DÒNG SÔNG XANH

AN DER SCHO"NEN BLAUEN DONAU - DANUBE BLEU

Dòng Sông Xanh

----------------------------------

Nguyễn Chí long

1.

Có lẽ người Việt nào cũng yêu quí một dòng sông nào đó.

Thi sĩ Tế Hanh, tuổi thơ gắn bó với dòng sông Dâu, sông Trà Bồng, Quảng Ngãi, đã viết về dòng sông tuổi thơ, mà có lẽ học sinh thời nào cũng yêu quí :

" Quê hương tôi có con sông xanh biếc.
Nước gương trong soi tóc những hàng tre.
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè.
Tỏa nắng xuống lòng sông lấp lóang.
Chẳng biết nước có giữ ngày giữ tháng.
Giữ bao nhiêu kỉ niệm giữa dòng trôi.
Hỡi con sông tắm mát cả đời tôi …"

 

Riêng đối với Chí Long (CL), tuổi thơ gắn liền với dòng sông Trà.
Những ngày còn bé, không gì vui bằng đá bóng, bắn bi cùng bạn trên bải cát mịn vàng, sau đó lao mình vào dòng nước trong xanh mát rượi, ngụp lặn, trốn tìm, đuổi bắt nhau; hay nhảy ùm vào sông từ một nhánh sung cao.

Thật hồi hộp khi đi tìm đá nâu đẻo bi, hay những hòn đá lạ, cứ ngỡ như sẽ tìm được cục vàng, hay viên đá thiêng trên bải đá đủ màu sắc, hình dáng ở triền sông. Đặc biệt là câu cá bống trong dòng nước trong, nhử mồi trước miệng chú cá bống và dựt vào bờ với niềm thích thú. Đó là lúc sông Trà tĩnh lặng. Còn những ngày lũ lụt, nước sông đục ngầu, tràn bờ; chảy cuồn cuộn, dòng sông mênh mông, mang theo nhiều củi mục và những thân cây lớn. Những lúc như thế trẻ thơ vẫn vô tư, hăng hái theo chú và ông đi đánh cá hay câu cá chình, cá chạch.

Dòng sông Trà ở quê hương CL. ngày xưa, có đoạn ở chân dãy Trường Sơn, dòng nước cuồn cuộn chảy, va vào các tảng đá lớn, tung bọt trắng xoá, nhưng khi đến thôn làng bằng phẳng, dòng nước chảy êm đềm, uốn khúc, trong xanh. Do đó, hình ảnh, âm thanh của dòng sông  Trà nơi đây thật phong phú, đa dạng.
Đặc biệt khúc sông Trà vừa uốn mình ra khỏi dãy Trường Sơn, nơi bây giờ có đập Thạch Nham, ngày xưa, nước chảy xiếc, tuỳ theo độ cao, tuỳ theo mùa, va vào các tảng đá lớn nhỏ khác nhau, tạo thành bản nhạc tự nhiên, lúc hùng tráng, dữ dội như tiếng gầm thét của chúa sơn lâm, lúc réo rắc trữ tình, vui nhộn, hoà theo những tiếng hò đối đáp tìm bạn tình của nam nữ thanh niên lúc phơi khoai lan, khoai mì trên bải cát mịn vàng; lúc dồn dập theo tiếng chiêng thách đấu của các cặp trai làng, thể hiện sức mạnh chinh phục thiên nhiên; hay thôi thúc các câu hò Giựt chì, hò Kéo lưới, hò Hụi, ….lúc khoan thai, trầm bổng hoà quyện vào tiết tấu, giai điệu của gió, nước và các giọng hò Mái ba, Mái nhì, Mái nhặt... và tan vào các điệu hát Bài chòi, Sắc bùa, Lý… đầy mê hoặc về tình yêu thiên nhiên, con người, cuộc sống. Nhạc khúc tuyệt vời và kỳ lạ này được tạo bởi thiên nhiên non nước sông Trà, núi Trường Sơn và người dân xứ Quảng, hình như nhạt dần theo thời gian, được ông bà CL kể lại với giọng buồn tiếc nuối.
 
Đặc trưng của một hợp âm rất riêng của dòng sông Trà, đan xen giữa sử thi hùng tráng và lãng mạng trữ tình, mà CL chưa nghe thấy trong rất nhiều dòng sông đã đi qua, đó là hợp âm tạo nên bởi Bờ Xe Nước. Bờ Xe Nước sông Trà, sản phẩm của tre làng, gổ, dây rừng Trường Sơn và óc sáng tạo, bàn tay tài hoa của người dân xứ Quảng, đưa nước ngọt vào những cánh đồng lớn cách nay đã hơn hai trăm năm, nuôi dưỡng thể chất và tâm hồn của bao nhiêu thế hệ, tạo thành những dàn nhạc lớn trên dòng sông. Hình ảnh đẹp đẻ, hoành tráng và âm thanh diệu kỳ của Bờ Xe Nước đã đi vào thơ ca, nhạc hoạ và in sâu vào tâm khảm của bao cuộc đời.

