TỪ LY - Bài thơ viết về một thời điểm rất thiêng liêng từ ly mẹ
TỪ LY
--------------
Nguyễn Thái Dương
Lửa xong nhiệm vụ, lửa tàn
Vẹn nguyên, tro đợi băng ngàn xuyên mây
Lặng im nhỏ thó hình hài
Mẹ ngồi an định trên tay con mình
Nói cười vang vọng xung quanh
Vẫn không át được lặng thinh nỗi lòng
Tan vào khói bụi mông lung
Mẹ theo con chuyến cuối cùng phi cơ
Mẹ bồng con suốt tuổi thơ
Con ôm mẹ chỉ một giờ từ ly
Mấy ai hiểu được điều gì
Sao người khách cứ ôm ghì hũ tro...
NTD
5.12.2017
Nguyễn Thái Dương và Mẹ
VỀ BÀI THƠ “TỪ LY” CỦA NGUYỄN THÁI DƯƠNG.
Tháng 12 năm nay có ngày giổ đầu của hai người mẹ…mẹ bạn Nguyễn Thái Dương (NTD) và mẹ Chí Long (CL).
Cách nay hai ngày, đọc bài thơ “Từ Ly” của Thi sĩ Nguyễn Thái Dương trên Facebook, thật xúc động và thầm cám ơn bạn đã khắc hoạ nỗi lòng của bạn và cũng là của CL về người mẹ yêu quí, trước giờ biệt ly…
Mấy hôm nay CL cảm thấy hạnh phúc và ấm cúng khi gia đình quây quần bên nhau trong căn nhà của con trai ở Chicago, và CL còn có một trách nhiệm khác khi bay sang Mỹ lần này là trước mặt các con phải “vững vàng”, “lạc quan”, “không một chút ưu tư, buồn lo”,…để tạo một chổ dựa, một thứ năng lượng, có thể động viên, cổ vũ con gái; trước thời điểm hết sức quan trọng của cuộc đời con, đó là thời điểm cạnh tranh đầy khó khăn, quyết liệt giữa những Tiến sĩ thuộc hàng ưu tú sắp ra trường; để tìm một chổ đứng xứng đáng trong các trường Đại học Mỹ. Thật thương con gái, hôm qua, khi đưa con ra phi trường O’Hare để bay sang Florida, con gái còn bảo: cha đi với con thêm một đoạn nữa…cho đến nơi con qua cửa kiểm soát an ninh.
Nhưng về đêm, ngoài trời lạnh lắm, âm gần mười độ C, nằm xuống, trăn trở, nhớ mẹ, lại thấy cái lạnh bên ngoài chẳng thấm gì với nổi tái tê trong lòng, và khi nghĩ về những vần thơ Từ Ly của NTD, trái tim CL thổn thức, cố ngăn nhưng nước mắt cứ thầm lặng trào ra.
CL hiểu rằng, những câu thơ trong bài Từ Ly, chỉ là một “ký hoạ” thơ, hay chỉ như những ngọn sóng lăng tăng, mà bên dưới nó, ẩn sâu trong đó là một đại dương tình thương và lòng biết ơn mẹ.
Mẹ bồng con suốt tuổi thơ
Con ôm mẹ chỉ một giờ từ ly …
Vâng, hầu hết chúng ta trong cuộc đời này cũng đã là một đứa con, được mẹ bế bồng, chăm sóc suốt thời thơ ấu; nên chắc chắn rất cảm động, yêu quí những vần thơ trên của NTD; nhưng thấu hiểu chiều sâu nổi lòng, cảm thông hết niềm xúc cảm của một đứa con khi ôm mẹ, dưới hình hài những hạt bụi vũ trụ, rất riêng, rất đặc biệt và thiêng liêng này, có lẽ, chỉ có ở những người con thực sự trải nghiệm.
Đây có lẽ cũng là nổi đau rất riêng, chồng lên nhiều nổi đau riêng khác mà NTD và CL đã vượt qua, như là những nhiệm vụ phải hoàn thành. Xem nổi đau khổ nào cũng mang một ý nghĩa và giá trị riêng cho cuộc sống, và đau khổ nào cũng là tài sản làm giàu nghị lực, lòng dũng cảm, tự do nội tâm và làm tăng giá trị cuộc sống. Như Dostoevski đã nói: ”Chỉ có điều mà tôi sợ: không xứng đáng với những đau khổ của mình”.
Tôi muốn trích dẫn câu nói của triết gia lừng danh người Đức, Friedrich Wilhelm Nietzsche trong trường hợp này của chúng tôi: “Was mich nicht umbringt, macht mich staerker” (Điều gì không đánh gục được ta, khiến ta mạnh mẽ hơn).
Mẹ NTD, có lẽ rất vui khi về sum vầy bên chồng ở cõi vĩnh hằng, bà sẽ đạt được một sắc thái mới, một tầng nấc khác của TÌNH YÊU (nhân tiện đây xin mời bạn hữu và các bạn SV, HS đọc bài TÌNH YÊU, và xin hãy chuyền tiếp cho bạn mình cùng đọc, một thông điệp của CL, đăng trong mục giáo dục), vì như một chân lý của loài người : “TÌNH YÊU là mục đích cuối cùng và là mục đích cao cả nhất của nhân loại”; và cũng vì ý nghĩa huyền diệu nhất trong niềm tin, tư tưởng của loài người: Linh hồn con người chỉ có thể tìm thấy sự cứu rỗi thông qua tình yêu và trong tình yêu. Bạn NTD chắc hạnh phúc và cảm nhận được sự kỳ diệu trong tình yêu trong thời chiến chinh của cha mẹ mình. Còn mẹ CL, tuy không thể về với chồng mình; nhưng tình yêu của bà chắc chắn đã cứu rỗi linh hồn bà và sẽ còn lấp lánh năng lượng trong vũ trụ này.
