gái ở California Mỹ.

Lạc quan, yêu cuộc sống mãnh liệt, nghị lực phi thường vượt qua khó khăn trở ngại của NV đã làm cả thế giới xúc động và ngưỡng mộ.

Các em có biết, khiếm khuyết lớn nhất của con người, theo Nick Vujicic, một người không có chân, không có tay, là gì không?...đó không phải là khiếm khuyết về mặt thế xác, mà là về mặt tinh thần…khiếm khuyết đó chính là… là quyết định đầu hàng số phận.

Theo Thầy, khiếm khuyết lớn nhất của một con người là khiếm khuyết ước mơ, hoài bảo lớn, khiếm khuyết mục đích sống đẹp, mục đích sống có ý nghĩa.

Cuộc sống buông xuôi, sống ngày nào hay ngày đó, không có ước mơ hoài bảo, không có đích đến ở tương lai, mỗi ngày trôi qua không mang lợi ích gì mới cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, thì đó chỉ là sự tồn tại, không phải là cuộc sống có ý nghĩa.

Các em có muốn biết ước mơ ngay lúc này của Thầy là gì không?

Là tất cả chúng ta vui, khỏe, yêu người, yêu đời…, và một ngày nào đó, có thể 10 năm, hay nhiều chục năm sau, 220 học sinh Trần Nhân Tông đang ngồi dưới sân trường này, đến thăm các Thầy, nếu các Thầy còn sống, hay đến thăm mộ Thầy, nếu các Thầy đã ra đi, hoặc đơn giản hơn, chỉ cần gọi tên Thầy và thầm nói rằng: “Thưa Thầy, Con đã thành công trên cuộc đời, cám ơn các Thầy đã truyền cảm hứng, niềm tin, tình thương yêu, sức mạnh nội tâm, trí tuệ…  để con có lòng đam mê học tập, có nghị lực chinh phục và vượt qua khó khăn, và đã đạt được từng mục tiêu của cuộc sống. Cuộc sống của con có giá trị, có ý nghĩa. Con đã ghi dấu ấn cá nhân con trên cuộc đời này. Thầy đã từng đặt niềm tin ở HS của mình và giờ đây Thầy có thể vui và tự hào về điều đó.”

Các em có biết câu chuyện cụ Tiệp và kho báu Núi Tàu hay kho báu Yamashita, huyện Tuy Phong, Bình Thuận không? Cụ Tiệp qua đời năm 2016, kho báu (số vàng khoản 4000 tấn, có giá trị tương đương khoảng 100 tỷ USD mà quân đội Nhật đã lấy của các nước ở Châu Á trong thời gian 1944-1945) mà cụ tin là Đô đốc Yamashita, Tư lệnh quân đội Nhật ở Châu Á Thái Bình Dương, khi đầu hàng quân Đồng Minh, đã chôn dấu ở núi Tàu, đã chưa được tìm thấy, trong khi cụ đã bỏ ra một tài sản lớn khoản 1000 lượng vàng và nửa cuộc đời tìm kiếm. Con đường đi đến kho báu của cụ đã lệch hướng.

Câu hỏi số 4 của Thầy: Các em có muốn cùng Thầy đi tìm kho báu không? Ai muốn, đề nghị giơ tay (Xin Thầy Cô GVQN ghi số lượng )

Bây giờ Thầy muốn cho các em biết một bí mật, không phải kho báu Núi Tàu, mà về các kho báu khác…

Mỗi các em là một kho báu.

(Thân thể của em là một kho báu!

Tâm hồn của em là một kho báu!

Trí tuệ của em là một kho báu!)

Ba kho báu tạo thành một kho báu lớn, quí giá trong mỗi HS của trường Trần Nhân Tông này.

Bây giờ Thầy đề nghị tất cả các em nhắm mắt lại, tay phải đặt trước ngực, tay trái đặt trên đầu và đọc ba lần câu thần chú sau:

“HÃY TIN RẰNG CHÍNH TA LÀ  MỘT KHO BÁU”.

“HÃY TIN RẰNG CHÍNH TA LÀ  MỘT KHO BÁU”.

 “HÃY TIN RẰNG CHÍNH TA LÀ  MỘT KHO BÁU”.

…………………………….

Mỗi HS TNT phải biết cách khám phá, khai thác kho báu của bản thân mình.

Trường Trần Nhân Tông phải biết cách giúp các em đi tìm kho báu của mình.

