PHẨM CHẤT NHÀ GIÁO ”ĐỪNG ĐỂ CÁI BÌNH THƯỜNG HÓA RA CÁI KHÁC THƯỜNG”

Phẩm Chất Cần Có Của Nhà Giáo

Đừng để cái bình thường
Hóa ra cái khác thường!
(Tuần báo Phụ Nữ TP.HCM. 8/11/1998)
 
                    TS. Nguyễn Chí Long
 
Như mọi người đều biết, truyền chân lí đến những bộ óc còn non trẻ của học sinh, phân tích điều hay lẽ phải, chỉ cho các em phân biệt thật giả, giáo dục tình yêu con người, tổ quốc, giúp cho các em cảm nhận những nỗi đau và niềm hạnh phúc, truyền đến các em những thông tin mới trên các lĩnh vực văn hóa giáo dục, khoa học kĩ thuật – đó là những thiên chức đáng tự hào, là niềm hạnh phúc lớn nhất của mỗi nhà giáo dục. Ấy thế nhưng nền giáo dục hiện nay lại có quá nhiều hiện tượng chệch khỏi cái thiên chức cao quý ấy. Trong phạm vi bài báo nhỏ này, tôi mạn phép được trao đổi với quí thầy, cô giáo, các bạn đồng nghiệp đang trực tiếp giảng dạy hay đang làm công tác quản lí giáo dục, một số suy nghĩ về người thầy như sau:
 
1. Yêu quí và tôn trọng nhân cách học sinh.
Đây là vấn đề thực ra không có gì mới, nhưng với tình hình giáo dục của nước ta hiện nay, vấn đề này vẫn còn mang tính thời sự và đặc biệt quan trọng. Trong những số báo gần đây (1), chúng ta đã biết, tình trạng các thầy, cô giáo đánh học sinh bằng roi và có những hình thức xử phạt có tính nhục mạ HS vẫn còn nhiều. Có thầy ở Bình Định, cứ đến giờ của mình là bắt phạt một học sinh lớp 6 quỳ gối suốt hai tháng trời. Một thầy ở Trà Vinh, bắt phạt học trò không thuộc bài phải ăn hết một bụm ớt. Ngay trong thành phố chúng ta, nơi mà giáo dục tỏa sáng nhất, vẫn có thầy cô giáo phạt HS nữ không thuộc bài bằng cách bắt cởi hết áo và váy đầm rồi nhảy ếch trong lớp, hoặc qui định một số roi bị đánh mỗi lần không thuộc bài, hoặc nhiều hình thức phạt có tính nhục mạ khác. Đó không phải chỉ thể hiện sự yếu kém về phương pháp sư phạm và tâm lí giáo dục mà còn thể hiện sự độc ác giữa con người với con người – một tình trạng lẽ ra không được phép tồn tại trong ngành giáo dục, đặc biệt là trong thời đại hiện nay, thời đại mà quyền trẻ em, quyền con người, cá tính con người được quí trọng. Theo chúng tôi, phẩm chất đầu tiên mà người cán bộ trong ngành giáo dục cần có là tình yêu con người. Chỉ bằng tình yêu học trò, người thầy mới có thể vượt qua những khó khăn trong gia đình và cuộc sống để cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục. Chỉ bằng tình yêu học trò, người thầy mới có thể tự rèn luyện nâng tầm giá trị của bản thân để có thể hoàn thành trách nhiệm. Chỉ bằng tình yêu học trò, người thầy mới có thể mang đến cho thế hệ sau tình thương, sự bao dung, lòng nhân ái, mới có thể thổi vào xã hội sự bình yên và niềm hạnh phúc, mới có thể xóa dần những nỗi đau. Tình yêu thương học trò ấy không phải thể hiện ở lời nói suông mà là tình cảm chân thành, xuất phát từ một trái tim giàu cảm xúc và một trí tuệ có văn hóa cao, nó làm cho HS yêu mái trường, yêu sách vở hơn và trở nên ngoan ngoãn say mê hơn trên con đường khoa học. Chúng ta đừng quên rằng HS dù bất cứ lứa tuổi nào, cũng đều rất nhạy bén trong sự cảm nhận và đánh giá đúng ai là người thật sự thương yêu chúng. Chúng ta rất đau lòng khi đọc các mẫu tin hàng ngày trên báo về những HS, thanh niên đánh lộn, cầm dao giết người…Chúng ta suy nghĩ gì về trách nhiệm giáo dục của mình trước các hiện tượng đó?.
 
