XEM CA NHẠC KỊCH ”CÔ GÁI SÀI GÒN - MISS SAIGON”

OPERA HOUSE BOSTON

XEM CA NHẠC KỊCH

“CÔ GÁI SÀI GÒN - MISS SAIGON”

TẠI OPERA HOUSE BOSTON, MỸ.

                                              Nguyễn Chí Long (CL)

 

  • Cám ơn con gái Hoài Trung (HT).

Trong chuyến thăm Mỹ năm nay, con gái mời cha mẹ đi xem vở nhạc kịch “Cô gái Sài gòn - Miss Saigon”, bảo là chọn chổ ngồi tốt nhất có thể, cho cha mẹ xem, và chọn khu trung tâm gần sân khấu, “ORCH CENTER-ROW D”, mỗi vé giá 154,50 USD (đúng là cách xài kiểu… giáo sư Harvard có khác!). CL thầm hỏi, giá vé cao quá, không biết sự trải nghiệm vở nhạc kịch này có tương xứng với giá vé không…

Cách nay ba mươi năm, 1989, năm con gái HT chào đời, cũng là năm CL là người miền Nam đầu tiên nhận học bổng DAAD sang Tây Đức làm nghiên cứu sinh, và cũng là năm vở nhạc kịch “Miss Saigon” ra đời ở sân khấu kịch nổi tiếng của nước Anh, Theatre Royal London. Trong mười năm 1989-1999, tại sân khấu kịch nước Anh đã có 4.264 buổi trình diễn, và cũng trong vòng mười năm 1991-2001, tại sân khấu kịch nổi tiếng của Mỹ, Broadway New York, đã có 4.092 buổi trình diễn Miss Saigon, với doanh thu 286 triệu USD. Vở nhạc kịch lừng danh, nhận được nhiều giải thưởng uy tín …đã biểu diễn trên 28 quốc gia (nhưng chưa biểu diễn ở VN) với hàng chục triệu khán giả… mà một người yêu kịch nghệ như CL mãi đến hôm nay mới được xem… Thật khó diễn tả cảm xúc rất đặc biệt này, chỉ biết… thầm cám ơn con gái!

Hoài Trung và mẹ Thuý Liễu

  • Nội dung vở ca nhạc kịch Miss Saigon.

Miss Saigon được sáng tác bởi Claude-Michel Schönberg (Phần âm nhạc), Alain Boublil, và Richard Maltby, Jr.(phần lời ca), lấy bối cảnh từ  những ngày cuối cùng của chính quyền Miền Nam Việt Nam 30/4/1975 đến thời điểm 1978 (năm mà người Mỹ quan tâm đặc biệt về trẻ em đường phố, những đứa con của lính Mỹ bị bỏ rơi sau chiến tranh), kể về mối tình bi thảm trong cuộc chiến tranh khốc liệt giữa một cô gái mồ côi, ngây thơ trong sáng 17 tuổi tên Kim (bị cuộc chiến xô đẩy vào quán Bar) và một sĩ quan hải quân Mỹ làm việc tại Sứ quán Mỹ ở Sài gòn, tên Chris. Hoàn cảnh đã khiến Kim và Chris qua đêm cùng nhau, sau đó họ yêu nhau tha thiết, rồi Kim từ bỏ lời hứa hôn với Thụy, một người lính “Cộng sản” để kết hôn với Chris, một người lính “Tư bản” (cha mẹ Kim đã hứa gả Kim cho Thụy năm Kim 13 tuổi – Sau khi Thụy tham gia  ”Việt cộng”, cha mẹ Kim đã tự sát, và Kim đã nói với Thụy rằng bây giờ cô đã trưởng thành, khác xa với tuổi mười ba, và lời hứa hôn cũng được chôn theo cùng cha mẹ cô). 

Cuộc sơ tán người Mĩ khỏi Sài Gòn bằng máy bay trực thăng cũng là một góc tối bi kịch của chiến tranh, đã khiến Chris lạc mất Kim- lúc này cô đã có thai với Chris. Ba năm sau đó, hai người vẫn luôn trăn trở, dằn vặt và nhớ nhung mối tình Mỹ-Việt.