Các em chỉ có thể khám phá và khai thác kho báu của mình bằng con đường học tập, học tập với niềm say mê và quyết tâm cao, với một ý thức độc lập, tự do và lòng tự trọng, cùng với niềm tin vào năng lực bản thân và một ý chí phấn đấu không mệt mõi và luôn tâm niệm rằng “không gì là không thể”.

Các em hãy luôn suy nghĩ về ý tưởng của Nhà giáo dục  V.A. Sukhomlynsky (1918-1970-người Ucraina): “Con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để lưu lại dấu ấn trên trái đất này và trong trái tim người khác.

Và cũng cần nhớ ý tưởng tuyệt vời của Thi sĩ Nga A. S.  Pushkin (1799-1837): “Chỉ có ý thức độc lập và lòng tự trọng mới nâng chúng ta lên trên những nhỏ nhen của cuộc sống và những bảo táp của số phận.”

Thầy vừa trao đổi với các em về con đường khám phá kho báu của chính mình, cách thức biến ước mơ, hoài bảo thành hiện thực: Đó chính là học tập, học tập, và học tập….

Có ước mơ, hoài bảo thì thật tuyệt vời. Nhận thức được rằng “chính ta là một kho báu” càng tuyệt vời hơn; nhưng chưa đủ, các em còn cần niềm tin vào năng lực bản thân, tin rằng việc khó khăn nào, điều có vẻ không tưởng nào, các em cũng có thể làm được.

Phải biết tính hiện thực của ước mơ, nghĩa là phải biết mình mong muốn điều gì trong cuộc sống: Chẳng hạng muốn được học ở trường Đại học hàng đầu thế giới Harvard, muốn trở thành Bác sĩ, Nha sĩ, Kỷ sư, Luật sư…Điều này mang lại cho các em nguồn động lực lớn, thúc đẩy các em có tinh thần học tập chăm chỉ, say mê.

Tiếp theo là phải đề ra mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, chẳng hạn như mỗi ngày phải thuộc 5 từ tiếng anh, phải giải được 4 bài toán…Năm này phải đạt xuất sắc môn toán, đạt giỏi môn văn…Phải vào được trường Đại học nào đó mà mình yêu thích…

Và điều sau cùng Thầy muốn trao đổi với các em trong buổi sáng hôm nay là:

PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP HIỆU QUẢ.