 
Tình trạng đánh, phạt HS một cách thô bạo, chửi mắng, sỉ nhục và đe dọa HS ở trường phổ thông hiện nay là một vết nhơ của ngành giáo dục. Dĩ nhiên lỗi này không hoàn toàn do người thầy. Cũng có thể do bất an trong đời sống hoặc do khó khăn trong kinh tế mà người thầy đã trút bực tức trên đầu học sinh. Cũng có thể do lớp học qua đông cùng với sự hiếu động qúa đáng của tuổi trẻ, đòi hỏi người thầy phải có kỉ luật nghiêm ngặt mới có thể giảng dạy được. Cũng có thể do một số học sinh cá biệt không được gia đình, cha mẹ chăm sóc chu đáo hoạc bị cha mẹ đánh đập thô bạo ngay từ lúc còn thơ mà kỉ luật và những khuyên nhủ nhẹ nhàng ở trường học không còn tác dụng nữa. Nhưng dù thế nào thì tất cả các em cắp sách đến trường đều có một nguyện vọng là học hành, tu dưỡng để trở thành con người chân chính, con người hữu dụng. Do đó, nhà trường của chúng ta phải là nơi hấp dẫn và thu hút các em , phải là căn nhà thứ hai của các em, là trung tâm, không chỉ là trung tâm văn hóa khoa học, mà còn là trung tâm vui chơi giải trí của các em, phải là nơi mà các em bắt đầu thấy mình là người chủ, thấy xã hội (thu nhỏ trong nhà trường) tôn trọng cá tính và tính cách công dân của mình. Một trung tâm như thế chỉ có được ở những nơi mà người thầy hết lòng chăm sóc yêu thương và tôn trọng học sinh.
 
2. Người thầy phải biểu hiện một cách mẫu mực tính chân thật và đấu tranh cho sự thật.
Những ngày đầu tiên về nước được trường ĐHSP phân công coi thi tốt nghiệp, nhìn những khuôn mặt xanh xao (so với sinh viên nước ngoài ) của các thầy giáo tương lai cắm cúi làm bài, trong lòng tôi dâng lên một tình cảm quí mến kì lạ…Nhưng chẳng bao lâu sau đó tôi vô cùng thất vọng khi một bạn đồng nghiệp mang đến cho tôi xem những xấp giấy, với nhiều loại chữ viết nhỏ li ti của sinh viên mang theo quay cóp. Buổi trưa hôm ấy về nhà thì vợ tôi cũng mang về một đống giấy tương tự thu giữ được khi coi thi học kì ở trường ĐH Y – Dược. Chúng ta nghĩ gì về các bác sĩ, các thầy, cô giáo tương lai của chúng ta như thế? Các thầy cô giáo hiện nay có còn là tấm gương sáng về tính trung thực cho học sinh, sinh viên hay không?
Con bé của tôi khi học lớp 2 ở một trường nổi tiếng của thành phố đã kể cho tôi nghe : “Cô giáo của con rất dữ, thường cầm thước quất vào tay các bạn và hay la hét, nhưng đến khi có một phụ huynh nào đó vào thì trông cô rất hiền, rất dễ thương…” Những hình phạt nặng nề, sự đe dọa gây sợ sệt, ức chế học sinh, không giúp ích cho quá trình học tập của HS mà chỉ cho các em chán nản, sớm muốn bỏ học, đẩy các em đến với những cám giỗ hư hỏng của xã hội đen, gây tai hại nghiêm trọng không chỉ đối với chính bản thân và gia đình của học sinh mà còn đối với toàn xã hội. Một phụ huynh cho tôi biết con của bà nhờ học thêm ở nhà thầy giáo trong lớp nên các bài kiểm tra, bài thi học kì mà thầy cho đề nó luôn đạt điểm 9, 10 nhưng đến khi thầy giáo khác cho đề chỉ đạt điểm 1, 2. Nhiều trường, nhiều thầy cô giáo muốn có thành tích trong các kì thi hoặc để đạt điểm thi đua, đã đánh mất tính trung thực và công bằng trong giáo dục. Ở huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Hội phụ huynh học sinh cùng nhà trường thu mỗi học sinh lớp 12 là 25.000đ để bỏ phong bì cho hội đồng thi và … 5 phút sau khi phát đề thi tốt nghiệp trung học, đề được đưa ra ngoài, tổ chức giải và photocopy đưa vào cho HS chép, kết quả là huyện đã đạt thành tích xuất sắc … 90% đến 95% HS thi đỗ (2).
Một công dân không thể lương thiện được khi ngay từ những ngày còn ngồi trong ghế nhà trường đã học tập sự lừa dối bất công. Sự dối trá sẽ hủy hoại nhân cách. Xã hội không thể hoàn thiện và tốt đẹp hơn khi các thầy cô giáo không bảo vệ và đấu tranh vì sự thật, không làm cho HS thấy giá trị cao quí của sự thật. Khi ngoài xã hội có nhiều vụ trộm cướp, lường gạt nhau, nhiều hàng dối, hàng giả, một phần lớn trách nhiệm là ở ngành giáo dục của chúng ta!
 