Sau ngày 30/04/1975; sân khấu ca kịch cũng như sân khấu cuộc đời của những người miền Nam VN chỉ có hai màu là “đỏ và đen”, giống như thời “cải cách ruộng đât”, theo nhà văn Nguyễn Quang Lập trong “Kiến Chuột và Ruồi”, chỉ có “muôn năm và đả đảo”. Cái màu đỏ của đấu tranh giai cấp, của ý thức hệ ngông cuồng và những niềm tin bệnh hoạn kéo theo không gian đen tối mênh mông, như lồng sắt chụp lên nền kinh tế, chụp lên những con người chưa kịp hoàn hồn sau cuộc chiến…đã làm kiệt quệ sức sống, làm tan nát biết bao gia đình, làm bi thương biết bao số phận…

Bi kịch tiếp theo xảy ra giữa Kim và Thụy, người đã trở thành sĩ quan quyền uy của bên thắng cuộc. Thụy muốn chiếm đoạt lại Kim, muốn giết chết bé Tâm, con trai của Kim và Chris, với suy nghĩ là xóa đi tàn tích tư bản, đế quốc. Ngay giây phút cận kề cái chết của bé Tâm trước mũi dao của Thụy, Kim đã bắn chết Thụy bằng khẩu súng lục mà Chris đã để lại cho Kim phòng thân khi xưa, để bảo vệ sự sống của đứa con trai yêu quí.

Trong dòng người vượt biên khỏi bóng tối mênh mông để tìm tự do, dù có thể đánh đổi cả mạng sống, hai mẹ con Kim cùng “Kỷ sư” (tên gọi của một “tú ông” cai quản quán Bar DreamLand ở Sài gòn, nơi Kim gặp Chris) đã đến BangKok Thái Lan. Vì cuộc mưu sinh và phải nuôi con nhỏ, trong số phận của một người không gia đình, không tổ quốc, Kim tiếp tục làm gái bán bar. 

Sau 3 năm rời Việt Nam về Mỹ, Chris kết hôn với một thanh nữ Mỹ tên Ellen.

John, bạn cũ thời chiến của Chris, về Mỹ làm việc trong tổ chức trợ giúp những đứa con lai có cha Mỹ bị bỏ rơi tại Việt Nam đã tình cờ gặp Kim trong chuyến công tác tại Bangkok. John đã báo tin cho Chris biết rằng Kim còn sống, và đã sinh cho anh một đứa con trai.

Chris và vợ mới, Ellen, đã tìm và gặp Kim và bé Tâm ở Bangkok. 

Khi Kim biết Chris đã lấy vợ khác, ý thức được cuộc sống không còn lối thoát, dằn vặt về cái chết của Thụy, và lớn lao hơn tất cả là tình yêu, sự hy sinh của một người mẹ giành cho con, ước mong con có tương lai, hạnh phúc bên người cha trên miền đất hứa Hoa Kỳ, đã đẩy Kim tìm đến cái chết cũng chính bằng khẩu súng của Chris.

 

 

Kim, bé Tâm và "Kỷ sư" đi tìm tự do

 

  • Trải nghiệm cá nhân:

Giữa nhà hát hoành tráng…chật kín khán giả Mỹ, màn sân khấu kéo qua trong tiếng gầm của máy bay trực thăng, CL lặng người ngay từ những giây phút đầu tiên …ánh chớp của pháo bom trong bóng đêm chiến tranh hiện lên những phận người hốt hoảng, chạy trốn, nhưng như chẳng biết trốn vào đâu...trên nền của những khung tre xơ xác và ngọn đèn dầu vàng vọt... những chiếc nón lá, giỏ lác…lọt thỏm trong hình ảnh, âm thanh kinh hoàng của cuộc chiến… gợi nghĩ về thân phân người Việt. Ôi thật đau thương… không thể kìm được nước mắt….

