BÀI HỌC QUA ĐƯỜNG

về Thầy Cô giáo và Học sinh Trường Nguyễn Đình Chiểu, TP. HCM.

 
BÀI HỌC QUA ĐƯỜNG
 Tặng Trường Phổ Thông Đặc Biệt Nguyễn Đình Chiểu và Nhà văn Lý Lan.
---------------------------------------------------------------------------------------
Nguyễn Chí Long
*
 
Không phải trong giảng đường,
Không phải trong phòng học bình yên
                                 có đèn nê-ông, quạt mát,
Không có phấn trắng, bảng đen, vở, sách,
Mà ở ngã tư đường
                               hổn độn những dòng xe.
Bài học bắt đầu 
                               dưới nắng gắt, khói xăng cay…
*
Thầy giáo gầy giơ một cánh tay
Tay kia đẩy cô học trò bé nhỏ
Em bước xuống đường
                                      gậy dò bỡ ngỡ 
Đụng vào những bánh xe
Em lại ngập ngừng
                                 cố gắng lắng nghe
Những bánh xe vượt làn vôi trắng
Những bánh xe lạnh lùng
                                          trước người khiếm thị,
Những bánh xe vô hồn
                                    nào thấu hiểu niềm đau.
*
Thầy trở lại bên đường, dạy tiếp em sau
Bài học qua đường
                              lặp đi lặp lại.
Thầy giảng em nghe
                                 những âm thanh rập rình nguy hiểm,
Phân biệt lòng người qua những tiếng xe.
Phân biệt cuộc đời trong mù mịt khói cay.
*
Bài học qua đường, tìm chốn nương thân
Áo đẫm mồ hôi
                         da sờn đen dưới nắng.
Chỉ một bất cẩn nhỏ thôi
                              có thể trả bằng mạng sống
Trên những con đường trật tự đảo điên.
*
Học xong bài, em có thể đi riêng.
Thầy vẫn chưa bớt nỗi lo
                                  trước những dòng xe nước lũ.
Thầy vẫn dõi theo phận đời bé nhỏ
Tìm lối vào đời, hòa nhập, mưu sinh...
*
Bài học qua đường, chẳng phút bình yên
Tiền bạc, quyền uy bẻ cong gạch lát
Lề đường dành cho người thu tiền nhiều nhất
Hoặc chẳng có lề đường nào dành cho ai.
*
Bài học qua đường
                                 nào có giản đơn
Như chẳng giản đơn 
                               tìm khung trời bác ái
Dòng chảy lợi danh nào
                               mang phù sa nhân nghĩa
Để vun bồi những mất mát em ơi?
                                                N.C.L.
                                            Tháng 2/2009
 
 
Nobuyuki Tsujii 

và bản Piano Concerto số 2, cung Đô thứ  của Rachmaninov.

Nobuyuki Tsujii  là người Nhật đầu tiên đoạt giải nhất tại cuộc thi piano quốc tế  Van Cliburn  lần thứ 13 được tổ chức tại Texas, Mỹ (năm 2009) và cũng là nghệ sĩ piano khiếm thị đầu tiên thắng cuộc trong lịch sử 47 năm của cuộc thi danh giá này.

Nhạc phẩm Piano Concerto số 2, cung Đô thứ  là bản concerto nổi tiếng của nhà soạn nhạc người Nga  S. V. Rachmaninov  sáng tác vào đầu Thế kỷ XX, gồm 3 chương. Chương  1: Moderato, cung Đô thứ,  với những cảm xúc dạt dào, thăng trầm qua những âm thanh trữ tình, trong sáng. Chương 2: Adagio sostenuto, chuyển từ cung Đô thứ sang Mi trưởng, thấm đẫm tình yêu thương da diết, sâu lắng. Chương  3: Allegro scherzando, từ cung Mi trưởng  chuyển sang cung Đô thứ, và dâng trào thành Đô trưởng, đầy bất ngờ, giai điệu sôi nổi, tươi sáng, tràn trề hy vọng.  Ngoài các hợp âm bất thường cách đều nhau, tạo hiệu ứng như âm thanh của chuông nhà thờ, còn có sự độc đáo trong tiết tấu, hoà âm và giai điệu, đã tạo ra các âm thanh rất đặc trưng, mang cá tính độc đáo Rachmaninov.

Nhạc phẩm Rachmaninov xứng đáng đại diện cho một trong những đỉnh cao của ngôn ngữ âm nhạc Nga và Thế giới trong thời kỳ lãng mạn và chứng tỏ rằng, Rachmaninov là bậc thầy về biểu diễn Piano và soạn nhạc, với tài năng kết hợp hài hòa giữa tất cả các âm thanh của các nhạc cụ,  giữa các kỹ thuật điêu luyện,  với âm điệu nhịp nhàng, trữ tình, lãng mạn.

Thật xúc động và khó tưởng tượng nổi, nghệ sĩ dương cầm khiếm thị Nobuyuki T.,  đã vượt qua những  khó khăn, phức tạp theo yêu cầu kỷ thuật của Rachmaninov, biểu diễn tuyệt vời  Piano Concerto số 2 của Rachmaninov. 

 
 
 
 

Dr. Nguyễn Chí Long
E-mail:  nguyen.c.long@gmail.com

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

FANPAGE

THỐNG KÊ LƯỢT XEM

Tổng truy cập: 188,892

Đang online: 10

Scroll