3. Trau giồi kiến thức chuyên môn và phương pháp sư phạm.
Chuyển đạt tư tưởng, kiến thức khoa học, thông tin… từ thế hệ này đến thế hệ khác, từ người nay sang người khác, là một trong những hoạt động chủ yếu của nhân loại. Đó không chỉ là nghệ thuật sinh động, mà còn là một khoa học ngày càng phong phú và phức tạp, biểu hiện rõ nét nhất năng lực của con người. Trong phạm vi bài báo nhỏ này, tôi chỉ đề cập một vài nét cơ bản về phương pháp giáo dục trước tình hình giáo dục phổ thông vô cùng phức tạp hiện nay.
Nhiệm vụ chủ yếu của các thầy cô giáo hiện nay là truyền đạt kiến thức bằng phương pháp giảng dạy bài tại lớp học và hướng dẫn học sinh học tập nhằm nắm vững những kiến thức cơ bản do Bộ GD – ĐT đề ra. Do đó, để có thể gây được sự chú ý, niềm say mê của học sinh đối với môn học mà mình giảng dạy, trước tiên người thầy phải say mê môn học ấy. Và chính từ sự say mê này, người thầy càng ngày càng tìm hiểu thấu đáo tận cội nguồn của môn học, tìm hiểu từ những kiến thức kinh điển đến những thành tựu hiện đại để có một kiến thức uyên bác và luôn luôn mới mẻ. Người thầy phải hiểu rõ tính toàn cục của chương trình và các chi tiết cốt lõi, quan trọng trong chuyên ngành gảng dạy. Người thầy giáo giỏi là người chuyển được đến học sinh những kiến thức cốt lõi, quan trọng trong một thời gian ngắn nhất, đó không chỉ là chất lượng thông tin cao trong mỗi giờ dạy mà còn thể hiện tính sinh động, hình thức phong phú trong mối giao lưu và sự hiểu biết thấu đáo về học trò.
Mặt khác, hiện nay học sinh tốn nhiều sức lực và thời gian cho việc đến trường, nhưng kiến thức thu được thì thật không tương xứng. Cho nên, truyền đạt kiến thức chỉ là một mặt, mặt khăc không kém phần quan trọng là những hoạt động trợ giáo, hoạt động ngoại khóa, rèn luyện suy luận cho học sinh, hướng dẫn học sinh suy nghĩ, tự chủ động nghiên cứu, học tập. Chỉ cho học sinh các phương pháp học tập, sắp xếp thời gian, cách tìm các nguồn tài liệu, sách báo, nguồn thông tin. Chúng ta cũng cần lạc quan và có óc hài hước để gần gũi và gây thích thú cho học sinh và cần thường xuyên tìm hiểu nội dung chương trình, phương pháp giáo dục hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới để rút ra những tinh túy và nghiên cứu áp dụng.
                                                                    
(1) Thảo Sương : Ai sẽ bẻ gãy “chiếc roi” trong trường học? Báo Phụ Nữ, số 69, ngày 09/09/1998
(2) Trần Bạch Đằng : Báo động một “tệ nạn”, Báo Thanh Niên, số 148, ngày 16/09/1998
 
                     

Dr. Nguyễn Chí Long
E-mail:  nguyen.c.long@gmail.com

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

FANPAGE

THỐNG KÊ LƯỢT XEM

Tổng truy cập: 190,222

Đang online: 1

Scroll