Cảnh quán bar “Dream Land” ở Sài gòn cũng như khu “đèn đỏ” Bangkok mang đủ sắc màu, được mô tả táo bạo theo thì hiện tại của dịch vụ sex, ăn bám theo cuộc chiến tranh, kỳ dị, bát nháo, hổn độn…, đối nghịch với sự hoan tàn, chết chóc của vùng chiến sự…và khuất sau sự phô trương hào nhoáng ấy là những bi kịch khổ đau của những người con gái, người mẹ trong cuộc chiến tranh đáng kinh tởm này.  

Ám ảnh nhất là hình ảnh Kim, bé Tâm và “Kỷ sư”, nhỏ nhoi, cô độc, kéo tay nhau từ bỏ quê hương trên nền bầu trời hoàng hôn miền Tây còn sót lại chút ánh đỏ vàng le lói, mờ ảo, sắp biến thành màu đen ghê rợn.

Ấn tượng đầy kịch tính, sống động và hiện thực; độc đáo về tính hoành tráng của sân khấu, tính hiệu ứng của nghệ thuật âm nhạc… là cảnh chiếc trực thăng trên nóc Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài gòn di tản những người Mỹ sau cùng …trong tiếng kêu gào thảm thiết, đầy thất vọng vì không thể bám vào trực thăng, của hàng trăm người Việt trước cánh cổng Sứ quán đóng kín.

 Sứ quán Mỹ tại Sài gòn ngày 30-04-1975

 

 

Đoàn quân chiến thắng rầm rập tiến vào Sài-Gòn theo điệu marche trên sân khấu bao trùm sắc màu đỏ - đen, cùng với âm thanh khủng khiếp của giàn nhạc giao hưởng…báo hiệu một bi kịch mới đã bắt đầu.

Theo CL, vở Ca Vũ Nhạc Kịch Miss Saigon trình diễn trên sân khấu nhà hát Opera Boston thật xuất sắt, thật đáng kinh ngạc trong sự phối hợp của dàn nhạc, diễn viên và nghệ thuật thiết kế sân khấu…những bản nhạc “The Movie in My Mind”, “Last Night of the World”, “I Still Believe”, “I’d Give My Life for You” được hát bởi giọng mezzo-soprano truyền cảm, trong sáng và tràn trề năng lượng. Các diễn viên Emily Bautista (vai Kim), Anthony Festa (vai Chris), Red Concepcion (vai Kỷ sư), Stacie Bono (vai Ellen), Jinwoo Jung (vai Thụy), J. Daughtry (vai John) cùng hàng chục diễn viên khác, đều xuất sắc hoàn thành vai diễn trong sắc thái biểu cảm, giọng ca, vũ điệu…đã cuốn hút sự theo dõi của tất cả khán giả trong nhà hát với sự im ắng khác thường, đan xen những tiếng nấc nghẹn của tiếng khóc bị kìm nén.

 

  • Những Thông Điệp Của Miss Saigon:

Thông điệp về tình yêu đôi lứa: Sống và Chết vì tình yêu. Phản phất bi kịch tình yêu Jomeo-Juliet của William Shakespeare, nhưng kịch bản “Miss Saigon” có vẻ chịu ảnh hưởng nhiều nhất kịch bản “Madam Butterfly” của Giacomo Puccini, kể về mối tình của một sĩ quan hải quân Mỹ và một Geisa Nhật. 

Thông điệp về tình mẫu tử:  Người mẹ có thể hy sinh mạng sống của mình vì tương lai và hạnh phúc của con. Thông điệp mang ý nghĩa sâu sắc về tình mẫu tử này, vượt qua mọi ranh giới thời gian và không gian, làm xúc động hàng triệu khán giả; xác định giá trị tuyệt vời của vở ca nhạc kịch Miss Saigon. Đặc biệt, ca khúc để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng người hâm mộ có lẽ là “I'd Give My Life for You”. Ca từ của bài hát được âm nhạc thổi hồn trong lời trò chuyện tâm tình của Kim với Tâm, đứa con trai bé bỏng. Đó là tình yêu mênh mông, vô tận của một người mẹ xác xơ, buồn tủi, đơn độc trong chiến tranh giành cho con. Đó là lời thề mạnh mẽ và quyết liệt của một người mẹ sẳn sàng làm mọi thứ, sẳn sàng hy sinh tất cả, kể cả mạng sống, để cho con được sống, trưởng thành, và có một tương lai tươi sáng.