  1. Công cụ:
  • Mỗi HS phải có sổ tay ghi chép thông tin quan trọng, diễn biến đáng nhớ trong ngày, nhật ký làm việc.
  • Mỗi môn học đều có vở soạn bài riêng ( Tóm tắt chương trình học, soạn dàn bài cho mỗi chương hoặc mỗi bài học, Soạn câu hỏi quan trọng, tóm tắc nội dung bài học, lọc và ghi lại các ý chính…)
  • Có card ghi chép (chép từ Anh văn, công thức toán, lý hóa sinh, ghi chép những câu thơ hay, danh ngôn văn học …) và luôn mang theo bên mình, để lúc nào rãnh có thể xem và học ngay được.
  • Có nhiều bút màu khác nhau, để ghi chép và tự qui ước tầm mức quan trọng của từng nội dung theo màu.
  1. Quản lý thời gian: THỜI GIAN LÀ VÀNG!
  • Quản lý thời gian dựa trên một nguyên lý cơ bản: Đó là qui luật của sự kiểm soát.
  • Trước tiên cần có niềm tin rằng: “Ta là người kiểm soát thời gian xuất sắc” (vì chính niềm tin này giúp ta cố gắng để đạt được sự hòa hợp giữa CÁCH SUY NGHĨ + CẢM NHẬN và HÀNH ĐỘNG, mà nó là nhân tố quyết định chất lượng sống của ta.)
  • Quản lý thời gian chính là quản lý cuộc sống (Do đó cần trả lời rõ các câu hỏi sau: Bạn coi trọng  điều gì nhất trong cuộc sống? Thực sự bạn quan tâm và làm việc về điều gì? Mục tiêu lớn nhất của bạn trong cuộc sống là gì? Có cách nào thực hiện tốt hơn để khỏi đi chệch mục tiêu? Việc nào hôm nay cần thiết phải làm để có thể tác động tốt nhất đến tương lai?...)
  • Hãy dành thời gian (ít nhất là 30 phút/ngày) để suy nghĩ về mục tiêu, lập kế hoạch và sáng tạo.
  • Chú ý rằng: Mỗi phút lập kế hoạch, tiết kiệm được 10 phút thực hiện.
  • Kết quả nghiên cứu trong vòng 50 năm về thái độ và hành vi  những người thành đạt của TS. Edward Banfield tại Đại học Harvard đã chỉ ra rằng:
  • Những người dành nhiều thời gian để nghĩ về tương lai trong dài hạn là những người làm việc với hiệu suất cao.
  • Thói quen xây dựng tầm nhìn dài hạn là một việc quan trọng, từ đó sinh ra kỷ năng quản lý thời gian tốt.
  • Những người thành đạt thường tưởng tượng và suy nghĩ về 10, 20 năm sau họ muốn đạt được gì trong cuộc sống; rồi quay lại hiện tại xét xem việc làm có phù hợp với tương lai hay không.
  • Viết ra các kế hoạch: Quản lý thời gian thành công chính là việc lập kế hoạch giỏi, biết phân phối thời gian nhiều hay ít để hoàn thành mục tiêu lớn hay nhỏ và biết lập danh mục thực hiện theo thứ tự (thời gian và mức độ ưu tiên) tất cả các bước cần thiết để hoàn thành mục tiêu.
  • Thường xuyên xem xét lại kế hoạch và sẳn sàng sửa lại kế hoạch: Chú ý rằng “Hành động mà không có kế hoạch là nguyên nhân của mọi thất bại.”
  • Khi lập kế hoạch để đạt mục tiêu phải tuân thủ việc thực hiện hàng ngày và suy nghĩ về 4 câu hỏi sau:
  • Sẽ gặp khó khăn trở ngại gì?
  • Cần thêm kiến thức và kỷ năng gì?
  • Cần cá nhân hoặc tổ chức nào giúp đở?
  • Giả sử cần cá nhân (hay tổ chức) giúp đở, thì ai (TC) nào là quan trọng nhất?
  • Lập biểu đồ các kế hoạch ( xây dựng biểu đồ PERT hay còn gọi là sơ đồ mạng lưới các kế hoạch.) phù hợp với thời khóa biểu của trường và sinh lý bản thân.
  • Lập danh mục công việc hàng ngày (Tối hôm trước (dành thời gian 10-15 phút) lập danh mục công việc cho ngày hôm sau, xong sắp xếp theo thứ tự quan trọng đến ít quan trọng ).
  • Dành thời gian nhiều và lúc minh mẫn cho mục tiêu quan trọng.
  • Cần suy ngẫm ý tưởng của Earl Nightingale: “Tất cả những thành tựu vĩ đại trong cuộc sống đều đến từ sự tập trung được duy trì trong thời gian dài.”
  1. Kỷ năng đọc, ghi chép, ghi nhớ:
  • Đọc nhanh: Một người trung bình đọc khoảng 150-250 từ/phút và hiểu dưới 50% nội dung. Những HS được rèn luyện tốt có thể đọc cả ngàn từ trong vòng một phút và hiểu hơn 80% nội dung:
  • Đọc tóm tắc trước, đọc chi tiết sau.
  • Đọc câu hỏi trước, đọc nội dung sau.
  • Đọc với một cây bút dẫn đường (đây là một kỷ thuật quan trọng làm cho ánh mắt người đọc tập trung qua từng dòng chữ, tập trung được nhiều hơn và hiệu quả hơn.)
  • Không đọc từng từ, mà đọc từng cụm 5-7 từ.
  • Ghi chép thường xuyên: Ghi chép và xem lại các ghi chép cuối ngày, cuối tuần, cuối tháng, cuối năm:
  • Trên sổ tay (ghi chép hoạt động hằng ngày, các sự kiện đặc biệt, các thông tin đáng nhớ…), ghi chép trên Card bỏ túi (ví dụ 5 từ tiếng Anh cần nhớ trong ngày, công thức Toán, Lý, Hóa, Sinh…cần phải thuộc.). Chú ý cần lọc ra tin chính để ghi chép và nhớ, vì mỗi bài đọc chỉ chứa tối đa khoảng 30% lượng thông tin cần thiết và cần sắp xếp theo thứ tự nội dung và thông tin quan trọng để tiết kiệm thời gian ôn và ghi nhớ.
  • Quan niệm rằng TRÍ NHỚ KÉM HAY TRÍ NHỚ TỐT là sai, không có trí nhớ kém hay trí nhớ tốt, chỉ có việc TRÍ NHỚ ĐÓ CÓ ĐƯỢC RÈN LUYỆN HAY KHÔNG mà thôi.   
  1. Kỷ năng ôn bài: PHÁT HUY VÀ TẬN DỤNG SỨC MẠNH CỦA BỘ NẢO
  • Sự lãng phí nhất của con người là lãng phí bộ não: Bộ não chứa khoản 100 tỷ tế bào thần kinh (nơ rông), mỗi tế bào có khoản 7000 liên kết với những tế bào chung quanh. Một vài vùng não bộ bị lão hóa và giảm chức năng theo thời gian, nhưng bộ não vẫn bảo toàn khoảng 500 tỷ khớp thần kinh truyền dẫn thông tin giữa các tế bào, nhằm cung cấp mọi chất liệu cần thiết trong quá trình sản sinh và lưu giữ ký ức trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên các nhà khoa học đã tính toán: Những người bình thường chỉ sử dụng 5-10% tiềm năng của bộ não.
  • Tăng cường việc sử dụng bán cầu não phải (các hoạt động liên quan đến ngôn ngữ, logic, tính toán, xử lý thông tin và đưa ra các phản ứng phù hợp, hoạt động có tính chất trí tuệ như tư duy dạng chuỗi trong suy luận hay phân tích, tổng hợp trong hoạt động kinh doanh, là thuộc bán cầu não trái. Còn các hoạt động liên quan đến ước mơ, hoài bảo; nhận thức không gian, cấu trúc, hình ảnh; các hoạt động liên quan đến nghệ thuật và sáng tạo thuộc bán cầu não phải).
  • Các nghiên cứu khoa học cho biết: Con người có khuynh hướng quên đi 80% những gì được học trong vòng một vài ngày. Do đó muốn nhớ lâu phải thường xuyên ôn bài từ các ghi chép hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng.
  • Kỷ năng nhớ lâu là: HỌC LẠI BÀI TRƯỚC KHI QUÊN.
  1. Kỷ năng làm bài thi.
  • Đó là khả năng biết phân tích, tổng hợp, so sánh, loại trừ.
  • Luyện tập thường xuyên trong việc áp dụng kiến thức vào việc trả lời các câu hỏi và giải quyết các bài toán cụ thể, ở các dạng khác nhau.
  • Biết cách gìn giữ sự minh mẫn, hưng phấn, bình tỉnh và biết cách thư giản trước giờ thi.
  • Biết quản lý thời gian hiệu quả trong lúc thi.