 

Vẻ đẹp của sông Trà thì chỉ có thể cảm nhận trong một quá trình dài, chứ không thể nào tả hết, mỗi khoảnh khắc của thời gian, dòng sông có vẻ đẹp riêng: khi thì đằm thắm, trữ tình, nên thơ. (Ồ, viết đến đây CL lại nhớ những câu thơ của Thi sĩ Dương Hương Ly mà CL đã đọc hay nghe đâu đó cách nay khoảng nửa thế kỷ. Lần đầu tiên gặp sông Trà, Thi sĩ sửng sờ như gặp sắc đẹp của người con gái xuân thì, dòng nước trong xanh chan chứa bao vẻ đẹp của tình yêu, hy vọng:

Ồ lạ sông Trà, em đấy ư

Không gian bỗng lặng quá, dường như…

Có cặp mắt nào in đáy nước,

Thấm mát lòng ta buổi giã từ…),

Khi thì huy hoàng, thanh cao, lộng lẫy…

Có nơi vẻ đẹp của dòng sông, bước qua khe cửa của núi rừng Trường Sơn, là vẻ đẹp của phong trần, hoang dã, vẻ đẹp của khí phách hào hùng, trong sáng, tự do. Có nơi, như khi dòng nước trong xanh vào làng Nghĩa Lâm và uốn cong ra biển, vẻ đẹp của dòng sông là màu xanh của bình yên, no ấm,

Khi bình minh lên, nhữnh tia nắng xuyên qua rặng tre ven sông, phản chiếu vào bải cát vàng, tạo nên những vạt lụa lấp lánh vàng trên dòng sông xanh. Khi mặt trời chưa khuất sau dãy Trường Sơn, bóng núi và mây trời in vào lòng sông, tạo thành bức tranh đầy màu sắc, kỳ ảo…

CL. không biết dòng sông Trà là dòng sông tâm hồn của bao nhiêu người, bao nhiêu thế hệ người dân Quảng Ngãi. Hình ảnh đẹp đẻ và thân thương của sông Trà được thiên nhiên ban tặng, không chỉ biểu hiện bên ngoài, trong cái nhìn từng khoảnh khắc, mà thấm đượm sâu xa trong cuộc sống vật chất và tinh thần: mang phù sa cho mía, lúa, ngô, khoai…, mang tình yêu quê hương cho từng em nhỏ, mang âm thanh và hương sắc diệu kỳ cho thơ, ca, nhạc, hoạ…, mang ước mơ và hy vọng cho các em học sinh tung tăng cắp sách đến trường, mang sức sống và niềm tin vào cuộc đời cho hàng ngàn thế hệ….
Chiến tranh đi qua và những người tâm hồn xơ cứng, không còn yêu quí thiên nhiên, đã phá huỷ nhiều thứ.
 
Tuổi thơ của CL. không còn nghe các giọng hò đối đáp thông minh trên bải cát mịn vàng bao quanh bởi dòng sông Trà xanh biếc nữa, chỉ còn nghe nhạc khúc tự nhiên từ dòng sông, nhưng vẫn hấp dẫn lạ thường, có những lúc âm thanh vang dội như tiếng Trống, tiếng Tù Và của đoàn người săn thú, có lúc như tiếng nhạc buồn trong nổi nhớ nhà của người Việt xưa đến đây khai phá, hay như tiếng nấc nghẹn ngào của những người Chăm Pa lưu lạc trên chính quê hương mình.
 
2.
Khi đến vùng đất mới nào, CL cũng mong muốn đến thăm một dòng sông gần nhất. CL đã từng chiêm ngưỡng vẻ đẹp và nghe nhiều âm thanh khác nhau của các dòng sông Đồng Nai, khúc nguồn, nơi bây giờ là đập thuỷ điện Trị An, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ ở Long An sông Cữu Long, sông Hồng, sông Thu Bồn, sông Hàn, sông Hương, sông Lam, sông Bến Hải, sông Côn, sông Cái, …và xa hơn là  dòng sông Seine ở Paris,  dòng sông Danube, đầu nguồn ở Sigmaringen, Đức, và khúc sông Danube chảy qua thành phố Praha, có tên Vltava hay Moldau, dòng sông Wisla (hay Vistula) chảy qua Krakow, Warszawa, dòng sông Charles chảy qua những trường đại học lừng danh Harvard, MIT, Boston, dòng sông Chicago nối liền hồ Michigan với sông Mississippi….Dòng sông nào cũng có hình bóng của dòng sông Trà thân yêu.