Thông điệp về chọn lựa con đường đi của quốc gia – dân tộc: Cộng sản hay Tư bản, thông qua việc chọn Thụy hay Chris của Kim, và qua những hình ảnh u buồn, hốt hoảng rời bỏ quê hương của người dân miền Nam VN.

Thông điệp về tình yêu con người và lòng bao dung: tính ích kỷ, tầm nhìn thiển cận, hẹp hòi, ấu trỉ của đấu tranh giai cấp đánh mất tình yêu con người và lòng bao dung…

Thông điệp về thảm họa của việc tôn sùng hệ tư tưởng hơn giá trị con người, tôn sùng quốc tế vô sản hơn quốc gia dân tộc, ….   

Thông điệp về triết lý tự do, nhân phẩm, đồng dollar và giấc mơ Mỹ…qua nhân vật phản diện phức tạp của một “tú ông” mang tên “Kỷ sư-The Engineer” chuyên hành nghề quán bar. 

Và qua nhiều hình tượng khác nhau của sân khấu…âm nhạc, ánh sáng, hiện vật, vũ điệu…đã nhấn mạnh những thông điệp khác về hệ quả bi thương của chiến tranh, về số phận con người dưới bầu trời chỉ có màu đỏ và đen…

  • Những sai sót trong hoá trang và...

Đoạn diễn lễ thành hôn của Kim và Chris cùng với trang phục áo dài cưới của Kim, bàn thờ ...  có vẻ như xảy ra ở Thái Lan, hoàn toàn xa lạ với người Việt

Trang phục của Thụy khác xa với trang phục sĩ quan Bộ đội cụ Hồ.

Nhưng điều tiếc nuối và dằn vặt CL lâu nhất là không được xem một nghệ sĩ nữ Sài gòn đóng vai Kim. Có phải vì yêu cầu khắc khe về tài năng diễn viên như giọng ca, vũ điệu, cảm thụ âm thanh từ dàn nhạc, khả năng kết hợp cùng lúc với nhiều diễn viên khác…mà các đạo diễn chưa chọn được nghệ sĩ Việt?

Một sự kiện đặc biệt làm ấm lòng chúng ta là Nguyễn Thanh Hiền, một nữ nghệ sĩ gốc Việt đã đóng vai Kim trong “Cô gái Sài gòn” ở nhà hát Operett Szinház ở Hungary vào năm 2015. 

Một vở kịch lừng danh thế giới, thu về hàng trăm triệu dollars, trình diễn bởi nhiều đoàn nghệ sĩ khác nhau, ở nhiều nhà hát kịch nổi tiếng khác nhau trên thế giới trong ba chục năm qua, và chắc chắn sẽ còn trình diễn lâu dài mai sau, mà chất liệu cảm tác là sự đau khổ, lạc hậu, đói nghèo; là máu xương của cả dân tộc Việt trong hơn hai chục năm, đã chưa có cô gái Sài gòn nào trở thành nghệ sĩ đóng vai Kim?  Trong khi đó “Miss Saigon” đã làm rạng danh biết bao thế hệ nghệ sĩ châu Á như Lea Salonga, Red Concepcion, Joanna Ampil…  (người Philippine), Lee So Jung, Michael Lee, Kim Soo Ha, Park Young Joo, Jinwoo Jung, Hong Kwang Ho …(người Hàn quốc).

 

Xin ai đó trả lời giúp những câu hỏi sau: 

Có bao nhiêu người Việt Nam đã xem ca nhạc kịch “Cô gái Sài gòn” trong ba mươi năm qua? Và trong số những người đã xem, có bao nhiêu người cảm nhận được những thông điệp được truyền tải từ các tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên và dàn nhạc giao hưởng?

Tình yêu của Kim dành cho Chris, một lính Mỹ (mà có rất nhiều người trong chúng ta từng gọi là “quân xâm lược”) lại không dành cho Thụy, một người lính “Việt cộng” (mà cũng có rất nhiều người trong chúng ta gọi là “đoàn quân giải phóng”) nói với chúng ta điều gì?