Về vấn đề kiểm tra, thi cử, Thầy cũng lưu ý các em thái độ cần có khi nhận kết quả ĐIỂM KÉM: Thái độ buồn, âu lo, mặc cảm, tự ti với điểm kém; giấu điểm kém đi, không muốn nhìn lại, không muốn cho người khác biết…rồi dần dần mất niềm tin vào bản thân, không còn muốn phấn đấu vươn lên, đó là thái độ của những người thất bại trên con đường khoa học. Ngược lại, đối với những người thành công trên con đường khoa học, coi điểm kém không có gì xấu, mà chỉ là cột mốc xác định một sự phấn đấu mới, điểm kém như một tấm huân chương đính trên ngực, trên con đường chinh phục mục tiêu lớn lao. Lịch sử khoa học đã chứng tỏ điều đó: Albert Einstein, nhà khoa học số 1 thế giới của Thế kỷ vừa qua, khi còn ở trường tiểu học, bị Thầy cho điểm kém, chê là học sinh này sẽ chẳng làm nên trò trống gì. Edison cả ngàn lần thất bại mới có thể tìm được dây tóc bóng đèn điện…

.....

Để kết thúc buổi nói chuyện hôm nay, Thầy muốn nói với các em đôi điều về niềm tin…

Tại sân trường Harvard có bức tượng của John Harvard, người đã hiến tặng tài sản của mình cho các trường học của Bang Massaschusetts, Mỹ. Du khách khắp nơi trên thế giới đến thăm Đại học Harvard, từ các em học sinh mẫu giáo đến các vị lãnh đạo quốc gia như Tổng Thống, Thủ tướng…thường đặt tay lên chiếc giày trái của John Harvard (do đó, chiếc giày luôn ánh lên màu vàng bóng loáng) với niềm tin được lưu truyền rằng: Trong tương lai sẽ thành công trên con đường học tập và nghiên cứu khoa học.

