Allen Ginsberg
Tiếng Hú Có Còn Vang?
Nhà Thơ Allen Ginsberg
Nguyễn Chí Long
-----------------------------------------------New Jersey 17-20/08/2012
*
Một chiều hè từ New york đến Red Bank,
Lần đầu tiên tôi qua vùng Neward,
Mảnh đất sinh ra nhà thơ Allen Ginsberg.
Tôi cố lắng tìm “tiếng hú” có còn vang?
*
“Tiếng hú” có từ một chín năm lăm,
lúc tôi vừa chào đời
cách nơi này nửa vòng trái đất.
Tuổi trẻ thời cha tôi cũng rơi vào bế tắc.
Tuổi trẻ nơi này vỡ mộng, mất niềm tin.
*
“Tiếng hú” gọi người hãy sống tự do hơn,
coi thường phồn vinh vật chất,
Cảnh báo nguy cơ
Khi trình độ nhân văn thấp hơn nền công nghiệp,
Cuộc sống trở thành mờ mịt, tối tăm.
*
“Tiếng hú” gọi loài người hòa với thiên nhiên
Nhận diện lại phần tâm - linh – người cao quí
Nhận diện rõ những uy quyền tăm tối
tàn phá trí tuệ tuyệt vời,
kìm hãm văn minh…
*
Thế giới này dẫu quá mông mênh
Vẫn khan hiếm lòng chân thành
như nhà thơ, đạo sư Ginsberg,
Sang sảng dòng thơ ca như tiếng kèn trumpet,
Cổ vũ nhân quyền, giới tính, tự do.
*
Lại có lúc giọng thơ chậm trầm,
khắc khoải âu lo,
ám ảnh cô đơn, vời vợi buồn nhân thế
Như tiếng kinh cầu cho những phận người nhỏ bé
Tựa tiếng thơ buồn, vượt kiếp nhân sinh.
*
Vốn yêu hoà bình, căm ghét chiến tranh,
Nhà thơ đã từng đến Sài gòn
ngồi thiền phản chiến
Mang thơ ca trong hơi thở thiền, từ bi, thánh thiện
Cứu vớt con người thoát khỏi vô minh.
Hòa bình cho Việt nam!
Đấu tranh của đạo sư như là định mệnh.
Sống, là dấn thân, tâm linh thánh thiện,
Hơi thở thiền-sức mạnh những vần thơ…
*
Newark chiều buồn, tôi cô độc, suy tư
Khắc khoải trong tâm điều đạo sư thắc mắc
Nước Mỹ lắm tự do, sao còn đầy nước mắt?
Liệu có thể cứu thế giới này bằng giác ngộ thơ ca?
*
Tôi chợt bàng hoàng, “tiếng hú” vẫn vang xa…
N.C.L.
“Tiếng Hú” (Howl) là bài thơ trong tập thơ “Tiếng Hú và Những Bài Thơ Khác” (Howl and Other Poems) của nhà thơ Mỹ Allen Ginsberg ( 1926 - 1997) tại Newark ( Ginsberg, người đại diện cho “The He beat”, được xem là huyền thoại của văn hoá Mỹ, ảnh hưởng cho đến tận ngày nay), đây là tiếng gào thét chống lại một xã hội chỉ biết tới giá trị của vật chất, sản phẩm của xã hội công nghiệp, làm khô cứng đời sống tinh thần, hủy diệt những tài năng sáng tạo trên lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, lĩnh vực triết học và nghệ thuật…., nó còn là tiếng thét phản đối chiến tranh, đấu tranh cho tinh thần tự do, nhân quyền, yêu hoà bình, yêu thiên nhiên, yêu tình người chân thật, khát khao giải phóng tâm hồn bằng con đường tâm linh…
Dr. Nguyễn Chí Long
E-mail: nguyen.c.long@gmail.com
Tổng truy cập: 188,941
Đang online: 2