Giữa Thụy, một sĩ quan đầy quyền uy trong đoàn quân chiến thắng, sắp trở thành một người chồng, một chổ dựa chắc chắn của Kim sau chiến tranh (nếu Kim chấp nhận), và bé Tâm, sản phẩm của mối tình Việt-Mỹ Kim-Chris, Kim đã chọn sự sống cho bé Tâm, tại sao? Tác giả kịch bản muốn gửi thông điệp gì cho khán giả? 

Sự hy sinh của mẹ Việt Nam (trong hình tượng Kim) cho con cháu của mình, cho thế hệ mai sau (trong hình tượng bé Tâm), để thế hệ mai sau có cuộc sống tự do, có tương lai, hạnh phúc…liệu có tính hiện thực trên đất nước này hay không? Khi nào thì sự hy sinh này mới thực sự có ý nghĩa? 

Có người Việt nào “lớn lên với vở kịch Cô Gái Sài Gòn” như tâm sự của Catriona Gray, Hoa Hậu Hoàn Vũ Philippine 2018 hay không? 

Đến lúc nào thì vở ca nhạc kịch “Cô gái Sài gòn” có thể trình diễn ở Việt Nam?

Cùng vô số câu hỏi khác cứ hiện ra trong đầu CL.

Những tội lỗi...

Miss Saigon, một bi kịch của tình yêu lứa đôi, bi kịch chiến tranh, bi kịch thời đại trong việc chọn lựa con đường phát triển của quốc gia dân tộc, đã gây cảm xúc buồn đau, thương tiếc cho hàng triệu người, trong đó có CL. CL cảm thấy chính mình, “chính tôi” hòa nhập trong từ “chúng ta”, có phần tội lỗi gây nên vở bi kịch này. Tất cả người Việt chúng ta, ngoại trừ các em bé thơ ngây, đều có lỗi để xảy ra bi kịch Miss Saigon, lỗi lớn hay nhỏ phụ thuộc vào mức độ can dự vào cuộc chiến tranh nhiều hay ít. 

Lỗi lầm của chúng ta ẩn chứa trong sự ngu dốt, lạc hậu, thiếu kiến thức phổ quát (ở mức trung bình) của nền văn minh thế giới. Do đó dễ bị khuyến dụ cuốn theo các hệ tư tưởng sai lầm, nguy hại.

Lỗi lầm của chúng ta là ngông cuồng, ảo tưởng, chưa ý thức được hết hậu quả bi thương, tàn khốc của cuộc chiến tranh, chưa thấu hiểu giá trị to lớn của hòa bình.

Lỗi lầm của chúng ta là chưa biết yêu thương, trân quí từng sinh linh trên mảnh đất Việt.

Lỗi lầm của chúng ta trong thái độ thờ ơ, vô cảm, câm lặng trước nổi đau đồng loại, trước sự dối trá, và hèn nhát trước uy vũ, cường quyền. 

Lỗi lầm của chúng ta là có quá nhiều người tồn tại với ý thức nô lệ tự nguyện, chưa biết được giá trị và ý nghĩa của tự do.  

Lỗi lầm của chúng ta là nặng tâm lý dựa vào đám đông, hành động thiếu cá tính và lý lẽ riêng…dễ bị lôi cuốn vào vòng xoáy của đấu tranh giai cấp, vòng xoáy của bạo lực, được dẫn dắt bởi những kẻ có tư tưởng ngoại lai, không hề biết về các bài học lịch sử quí giá. 

Lỗi lầm của chúng ta là chưa hiểu được sức mạnh của tình yêu và lòng bao dung…

Lỗi lầm của chúng ta là tham lam, ích kỷ, đam mê uy quyền và danh lợi, không biết hy sinh cho các thế hệ mai sau.