  Con gái Thầy, trong những ngày còn học ở phổ thông, đã có ước mơ được học ở hai trường Đại học hàng đầu của Mỹ là Harvard và Stanford và lúc đó cũng chỉ đến thăm hai trường này; con gái Thầy cũng đã từng đặt tay lên giày của John Harvard…Và như Thầy đã kể cho các em nghe trong buổi Lễ Khai giảng, chính ước mơ và hành động kiên trì hàng ngày để thực hiện ước mơ, Hoài Quốc-Hoài Trung, hai con của Thầy đã trở thành Giáo sư Đại học ở Mỹ.  Cô con gái của Thầy đã học Đại học Harvard, tốt nghiệp với hạng xuất sắc, sau đó lấy học vị Tiến sĩ ở Đại học Stanford, nghĩa là đã được học trong hai ngôi trường mơ ước của mình, và hiện nay là người Việt Nam đầu tiên làm Giáo sư ở trường Đại học Thương mại Harvard, trường này chỉ đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ; một ngôi trường lừng danh mà hàng triệu HS, SV trên thế giới mong ước được vào học.

Các em chưa có cơ hội thăm Đại học Harvard, chưa có thể rờ chiếc giày óng ánh vàng của John Harvard, nhưng các em lại có một cơ duyên khác, một may mắn khác, là được học dưới mái trường mang tên Phật Hoàng Trần Nhân Tông, một trong những vị Hoàng Đế anh minh nhất của Việt Nam và thế giới cách nay hơn 700 năm. Ngài là Hoàng Đế nước Đại Việt, là anh hùng dân tộc, đã lãnh đạo nhân dân đánh thắng hai lần quân xâm lược Nguyên Mông, một đế chế vô cùng hùng mạnh thời đó, đế chế đã thu phục hơn 700 dân tộc, sát nhập hơn 40 quốc gia từ Á sang Âu, lập nên nước Mông Cổ lớn nhất trên bản đồ thế giới. Tính cho đến thời đại ngày nay, Hoàng Đế Trần Nhân Tông là lãnh tụ duy nhất trên thế giới, không những hiểu sâu sắc được giá trị của dân chủ, sức mạnh của toàn dân; mà còn thực thi dân chủ qua hai đại hội vang dội lịch sử là Hội Nghị Bình Than và Hội Nghị Diên Hồng với mục đích cứu nước. Ngài cũng là Nhà Văn Hóa Lớn, cải tiến chế độ thi cử, phát triển thơ văn chữ Nôm, chỉ đạo biên soạn các bộ sách quan trọng, tăng cường các hoạt động học thuật để nâng cao trí thức toàn dân; theo ngài: “Trí tuệ sanh muôn hạnh lành, ngu si sanh ngàn tội lỗi.”

Nếu tất cả các em HS Trần Nhân Tông có niềm tin về một sức mạnh vô hình, huyền bí, kỳ diệu của Phật Hoàng Trần Nhân Tông hằng ngày lan tỏa trong ngôi trường này, truyền đến các em sức mạnh thể chất, tinh thần, niềm tin, ước mơ và hy vọng. Thì mỗi sáng, khi bước vào ngôi trường Trần Nhân Tông, các em sẽ cảm nhận được hào quang từ Phật Hoàng Trần Nhân Tông về lòng bao dung, từ bi, hỷ xả, yêu người, yêu đời và mục đích sống có ý nghĩa; và với ý thức sống đẹp cho tương lai; với ước mơ - hoài bảo lớn; với sức sống vui-khỏe, tích cực của tuổi trẻ; với lòng tự trọng và tinh thần trách nhiệm trong mỗi ngày đi học; với tình thương yêu, đoàn kết, tôn trọng bạn học cùng trường, lớp; Với sự kính trọng, biết ơn Thầy Cô và những ai chăm sóc, giúp đở các em trong việc rèn luyện sức khỏe, rèn luyện các kỷ năng sống, làm giàu cảm xúc đồng cảm, yêu thương, nâng cao tri thức…thì các em…chắc chắn sẽ gặp muôn điều kỳ diệu trong cuộc sống của mình. Chắc chắn được Phật Hoàng Trần Nhân Tông phù hộ để đạt được ước mơ!

Thầy muốn kết thúc cuộc nói chuyện với lời cầu nguyện Phật Hoàng Trần Nhân Tông phù hộ cho tất cả chúng ta sống vui, sống khỏe, sống có ích và, phù hộ cho HS đang học dưới mái trường mang tên Ngài có ước mơ hoài bảo lớn, biết mỗi bản thân là một kho báu…phù hộ cho các em đạt được ước mơ của mình; khám phá được kho báu của chính mình. Cầu nguyện Phật Hoàng phù hộ!

                                                                                                                                                                                                TP. HCM ngày 22/10/2018.

 

 

Dr. Nguyễn Chí Long
E-mail:  nguyen.c.long@gmail.com

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

FANPAGE

THỐNG KÊ LƯỢT XEM

Tổng truy cập: 188,940

Đang online: 1

Scroll