Mỗi người mẹ trên thế giới này là một vũ trụ riêng, đặc sắc, quí giá mà khó có ai có thể xác định được hết ý nghĩa về sự tồn tại trên cõi đời này.
Nhiều đồng nghiệp với CL, như PGS, TS. Trịnh Sâm, TS. Trần Hoàng, … có mẹ, giống như mẹ CL, trải qua tuổi thanh xuân đơn độc, vắng bóng chồng, vì chồng tập kết ra Bắc; lại phải nuôi con thơ dưới nổi lo bị bắt bớ, đánh đập, tù đày. Đó là những người mẹ, mà mỗi người mang nặng một khuôn hình bất hạnh riêng, rất riêng, không chỉ trong suốt cuộc chiến tranh, mà ngay cả những ngày hoà bình, cho đến khi từ giả cõi trần.
CL không còn nhớ nhiều kỷ niệm tuổi thơ với mẹ, chỉ còn lưu lại ký ức về những ánh mắt thương hại của nghững người tù nhìn CL, khi CL theo mẹ vào tù ở nhà lao Quảng Ngãi. Sau khi ra tù, mẹ CL vào chiến khu gia nhập “đội quân giải phóng” trong núi rừng Trường Sơn. CL và người anh trai Nguyễn Chí Dũng (NCD) sống tiếp những ngày tuổi thơ buồn tủi, lo âu trên vùng đất đầy pháo bom, chết chóc. Sau này anh NCD cũng vào rừng tham gia lực lượng an ninh vũ trang và đã hy sinh.
Anh NCD của CL, cao lớn, đẹp trai, thông minh và học giỏi hơn CL nhiều, trong khi CL là đứa bé èo uột, học hành bình thường, và nếu so với anh NCD, một sản phẩm tuyệt vời của tạo hoá thì CL như là một sản phẩm …chẳng đáng giá gì. Thế mà anh NCD lại hy sinh. Những chiến sĩ an ninh từng công tác chung, hoặc quen biết anh ngày xưa (mà còn sống cho đến ngày hoà bình) đều yêu mến, kính phục về phẩm chất cao quí của anh như tinh thần trách nhiệm trong công việc, tình yêu thương đồng đội, tính kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu...Bằng hữu và các bạn SV, HS có thể kiểm chứng điều này nếu gặp và trò chuyện với, chẳng hạn như anh Phạm Nam Tào, Trung tướng Công an, nguyên Phó tổng Cục trưởng Cục Cảnh Sát. Sự hy sinh của anh là sự mất mát to lớn của gia đình. Ngày hay tin anh NCD hy sinh, CL cứ trách Trời, trách Thượng đế sao không cho mình chết thế cho anh; và suốt gần nữa thế kỷ trôi qua, nổi đau trong sự thiếu vắng anh trong gia đình không hề phai nhạt; mỗi lần nghĩ về anh, ngực CL nặng nề, khó thở. Kể chuyện rất riêng tư này để các bạn có thể hiểu hơn và có thể hình dung kích cở nổi đau mà mẹ CL đã trải qua khi đứa con trai tuyệt vời và yêu quí của bà hy sinh.
NTD ghi nhận ánh nhìn thấu hiểu, cảm thông hết sức đáng yêu, đáng quí của cô tiếp viên hàng không khi nhìn vào “cái hộp đang nằm ruột rà trong vòng ôm của tôi”. Còn trường hợp của CL thì, khi thuê một xe Toyota chở CL, mẹ và một người chú về nguồn sông Trà ở đập Thạch Nham, CL lên xe lặng lẽ, không nói gì về cái hộp thiêng liêng bên trong cái ba lô đang ôm trước ngực, vì sợ người ta kiêng cử. Ngay lúc đó, trời tuôn mưa, mây u buồn che phủ, anh tài xế cũng lặng lẽ lái xe hết sức cẩn trọng, đi thật chậm khi qua những chổ gập gềnh, tránh xóc, và kỳ lạ, khi xe đến giữa con đường băng qua sông Trà dưới chân đập Thạch Nham, nơi nước sông chảy xiết, bọt nước bắn tung trắng xoá hoà quyện vào mây trời bay thấp, mưa phùn, gió lạnh, tạo thành khung trời kỳ ảo; anh tài xế dừng lại và bảo: Đây là nơi tốt cho việc rải tro cốt. CL vô cùng ngạc nhiên, không hiểu tại sao anh tài xế biết CL mang theo bụi cốt và cảm nhận được niềm cảm thông trong giọng nói và vẻ mặt trầm buồn, chia sẻ của anh. CL mang mẹ xuống xe, cùng với người chú, cầu nguyện và đưa mẹ đi vào dòng sông Trà, ra biển Thái Bình Dương và đi vào vũ trụ bao la, vĩnh hằng, kỳ bí.
Chicago 8/12/2017, N.C.L.
Chí Long - Mẹ và anh trai Nguyễn Chí Dũng
Đến lúc này, mời các bạn chia sẻ với NTD và CL một khúc nhạc buồn: Prelude in E-minor của Nghệ sĩ thiên tài người Balan: Frédérich Chopin
Frédérich Chopin
Dr. Nguyễn Chí Long
E-mail: nguyen.c.long@gmail.com
Tổng truy cập: 188,918
Đang online: 7