Lỗi lầm của chúng ta là sự ngây ngô, chưa thấu hiểu được mưu đồ đen tối và dã tâm muốn tàn phá quốc gia - dân tộc của những tập đoàn maphia sinh ra từ các loại Dân tộc- Quốc Xã,…

 

                   Diễn Viên chào khán giả trong những tràng vỗ tay rất lâu -

đặc biệt là khi "bé Tâm" chạy ra

 

 

 

Trích đoạn từ Youtube: Lời tâm tình của Kim với con trai - Lea Salonga biểu diễn 

I’d Give My Life for You.

 

You who I cradled in my arms - Con là người mẹ bồng bế trong vòng tay.

You asking as little as you can – Con hỏi mẹ càng ít càng tốt

Little snip of a little man – Một mãnh cỏn con của người đàn ông nhỏ

I know I'd give my life for you – Mẹ biết rằng mẹ sẽ trao cuộc sống của mẹ cho con.

 

You didn't ask me to be born – Con không hề đòi hỏi được sinh ra

You why should you learn of war or pain?- Tại sao con lại phải học hỏi về chiến tranh và nổi đau?

To make sure you're not hurt again – Để đảm bảo cho con khỏi bị tổn thương lần nữa

I swear I'd give my life for you – Mẹ thề sẽ trao cuộc sống của mẹ cho con

 

I've tasted love beyond all fearm - Mẹ đã nếm trải tình yêu vượt qua tất cả nổi sợ hải.

And you should know it's love – Và con nên biết rằng chính tình yêu

That brought you here – đã mang con đến đây

And in one perfect night – Và trong một đêm hoàn hảo

When the stars burned like new – Khi những ngôi sao sáng bừng mới mẽ

I knew what I must do – Mẹ biết mẹ phải làm gì

 

I'll give you a million things I'll never own – Mẹ sẽ cho con hàng triệu thứ mà mẹ chưa từng có

I'll give you a world to conquer when you're grown – Mẹ sẽ cho con một thế giới mà con sẽ chinh phục khi con lớn khôn

You will be who you want to be – Con sẽ trở thành con người mà con từng mong muốn

You, can choose whatever heaven grants – Con có thể chọn bất cứ điều gì mà trời ban tặng

As long as you can have your chance – miễn là con có cơ hội

I swear I'll give my life for you – Mẹ thề sẽ trao cuộc sống của mẹ cho con

 

Sometimes I wake up – Đôi khi mẹ thức dậy

Reaching for him – như gặp được cha con

I feel his shadow brush my head – cảm thấy bóng dáng cha con lướt trên đầu mẹ

But there's just moonlight on my bed – Nhưng chỉ là bóng trăng trên giường mẹ

 

Was he a ghost was he a lie? – Cha con là bóng ma hay ảo ảnh?

That made my body laugh and cry? – gây cho cơ thể mẹ cười và khóc?

Then by my side the proof I see – Rồi mẹ thấy hiển hiện bên cạnh mẹ

His little one, gods of the sun – Người bé nhỏ của cha con, thần mặt trời

Bring him to me! – Mang cha con đến với mẹ

 

You will be who you want to be - Con sẽ trở thành con người mà con từng mong muốn

You, can choose whatever heaven grants - Con có thể chọn bất cứ điều gì mà trời ban tặng

As long as you can have your chance  – miễn là con có cơ hội

I swear I'll give my life for you - Mẹ thề sẽ trao cuộc sống của mẹ cho con

 

No one can stop what I must do – Không ai có thể ngăn cản những gì mẹ phải làm

I swear I'll give my life for you! – Mẹ thề sẽ trao cuộc sống của mẹ cho con

 

[Cast] – [Diễn viên]

No place, no home – Không nơi chốn, không nhà

No life, no hope – Không cuộc sống, không hy vọng

No chance, no change – Không cơ hội, không đổi thay

 

No regret – Không hối tiếc

No return – Không trở lại

No goodbye – Không nói lời tạm biệt

 

One day- Một ngày

One night- Một đêm

One day- Một ngày

Dr. Nguyễn Chí Long
E-mail:  nguyen.c.long@gmail.com

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

FANPAGE

THỐNG KÊ LƯỢT XEM

Tổng truy cập: 190,175

Đang online: 1

Scroll