Đi qua sân khấu cuộc đời này, trải qua các cung bậc khác nhau của niềm vui, hạnh phúc…thông thường chúng ta nhận được từ những người gần gũi, thân yêu, lúc đó, chúng ta muốn giới thiệu cho cả thế gian biết; nhưng chính những bất hạnh, buồn đau, đôi khi cũng do những người thân thiết, gần gũi quanh ta gây ra, chúng ta lại âm thầm chịu đựng, không biết bày tỏ cùng ai, lúc này chỉ có dòng sông, người bạn thuỷ chung, yêu dấu, diệu hiền của ta mới có thể xoa dịu vết xướt trong tim, lọc sạch nổi buồn đau, u uẩn trong tâm hồn, làm hồi sinh sức sống. Chính vì thế, những lúc cảm thấy cô độc, đau buồn, có khi trong chính căn nhà của mình hay trên chính mảnh đất quê hương của mình, CL thường tìm đến một dòng sông, nếu không thể đến trực tiếp, thì qua nhạc phẩm tuyệt vời ”Dòng Sông Xanh”, hay theo tiếng Đức là “An der schoenen blauen Donau” “Dòng sông Donau trong xanh, đẹp đẽ ”, của Nghệ sĩ  vĩ cầm tài hoa  người Áo Johann Strauss. Đây là nhạc phẩm, CL đã nghe thời trung học mà tiếng vĩ cầm đã làm CL say mê đến nổi phải đi học vĩ cầm, chỉ mong có thể cảm thụ tốt hơn tiếng đàn mê hoặc trong nhạc phẩm “Dòng Sông Xanh” (Và rất tiếc, chỉ học được hơn bốn năm vì thời thế đổi thay).

Nhạc phẩm “Dòng Sông Xanh”, di sản văn hoá của nhân loại, nhạc phẩm nổi tiếng nhất của mọi thời đại, được hầu hết các nước trên thế giới yêu thích, là thông điệp về hoà bình, tình bạn, tình yêu, ước mơ và hy vọng; mang thoáng buồn sâu lắng, như là một sự thật hiển nhiên của mọi cuộc đời, nhưng cũng ấm áp tình thương, tràn trề hy vọng. Giai điệu valse của Dòng Sông Xanh làm mọi người say đắm, bởi đó là giai điệu tự nhiên của mọi dòng sông, chứ không phải chỉ từ điệu nhảy truyền thống đầy đam mê của người dân Đức, Áo. Khi đến thăm thành phố Boston, thành phố nổi tiếng về tình yêu âm nhạc, nơi cũng có điệu valse riêng, nơi có Nhà hát giao hưởng, mà kiến trúc bảo toàn âm thanh đứng hàng đầu thế giới, nơi có các trường Đại học nổi tiếng thế giới là Harvard và MIT; nhiều lần CL loanh quanh trên quảng trường thành phố, tìm một chổ vắng, ngồi, và tưởng tượng về một sự kiện âm nhạc cực kỳ hoành tráng, có lẻ là lần đầu tiên trên thế giới, cách nay hơn một thế kỷ.  Ngày 17/06/1872, trong lễ hội âm nhạc vì hoà bình, Johann Strauss điều khiển một dàn nhạc gồm 20.000 nhạc công, với sự hỗ trợ của khoảng 100 nhạc trưởng, biểu diễn nhạc phẩm “Dòng Sông Xanh” để phục vụ cho 100.000 khán giả. Điều này cho thấy sức thu hút khó tưởng tượng nổi của một nhạc phẩm, giá trị không gì sánh được của một dòng sông; và hơn 100 năm qua, cứ mỗi ngày đầu năm, từ Dàn Nhạc Giao Hưởng Của thành Vienne, những âm thanh tuyệt vời của “Dòng Sông Xanh” vang vọng khắp trái đất này, nhắc nhở loài người hảy trân quý và gìn giữ hoà bình, tình bạn, tình yêu, ước mơ, hy vọng.

                                                                                           N.C.L.

                                                                                    Chicago 25/10/2017

 

 

 

Dr. Nguyễn Chí Long
E-mail:  nguyen.c.long@gmail.com

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

FANPAGE

THỐNG KÊ LƯỢT XEM

Tổng truy cập: 190,220

Đang online: 1

Scroll